21/01/2022 09:15 GMT+7

Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ 2: “Vương quốc” xinê một thời

PHÚC TIẾN
PHÚC TIẾN

TTO - Các rạp Rex, Eden và Quốc Tế đều là "rạp hạng nhứt", phần lớn chiếu phim mới nhất, độc quyền và không để trùng nhau. Đi xem phim tại các "rạp sang" là thú vui đắt tiền hiếm hoi cho nhiều gia đình.

Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ 2: “Vương quốc” xinê một thời - Ảnh 1.

Rạp Casino Sài Gòn trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Thế nhưng Sài Gòn "thượng vàng hạ cám", có đủ rạp xinê "hạng hai", "hạng ba" hay kể cả "hạng bét" ở cả khu vực trung tâm và các xóm lao động. "Rạp sang" là rạp có máy lạnh, ghế nệm, chiếu theo suất. Rạp bình thường chỉ có quạt máy, chiếu pẹc-ma-năng (thường trực) vào lúc nào cũng được, đặc biệt chiếu liên tục hai phim, đều là phim cũ. Riêng dịp Tết, chỉ chiếu một phim, nhất là phim hài.

Văn Hoa Đa Kao và Văn Hoa Sài Gòn

Dân Sài Gòn già hay trẻ ở đâu cũng có "thiên đường chiếu bóng" theo túi tiền và sở thích của mình. Chỉ cần một chiếc vé xinê rẻ hơn ngàn lần so với giá vé máy bay, người xem có thể viễn du nhiều châu lục, nhiều thời điểm và hòa mình vào những câu chuyện "hỉ nộ ái ố" trên màn bạc. Điểm lại Sài Gòn ngày xưa với dân số 2-3 triệu người, từng là "vương quốc điện ảnh" có hơn 60 rạp xinê, thế nhưng giờ đây rạp còn, rạp mất, phôi pha trăm nỗi.

Chiều chủ nhật 2-1-2022, tôi đi xem phim No time to die ở rạp Mega GS số 17 Cao Thắng. Sau gần hai năm không xem phim vì Covid-19, bước vào rạp, tôi bồi hồi không chỉ vì gặp lại anh chàng Jame Bond tài hoa. Không chỉ vì khung cảnh những gia đình tề tựu ríu rít. Và kìa, tuổi teen cười nói lao xao trước phòng vé. Trong tôi, còn có nỗi hoài cảm trở về chốn xưa, chứng kiến những thay đổi hoàn toàn.

Nơi đây chính là rạp Văn Hoa Sài Gòn của ông bác tôi - Trần Hữu Tuân. Trước khi di cư vào Nam năm 1954, bác Tuân đã có rạp xinê và nhà hàng ở Nam Định. Mới chân ướt chân ráo trên miền đất mới, gia đình bác đã gầy dựng lại cơ nghiệp xinê bằng cách xuống Mỹ Tho thuê rạp Định Tường. Chẳng mấy chốc, bác Tuân biến rạp vắng thành rạp đông khách. 

Sau đó, bác "thôn tính" luôn rạp hát còn lại ở thành phố nhỏ bé và hiền hòa ấy. Và rồi, làm ăn khấm khá hơn, gia đình bác Tuân chuyển lên Sài Gòn dựng nghiệp lớn, mua đất và xây rạp ở khu Đa Kao - Tân Định trên đường Trần Quang Khải. 

Bác Tuân khai sinh thương hiệu Văn Hoa, bao gồm rạp xinê cùng quán cà phê nhạc và máy lạnh - loại hình mới mẻ lúc đó. Ngôi biệt thự của bác được xây ngay bên rạp. Mỗi lần đến chơi nhà bác, tôi đều "chết khiếp" khi thấy đàn chó berger Đức cao to chạy ùa ra nghênh đón(!).

Những năm cuối 1960, bác Tuân mua lại rạp Việt Long cũ kỹ ở khu Bàn Cờ, "hóa phép" thành rạp Văn Hoa Sài Gòn. Từ ấy, để phân biệt với rạp mới, rạp cũ ở đường Trần Quang Khải được gọi là Văn Hoa Đa Kao. Hai chữ Văn Hoa vừa lạ, vừa đẹp cộng thêm các bí quyết về nhập phim và phục vụ khách, đã làm hai rạp xinê này tuy chỉ bậc trung nhưng thu hút khách không kém Rex hay Eden.

Năm 1974, quyết chí thăng hạng lên "rạp sang", bác Tuân cho phá rạp Văn Hoa Sài Gòn để xây rạp mới, cao to và lộng lẫy hơn, đặt tên là rạp Capitol, khai trương tháng 1-1975. Mặt tiền của rạp và nội thất bên trong đều lát gạch granite màu huyết dụ, nhập từ Ý. Hình ảnh trang trí trong rạp là những cành hồng trắng thanh tao. Ở đại sảnh, các poster phim khổ cực lớn được trình bày trong các khung kính trang nhã. Mặt khác, Capitol còn có rạp Mini với cầu thang đi lên hình xoắn ốc và thiết kế bên trong tạo cảm giác khách bước vào một "phi thuyền" rất kỳ thú.

Sau tháng 4 năm 1975, gia đình bác Tuân giao lại hai rạp xinê cho Nhà nước để đi xuất cảnh chính thức. Từ đấy đến cuối năm 1990, rạp Capitol đổi tên là rạp Thăng Long cùng với rạp Bến Thành (Rex) vẫn là hai rạp lớn nhất và hiện đại nhất của thành phố. Trước khi xuất cảnh, bác Tuân còn kịp nhận mấy đứa cháu họ vào làm nghề chuyển phim giữa các rạp và nghề soát vé. Các anh đều trở thành "công nhân viên" khi rạp chuyển qua quốc doanh. Cũng nhờ các anh, những năm sau đấy, nói ra thật mắc cỡ, thời sinh viên đói kém, tôi thường vào "coi cọp" thoải mái ở rạp Thăng Long.

Khoảng năm 2015, rạp Thăng Long lại bị "hóa kiếp" thành cao ốc Saigon Mall, nơi có các rạp nhỏ của hệ thống Mega GS. Cùng thời gian, rạp Văn Hoa Đa Kao cũng đã "chuyển hóa" thành cao ốc đa năng, bên trong có rạp CGV. Gia đình bác Tuân cũng như gia đình ông Ưng Thi - chủ nhân rạp Rex và rạp Đại Nam - chắc không ngờ nổi sau gần 50 năm những rạp xinê của mình đã "đầu thai" thành những tên tuổi khác!

Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ 2: “Vương quốc” xinê một thời - Ảnh 2.

Tờ quảng cáo phim rạp Văn Hoa Đa Kao và Văn Hoa Sài Gòn - Ảnh sưu tập của Huỳnh Minh Hiệp

"Di tích" Casino, Vĩnh Lợi, Lê Lợi, Đại Nam...

Không xa Rex và Eden, ở trung tâm quận 1 còn có nhiều rạp hát khác, đông khách không kém. Trước nhất, phải kể đến rạp Casino Sài Gòn ở góc Pasteur - Lê Lợi. Rạp có từ thời Pháp, trang thiết bị "bình bình" nhưng có vị trí thuận lợi và còn hút khách vì có nhiều quán hàng ngon kề bên. Cái hẻm bên cạnh rạp được gọi là "hẻm Casino", có đầy đủ hàng quán cơm, phở, bún thang, bánh cuốn và nhiều món ăn Bắc.

Mẹ tôi mách, bố tôi "nghiện" đi xem phim khuya tại đây, "nghiện" cả thú xem phim xong là có ngay phở nóng! Còn tôi thì không quên đối diện rạp Casino Sài Gòn có quán kem Mai Hương ngon "tuyệt cú mèo". Trong lúc chờ xem phim hay lúc tan hát, khách vào đây, nhất là các cặp đôi, nhâm nhi ly kem lạnh, ngắm phố phường. Sau 1975, rạp đổi tên rất "oách" là Vinh Quang song "vinh quang" dần dà tắt lịm vào những năm 2000. Có một ít năm, rạp xinê này trở thành rạp hát kịch hài của "gánh" Phước Sang. Những năm gần đây, rạp Vinh Quang bị phá bỏ để xây nên khách sạn Liberty Central Saigon Citypoint, bên trong có rạp xinê hiện đại của hệ thống CGV!

Cùng hệ Casino, còn có rạp Casino Đa Kao nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, gần Cầu Bông, chỉ trang bị quạt máy, thu hút khách bình dân. Sau 1975, rạp đổi tên thành rạp Cầu Bông, không được đầu tư thêm, lúc nào trông cũng xập xệ. Bây giờ, rạp cũng đã "dẹp tiệm", trở thành một cơ sở kinh doanh gì đấy, đợi ngày biến thành cao ốc mới. Từ rạp Casino Sài Gòn đi bộ vài bước đến giao lộ Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, sẽ gặp một rạp xinê khác. Đó là rạp Vĩnh Lợi, một rạp nhỏ có mặt tiền trải dài, chiếu đủ phim "Âu Mỹ Tàu Ta".

Những năm 1990, rạp cùng khu nhà kế cận bị bóc dỡ để làm cao ốc văn phòng của Hãng Daewoo. Nhưng rồi dự án ấy bị "đóng băng" do khủng hoảng tài chính, cả khu "đất thịt nạc" tạm thời trở thành chợ Sài Gòn Square, chuyên bán quần áo, giày dép cho du khách nước ngoài. Gần chợ Bến Thành, trên đường Lê Thánh Tôn, còn có rạp Lê Lợi chuyên chiếu phim cũ nhưng là phim chọn lọc. Nhiều năm nay, rạp nằm giữa dãy phố sầm uất, đã chuyển hóa thành phòng trà. Phía đường Gia Long (Lý Tự Trọng) có một rạp xinê nhỏ mang tên khá xưa là Long Phụng, nay trở thành rạp hát bội. Rạp này cùng rạp Diên Hồng (nằm sát Trường Thalmann, bây giờ chỉ còn là quán nhậu) từng nổi tiếng "chuyên trị" phim Ấn Độ. Khu vực Chợ Cũ, có hai rạp chuyên về phim Hong Kong, đó là rạp Nam Việt và rạp Kim Châu, cả hai đã thôi là rạp xinê từ lâu...

Khu vực mở đầu đại lộ Trần Hưng Đạo có một "di tích" lớn là rạp Đại Nam. Đầu những năm 1990, rạp Đại Nam "bốc hơi", toàn tòa nhà được nước ngoài đầu tư làm mới, hóa thành tổ hợp khách sạn, nhà hàng, vũ trường khá đình đám. Gần Đại Nam có rạp Nguyễn Văn Hảo, có từ trước 1945, vừa là rạp cải lương vừa là rạp xinê. Rạp này sau 1975 đổi tên là Công Nhân, nay chỉ chuyên trình diễn kịch. Vật đổi sao dời, xem ra lịch sử các rạp xinê cũng là một bi hài kịch lâm ly...

-------------------

Lũ chúng tôi - trang lứa 6X, phần đông là dân các "xóm lao động". Tuy ít nhiều từng chạm đến những rạp xinê lộng lẫy như Rex, Eden, Đại Nam, Quốc Tế, nhưng chúng tôi quen thuộc nhất vẫn là các rạp xinê bình dân.

Kỳ sau: Những "thiên đường" xinê bình dân

Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ 1: Những rạp xinê lộng lẫy khu trung tâm Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ 1: Những rạp xinê lộng lẫy khu trung tâm

TTO - Có một bộ phim Ý nổi tiếng - Cinema Paradiso (Rạp chiếu bóng Thiên đường) - mà tôi xem vào năm 1990 xa lắc lơ. Đó là câu chuyện một chú nhóc mê điện ảnh bắt đầu từ rạp chiếu bóng duy nhất trong thị trấn bé xíu trên đảo Sicily.

PHÚC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Rạp phim Sài Gòn