03/02/2019 19:34 GMT+7

Rạp hát xưa - Những thiên đường của Tết

LÊ VĂN NGHĨA
LÊ VĂN NGHĨA

TTO - Thằng bạn già như lá vàng, quay về Sài Gòn ăn Tết, bắt tôi xách Honda chạy vòng vòng từ Sài Gòn vào Chợ Lớn, qua Xóm Củi, rồi vòng lại Bình Tiên.

Rạp hát xưa - Những thiên đường của Tết - Ảnh 1.

Rạp Casino ở Sài Gòn ngày trước

Trước những địa điểm bây giờ là nhà hàng, nhà văn hóa, khách sạn... nhưng trước kia từng là một , nó đều bắt tôi ngừng lại để ngắm nhìn và xuýt xoa. Tôi cùng chia sẻ mạch ngầm ký ức ấy của hai thằng từng là hai trẻ thơ hằng ngày đứng trước rạp hát mà mơ tưởng.

Rồi chuyện Tết xưa ùa về trong mạch chảy của dòng câu chuyện không đuôi mà lại cũng không đầu. Thể nào cũng có đứa nhắc về mùa xuân tuổi nhỏ mà rạp hát chính là thiên đường mơ mộng của chúng tôi...

Những đứa trẻ xóm nghèo quận 6 tụi tôi hồi ấy, có chút tiền là rủ nhau đi coi hát bóng ban ngày hoặc cải lương vào tối thứ bảy. Trong tuần, hết giờ học hoặc phụ việc nhà cho ba má xong, chúng tôi quanh quẩn bên các rạp hát Tân Bình, Tân Lạc để chờ xem phim Ấn Độ, phim cao bồi Mỹ, vô rạp Hương Bình, Vĩnh Khánh xem phim kiếm hiệp Tàu.

Đấy là những rạp hát với các hàng ghế xập xệ. Rạp Vĩnh Khánh - một rạp nghèo thật là nghèo, chuyên hát bóng tuồng võ hiệp Tàu cũ xì và cho những đoàn cải lương bầu tèo, lên Chợ Lớn hi vọng tìm lại chút vận may trước khi rã gánh - có những hàng ghế bằng gỗ đầy rệp.

Những ngày Tết thì quá xá là lên hương cho những thằng nhỏ có tiền lì xì bỏ túi rổn rẻng. Mặt tiền các rạp hát rực rỡ ánh đèn chớp lóa, những tấm panô vẽ gương mặt những diễn viên, những tuồng tích sẽ diễn suốt ba ngày Tết, rạp chiếu bóng bày ra những bức vẽ cảnh trong phim chiếu Tết choán gần hết mặt tiền rạp.

Trước đó, các tờ nhựt trình đã đăng đầy quảng cáo xôm tụ: “Trong những ngày xuân, rạp chiếu bóng Nam Quang sẽ chiếu một phim màu tuyệt đẹp Hải Khấu Đại Dương”, “Kiếm sĩ Người Dơi - Người lên xứ lạ là những vở cải lương rực rỡ màu sắc sẽ khai trương trong ba ngày Tết tại rạp Quốc Thanh”... Ngang qua các rạp hát, nhìn những panô, băngrôn chưng trước rạp là thấy Tết đã về rộn ràng.

Tụi con nít bắt đầu háo hức chờ đợi ngày có tiền hiên ngang đi xe buýt lên rạp Thủ Đô - một “thánh đường” cải lương trong Chợ Lớn - để xem các đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Thống Nhất. Được vào rạp Thủ Đô là một sự chuyển vùng, nâng cấp, lấy số lấy má khi tụi tôi ngồi nói chuyện, khoe thành tích đi xem cải lương của mình.

Vào rạp Lê Ngọc xem phim cao bồi, rạp Phi Long để xem phim Ấn Độ, mấy ngày Tết tụi tôi chỉ loanh quanh các rạp hát vùng Chợ Lớn là đã hết tiền lì xì.

Thằng bạn già của tôi, hồi đó khoe mới được bà chị có bồ dẫn đi xem ở rạp chiếu bóng Đại Nam “ở tận đường Trần Hưng Đạo xa lắm khỏi Chợ Lớn”, kể ly kỳ những là vào rạp lạnh như đi Đà Lạt (dầu tôi biết nó chưa đi Đà Lạt bao giờ), nào vô rạp là có mùi thơm như đi ngang cửa tiệm bán dầu thơm, nào ghế ngồi êm thật là êm đến nỗi không dám nhúc nhích vì sợ nó lún...

Đứa nào đứa nấy nghe nó nói đều ước mơ một lần được vào rạp Đại Nam cho biết. Rạp chiếu phim, hát cải lương như một thiên đường tuổi nhỏ đầy tưởng tượng.

Tuổi thơ qua mau quá. Những rạp cải lương, rạp chiếu bóng xóm nhỏ đã bị chúng tôi bỏ quên dần dần, khi mà rồi chúng tôi có thể đặt chân vào Rex, Đại Nam, Vĩnh Lợi, Casino... để xem những Chuyện tình, Mùa hè năm 42, Tay súng Bá Vàng, Bố Già...

Thỉnh thoảng ghé Quốc Thanh, Hưng Đạo, Nguyễn Văn Hảo, Olympic để xem những đại ban như Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Kim Chung...

Thời cuối những năm 1960 đầu 1970 đi đâu cũng thấy rạp hát. Ở quận 1 thì có thể xem chiếu bóng và cải lương ở các rạp Rex, Đại Nam, Eden, Casino, Nguyễn Văn Hảo, Quốc Thanh, Hưng Đạo, Thanh Bình, Quốc Tế, Kinh Thành (cầu Ông Lãnh), Long Phụng, Thành Chung (chuyên chiếu phim Ấn Độ)... Sang quận 3 có Đại Đồng, Long Vân, Minh Châu, Olympic... Quận 5 với các rạp Oscar, Hảo Huê, Victory (Lê Ngọc), Thủ Đô, Đại Quang, Lao Động B...

Quận 6 thì Tân Bình, Tân Lạc (Hồng Liên), Hương Bình, Vĩnh Khánh. Quận 11 thì có rạp Quốc Thái... Quẹo lên miệt Đakao, Phú Nhuận thì có Đại Đồng, Cẩm Vân, Cao Đồng Hưng...

Có người quá chén ngồi tổng kết bằng miệng và trí nhớ thì Sài thành - Chợ Lớn - Gia Định hồi đó có khoảng 60 rạp hát chiếu bóng, cải lương, hát bội lớn nhỏ, tha hồ cho các gánh cải lương khoe đào, khoe kép, khoe tuồng mới...

Nhiều rạp chiếu bóng, chiếu phim ngày xưa nay đã thành những trung tâm thương mại, nhà hàng. Lứa tuổi tụi tôi tìm lại kỷ niệm trên cánh đồng tuổi thơ mà hoài không thấy ơi những Đại Nam, Rex, Quốc Thanh, Oscar, Vĩnh Lợi, Casino...

Tuổi nhỏ mộng mơ gắn liền với rạp hát để đi vào thế giới tưởng tượng và ước mơ, nên khi lớn lên, chuyện hiểu chút sự đời của chúng tôi ít nhiều đều dính dáng với rạp xinê, cải lương, nhờ bóng tối rạp xinê mới dám cầm tay em để thưởng thức một chút dịu ngọt đầu đời, thỉnh thoảng cũng có tiếng khóc chia tay trong khi phim đang chiếu.

“Đi ra nước ngoài thì mình đã xa lìa quê hương. Nay về thăm lại quê hương thì khám phá ra mình mất ký ức” - bạn già tôi thốt lên. Không lẽ tôi lại nói với nó: “Đâu chỉ có mình mầy!”.

Rạp hát Sài Gòn - Đâu rồi Minh Châu, Thanh Bình, Đại Nam?

TTO - Nhiều nhà hát, rạp chiếu phim cũ (xây dựng trước năm 1975) tại TP.HCM 'hóa kiếp' làm trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn...

LÊ VĂN NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên