13/11/2018 09:29 GMT+7

Rao bán thực phẩm như... thần dược

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chưa công bố, đăng ký và chưa được cơ quan thẩm quyền xác nhận nội dung vẫn được quảng cáo như “thần dược” tràn lan trên mạng.

Rao bán thực phẩm như... thần dược - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Cục ATTP (Bộ Y tế) trong lần kiểm tra một cơ sở sản xuất thực phẩm gần đây - Ảnh: Cục ATTP cung cấp

Thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế liên tục phát đi các thông tin cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng với nhiều loại thực phẩm đang "giăng bẫy" trên các mạng. Đồng thời "cầu cứu" Bộ Thông tin - truyền thông cùng vào cuộc xử lý các nơi quảng cáo thực phẩm theo kiểu bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.

Quảng cáo dựa hơi người nổi tiếng

Mới đây, Cục ATTP điểm danh hai trang web quảng cáo loại trà giảm, tăng cân nhãn C.A ở Hà Nội vi phạm nội dung quảng cáo thực phẩm.

Hai trang web rao bán các loại trà C.A khá sôi động. Tự quảng bá tung thông tin bảng thành tích lọt vào "top 100 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2017", sản phẩm tăng giảm cân C.A được quảng cáo chiết xuất 100% thành phần thảo mộc thiên nhiên, không hóa chất, không tác dụng phụ... Sản phẩm này quảng cáo: chỉ với một liệu trình, người sử dụng có thể giảm từ 3-5kg trong vòng 15 ngày, hoàn toàn không phải ăn kiêng, không bị béo trở lại, da dẻ hồng hào hết mụn. Đặc biệt, "đồng hành" cùng sản phẩm này là dàn ca sĩ, diễn viên, người mẫu khá nổi tiếng tin dùng, có thể nhắc tới như V.D., L.T.H., T.N., B.B.T. ...

Cùng loại trà này, T.T. (một nghệ sĩ khá nổi tiếng ở TP.HCM) dành hẳn thời gian 40 phút để livestream (phát trực tiếp) giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, còn có thông tin mọi người chia sẻ livestream để nhận quà tặng từ 10-40 hộp trà tăng cân, tương ứng với 1.000 đến 4.000 lượt chia sẻ.

Mẫu mã, tên gọi sản phẩm C.A đều trùng khớp nhưng khi làm việc, công ty này lại phủ nhận trang web, nội dung quảng cáo trên web đều không phải của công ty.

Tương tự, thực phẩm thảo mộc H.M.L đang được quảng cáo khá rầm rộ trên cả trang web và trang Facebook với tác dụng thần kỳ "ly giải mỡ và cản trở việc tích tụ mỡ". Theo như quảng cáo, trước khi đưa vào sử dụng sản phẩm này được Cục ATTP cấp giấy chứng nhận an toàn sức khỏe. Đặc biệt, uy tín sản phẩm càng được "bay cao" khi trong một số sự kiện có sự đồng hành của nhiều ca sĩ nổi tiếng như C.K.P., H.N.H.... Công ty quảng cáo sản phẩm này bị Cục ATTP xử phạt 35 triệu đồng bởi nội dung quảng cáo không được cấp giấy xác nhận.

Vi phạm khá phổ biến

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi một sản phẩm ra đời, các công ty thường tổ chức sự kiện hoặc làm các TVC quảng cáo (quảng cáo bằng hình ảnh giới thiệu về những sản phẩm thương mại, hay một sự kiện nào đó được phát sóng truyền hình), mở các chiến dịch truyền thông với sự góp mặt của người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên, người mẫu... Những "nhân vật công chúng" này vô tình hoặc cố ý "diễn" về công dụng "thần dược" để tạo niềm tin lôi kéo người sử dụng.

Ông Nguyễn Thanh Phong - cục trưởng Cục ATTP - cho biết tình trạng vi phạm trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang mạng khá phổ biến. Theo quy định, việc kinh doanh sản phẩm liên quan đến bảo vệ sức khỏe thì 90% sản phẩm phải tự công bố và 10% phải qua đăng ký, nhưng thực tế có sản phẩm chưa được công bố, chưa đăng ký vẫn được quảng cáo tràn lan gây hiểu nhầm cho người sử dụng. Đặc biệt, việc xử lý người quảng cáo là "không thể" bởi không ai thừa nhận.

"Có những nhân vật nổi tiếng, nhân vật của công chúng, kể cả một số nhân viên y tế nghỉ hưu có ảnh hưởng đối với cộng đồng mượn danh bệnh viện đứng ra quảng cáo cho sản phẩm như thần dược. Trong khi họ không thẩm định, hoặc hiệu quả không đến mức như họ nói" - ông Phong cho biết với những trường hợp này, Cục ATTP buộc phải chuyển Cục Phát thanh - truyền hình xử lý. Trong lúc chờ xử lý, đơn vị chỉ còn cách công khai tên sản phẩm, công ty, một số sai phạm để cảnh báo người dân cẩn trọng.

Gần 100 đơn vị bị phạt

untitled-3

Các sản phẩm bảo vệ sức khỏe và trang web được cho là có dấu hiệu vi phạm quy định quảng cáo vừa được Cục ATTP đăng tải công khai trên trang web của đơn vị để cảnh báo người tiêu dùng -Ảnh: H.L.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục ATTP xử phạt 99 đơn vị vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt gần 6 tỉ đồng. Các vi phạm chủ yếu như quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung, không có giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP, chất lượng không đảm bảo, quảng cáo sai sự thật...

Song song việc xử lý, Cục ATTP buộc các cơ sở thu hồi các lô sản phẩm vi phạm về chất lượng, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, thu hồi giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, giấy xác nhận nội dung quảng cáo và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Mạo danh Cục ATTP dọa doanh nghiệp

Theo Cục ATTP, thời gian qua đơn vị nhận được phản ảnh của một số doanh nghiệp về việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng danh nghĩa của Cục ATTP hoặc các cơ quan quản lý về ATTP gọi điện hoặc trực tiếp đến các doanh nghiệp yêu cầu mua các tài liệu về ATTP. Đặc biệt, có doanh nghiệp còn bị dọa nạt.

Cục ATTP khẳng định không có chủ trương bán các tài liệu về ATTP và đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để điều tra xử lý các đối tượng mạo danh.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên