Ông Trần Trọng Tuấn - Ảnh: HỮU KHOA |
Ông Tuấn cho rằng: “Việc xử lý phải đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng phải cân nhắc đến cuộc sống, tài sản của người dân mua nhà ở sai phép - không phải là người vi phạm.
Đó cũng là lý do mà UBND TP giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tư pháp để rà soát hồ sơ, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định. Nếu chỉ áp dụng pháp luật đơn thuần thì UBND TP đã giao UBND huyện Bình Chánh cưỡng chế theo quy định, ngay từ năm 2015 rồi”.
* Vì sao không thể xử lý dứt điểm vụ việc khi UBND TP có chỉ đạo từ năm 2015?
- Vụ việc này xảy ra từ năm 2014, kết luận thanh tra đã nêu rõ và cán bộ sai phạm của xã, huyện đã bị xử lý, thể hiện sự nghiêm túc, chấp hành xử lý nghiêm, rõ ràng không có bao che. Vấn đề còn lại là xử lý các công trình vi phạm như thế nào?
Trước hết là theo quy định pháp luật. Hiện nay đã có 131 nhân khẩu, với rất nhiều hộ dân sinh sống ở đây. Đây là hậu quả để lại từ năm 2015 chứ không phải do kéo dài quá trình xử lý.
Xem xét xử lý không chỉ đơn thuần là tháo dỡ hay cưỡng chế, mà việc xử lý công trình đó gắn liền với hàng trăm hộ gia đình và nhân khẩu đang sống trong đó.
* Kiến nghị của Sở Xây dựng cho tồn tại các nhà sai phép ở Đa Phước liệu có tạo ra sự “lờn luật” hay “vẽ đường cho hươu chạy”?
- Không! Kiến nghị trên chỉ là vận dụng pháp luật đã từng có cho một trường hợp cụ thể này. Đây cũng là bài học về quản lý cho chính quyền xã, huyện trong vấn đề tăng cường quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay từ đầu. Không thể đem kết quả xử lý vụ việc này là cơ sở tiền lệ để xử lý vụ việc sau.
* Năm 2013 cũng tại Bình Chánh đã cưỡng chế, đập bỏ hàng trăm căn nhà vi phạm xây dựng. Vậy phải chăng có sự “du di” trong vụ việc lần này?
- Hai vụ này là khác nhau, các công trình cưỡng chế ở Bình Chánh năm 2013 là xây không phép, mức độ nghiêm trọng, quy mô lớn hơn. Còn công trình ở Đa Phước năm 2015 là có giấy phép xây dựng nhưng biến tướng thành nhiều căn nhà nhỏ.
* Năm 2016, trong văn bản gửi huyện Bình Chánh, UBND TP đã khẳng định các công trình này không thể áp dụng nghị định 121 để cho tồn tại. Vì sao lần này Sở Xây dựng lại tiếp tục kiến nghị?
- Điều đó thể hiện sự khó khăn trong phương hướng giải quyết.
Người dân đã bỏ hàng trăm triệu đồng để mua nhà xây dựng sai phép; hành vi sai phạm này là chuyển từ phòng ở thành căn hộ ở, chuyển bancông thành mở rộng căn phòng ở; nằm trong khuôn viên thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp của chủ đầu tư, không vi phạm chỉ giới xây dựng, không tranh chấp, khiếu nại; công trình đã hoàn thành và đưa hộ dân vào ở.
Kiến nghị cho tồn tại phần xây dựng sai phép để ổn định cuộc sống người dân, đồng thời vẫn kiên quyết xử lý sai phạm của chủ đầu tư, cụ thể là các trường hợp xây dựng không phép hoặc xây dựng sai phép nhưng chưa hoàn thành thì phải cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.
Chủ đầu tư buộc phải nộp lại số tài sản hưởng lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị xây dựng sai phép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận