Trong khi đa số bạn đọc cho rằng việc thu phí âm nhạc trong phòng nghỉ khách sạn có tivi là không hợp lý, vẫn có những ý kiến nhận định việc thu này là đúng luật.
Tiếp tục câu chuyện và có thêm góc nhìn về vấn đề gây tranh cãi này, Tuổi Trẻ Online có cuộc trao đổi với ông Đặng Đình Long, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giải pháp công nghệ AiBiz -đơn vị sở hữu công nghệ giám sát việc sử dụng âm nhạc trên truyền hình.
* Chuyện tranh luận về việc thu phí âm nhạc trong các phòng nghỉ khách sạn có tivi đến nay vẫn chưa có hồi kết. Hiện có hai luồng quan điểm cho rằng thu là đúng luật, một luồng ý kiến khác lại cho rằng đó là cách thu phí chồng phí. Quan điểm của ông ra sao?
- Ở đây có hai vấn đề là có nên thu phí âm nhạc trong phòng nghỉ khách sạn và việc thu đó có đúng luật hay không?
Luật sở hữu trí tuệ mặc dù quy định chưa rõ ràng lắm, nhưng vẫn cho thu phí tác quyền khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc vào việc kinh doanh.
Những ý kiến ủng hộ việc thu là đúng lập luận rằng khách sạn sử dụng tivi trong phòng nghỉ là một dịch vụ tạo nên giá trị gia tăng cho phòng đó. Thứ hai, tivi trong phòng nghỉ khách sạn là phương tiện để công chúng tiếp cận với các tác phẩm âm nhạc.
Không chỉ trên báo chí, mà trên mạng xã hội cũng có nhiều tranh luận gay gắt về việc thu phí này. Thậm chí nhiều người còn ví von việc thu phí bản quyền âm nhạc trên tivi trong khách sạn giống như các trạm thu phí Cai Lậy hoặc đường 5...
Nhiều nước trên thế giới cũng đang tranh luận về câu chuyện này. Theo tôi được biết, có rất ít nước áp dụng thu phí âm nhạc trong phòng nghỉ khách sạn. Nhiều vụ kiện cũng xảy ra khi một số nước thu phí này.
Như hai nước Mỹ và Anh có thu tiền quyền tác giả âm nhạc ở khách sạn, nhưng chỉ tính ở những không gian công cộng như sảnh, quầy bar, nhà hàng hoặc các hội trường...
Nhiều nước quan niệm phòng nghỉ khách sạn là không gian riêng tư, nên khách đến nghỉ không được coi là công chúng tiếp cận tác phẩm. Vì thế sẽ không phát sinh quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng để thu phí âm nhạc. Nói cách khác, khi khách ở các khu vực không gian công cộng thì họ đóng vai trò là công chúng, khi trở về không gian riêng tư thì họ không còn là công chúng nữa.
Ông Đặng Đình Long
Coi phòng nghỉ khách sạn là không gian riêng tư cũng là những lý lẽ của những ý kiến phản đối việc thu phí âm nhạc trong phòng nghỉ.
* Trong trường hợp nếu được thu tiền quyền tác giả âm nhạc trên tivi trong phòng nghỉ khách sạn thì phải dựa trên những cơ sở nào?
- Gần đây nổi lên chuyện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu tiền phí này, nhưng trên thực tế ở Việt Nam có rất nhiều tổ chức đại diện tập thể quyền, mà nhiều người thường chỉ biết đến trung tâm này thôi.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, giám đốc chi nhánh phía Bắc của trung tâm, trả lời trên báo chí rằng đơn vị này hiện giữ quyền tác giả của 13.000 - 14.000 ca khúc trong nước và quốc tế.
Số lượng này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số các ca khúc đang tồn tại trên thị trường, chứ không phải chiếm đến 80% như ông Phó Đức Phương trả lời báo chí.
Như các đơn vị Nhacuatui, Zing... mỗi đơn vị cũng đang nắm giữ bản quyền vài chục nghìn bài hát.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu không chỉ có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mà các đơn vị khác cũng sẽ đến thu của doanh nghiệp? Tất nhiên đến nay đều đó chưa xảy ra vì các đơn vị đó chưa có động thái thu.
Cho nên điểm mấu chốt là nếu thu phí âm nhạc trong phòng nghỉ khách sạn thì phải dựa trên cơ sở khoa học, có công cụ giám sát, thống kê được những tác phẩm âm nhạc nào, của tác giả nào hoặc đơn vị được ủy quyền đã được sử dụng trong từng phòng theo thời gian xác định mới nên tiến hành thu.
Không thể nói rằng nếu không muốn đóng tiền phí âm nhạc thì khách sạn đừng trang bị tivi. Đó là cách đặt vấn đề rất ngược.
Ông Đặng Đình Long
* Ông Nguyễn Hoàng Giang còn lập luận rằng dù khách đến ở khách sạn có xem tivi hay không thì tiền phí sử dụng tivi cũng được tính cả vào tiền phòng khách sạn mà khách phải trả.
Vậy nên số tiền đó cần phải được trả cho các tác giả (thông qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam), nếu không thì chủ khách sạn sẽ được hưởng phần tiền mà lẽ ra thuộc về các tác giả. Theo ông, lập luận này có thuyết phục không?
- Trong gói dịch vụ của khách sạn có tivi cũng không thể mặc định rằng tivi đó chỉ để phát nhạc, bởi khách có thể dùng tivi xem phim, xem tin tức.
Hơn nữa, trên thực tế những người đi du lịch, đi công tác nghỉ tại khách sạn chẳng có mấy thời gian xem tivi.
Vậy nên như tôi vừa đề cập, nếu muốn thu phí âm nhạc thì phải có phương tiện đo lường xem thời gian các khách vào khách sạn xem tivi là bao lâu, vào khung giờ nào, có xem những tác phẩm đã ủy quyền cho trung tâm hay không, tỉ lệ số bài đã ủy quyền cho trung tâm chiếm bao nhiêu trong tổng số bài đã phát trên tivi...
Ít nhất phải có những bằng chứng đó mới có cơ sở thuyết phục. Trên cơ sở đó mới đàm phán với các bên sử dụng về mức giá cho mỗi lần phát một ca khúc thì sẽ có tình có lý hơn việc đơn phương áp giá 25.000 đồng/phòng/năm như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vẫn thực hiện.
Sử dụng tác phẩm, trả phí tác quyền là hành vi công bằng, văn minh và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa sáng tạo, nhưng thực hiện hành vi văn minh chắc cũng phải bằng phương thức văn minh.
Nếu được vậy, tôi tin các doanh nghiệp sẽ ủng hộ chứ không phản ứng như Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng vừa rồi.
Còn nếu cứ nói trên tivi có phát âm nhạc mà thu phí bản quyền thì nay mai có lẽ các khách sạn sẽ phải nộp cả phí bản quyền phim, bản quyền chương trình và nhiều thứ bản quyền khác... hay sao?
Mức thu mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đưa ra 25.000 đồng mỗi phòng khách sạn có tivi không phải là gánh nặng quá lớn với doanh nghiệp. Nhưng do các doanh nghiệp cho rằng cách thu chưa minh bạch nên họ phản ứng là đương nhiên.
* Vậy thời gian qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đang thu "trọn gói" như vậy nghĩa là đã lạm thu vào cả những tác phẩm do các đơn vị khác giữ bản quyền? Nếu như vậy thì có phải hoàn trả?
- Lâu nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu theo gói vì không có cơ sở đo lường. Việc thu như vậy hoàn toàn có thể sẽ lạm thu vào phần các tác phẩm mà đơn vị khác đang nắm giữ bản quyền.
Về nguyên tắc, nếu thu trọn gói như vậy sẽ không biết là đang thu của các tác giả nào và cũng không có cơ sở vững chắc để phân phối số tiền đã thu được cho hợp lý. Chưa kể cách thu như vậy có thể làm phát sinh các tranh chấp pháp lý từ các tổ chức đại diện quyền tập thể khác.
Việc thu phí âm nhạc trên tivi trọn gói còn tạo ra hiểu nhầm là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đang là đại diện cho hầu hết các tác giả bài hát ở Việt Nam và trên thế giới. Trong khi số lượng tác phẩm âm nhạc họ đang giữ bản quyền chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường âm nhạc. Không chỉ công chúng, mà nhiều đơn vị truyền hình cũng đang hiểu nhầm về việc này.
Ông Đặng Đình Long
* Hiện nay, về mặt công nghệ đã có giải pháp nào khả thi cho câu chuyện này hay chưa?
- Công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể bóc tách được các bài hát đã phát sóng trên tivi để phân loại, nhưng với điều kiện đơn vị đang giữ quyền phải cung cấp thông tin họ đang đại diện quyền cho tác giả, tác phẩm nào.
Nhận thức được vai trò của việc bảo vệ bản quyền tác giả đối với công nghiệp văn hóa sáng tạo, hơn một năm qua chúng tôi đã xây dựng hệ thống ghi nhận việc sử dụng âm nhạc trên các kênh truyền hình, radio và tiến tới là Internet.
Đến nay, chúng tôi có thể cung cấp báo cáo chi tiết đến từng giây các tác phẩm được sử dụng trên kênh nào, trong sự kiện nào, ai biểu diễn, phát chính hay phát lại, có tài trợ quảng cáo hay không…
Việc trích xuất xem khách vào khách sạn có xem tivi hay không cũng có thể làm được. Tất nhiên việc đầu tư cho công nghệ này sẽ cần nhiều chi phí, nhưng đơn vị nào muốn thu phí âm nhạc thì phải đầu tư công nghệ đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận