14/10/2016 10:10 GMT+7

Rất cần khẩu hiệu ngắn gọn, dễ hiểu

LAM HỒNG
LAM HỒNG

TTO - Đọc bài ““Văn hóa khẩu hiệu” trong nhà trường”, tôi thấy nhà trường không thể thiếu khẩu hiệu. Nhưng khẩu hiệu phải tuân theo một chuẩn nào; hay tùy theo trường lớp, điều kiện, vùng miền?

Dù có độ dài, ngắn khác nhau, nhưng khẩu hiệu phải nhằm mục đích răn dạy về lẽ sống, đối nhân xử thế, tạo niềm tin, niềm đam mê cho lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Một danh ngôn, tục ngữ, thành ngữ, một lời dạy của lãnh tụ đều có thể trở thành khẩu hiệu trường học.

Trong thời gian công tác tại trường, tôi thường tặng trường những khẩu hiệu được đóng khung kiếng cẩn thận, tao nhã.

Trước văn phòng Đoàn trường, tôi tặng khẩu hiệu là lời dạy của Bác Hồ với thanh niên: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên!”.

Trước phòng họp hội đồng, tôi tặng khẩu hiệu là một đoạn trích thơ Tố Hữu: “Nếu là con chim, chiếc lá/ Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không có trả/ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Trước các dãy phòng học, trên các băng đá, tôi thường nhờ khắc lên những câu tục ngữ như “Thương người như thể thương thân”, “Có chí thì nên”, “Học thầy không tày học bạn”...

Khẩu hiệu trong nhà trường càng ngắn gọn càng dễ nhớ, dễ thấm sâu vào tâm trí, tâm hồn học sinh. Tránh những danh ngôn khó hiểu do dùng từ Hán Việt như: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”... mà chọn ca dao, tục ngữ, thành ngữ thì dễ đi vào lòng người hơn.

“Mưa lâu thấm đất”, cha ông ta ngày xưa từng dạy như thế. Khẩu hiệu trong nhà trường, nếu biết chăm chút, cũng sẽ thấm dần vào tâm hồn học sinh, biến thành lẽ sống, thành lý tưởng trong hành trang vào đời của các em...

LAM HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên