Rảnh

NGÔ THỊ THU AN 11/12/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Trên đời này có nhiều thứ mình đã thấy hằng ngày, đã nhìn ngắm, vuốt ve hàng giờ, đã biết - thậm chí cho rằng đã biết tường tận, chợt một ngày giật mình nhận ra mình không biết gì cả, hoặc không hề biết một cách rõ ràng về nó như mình vẫn nghĩ.

 
 Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

 Cái ghế xếp khung inox, mặt ghế đan những sợi nhựa xanh đỏ, để ở ban công tầng một. Cái ghế xếp đã cũ lắm rồi. Thụy không nhớ nổi mình mua nó từ lúc nào và đã nằm lên nó lần nào chưa. Lâu quá rồi. Và vì Thụy, như một số người, đầu tắt mặt tối đến mức có lúc còn không nhớ mình là ai trong cái thời đại công nghệ chấm… chấm không; giữa “cuộc chiến sinh tử” để giành tiền, quyền và nhiều thứ khác; xem mạng ảo như cuộc sống thật…này.

Nhưng giờ thì Thụy đang nằm trên cái ghế đó. Thụy đang rảnh.

Ban công bề rộng khoảng một thước, thường ngày bụi bặm, hôm nay Thụy thấy nó sạch trơn, nền gạch màu ngọc thạch xanh mướt. Cái ghế xếp để trên ban công hướng về phía bức tường ngăn cách với nhà hàng xóm. Trên tường có một bức tranh đắp ximăng, sơn nước phong cảnh một vùng quê thanh bình. Bên trái là rặng tre với những thân cây vàng óng, lá xanh lòa xòa, sấp ngửa trong gió. Bầu trời trong trẻo trôi vài cụm mây trắng nhập nhòa trong ráng chiều vàng rợi. Cách rặng tre một lạch nước là doi đất ven sông. Nước sông lững lờ, những dợn sóng ánh bạc. Trên doi đất có một căn nhà lá. Chái bếp nằm cạnh mé sông, bên dưới mé sông um tùm mấy bụi ô rô, cóc kèn. Ngay sau gian nhà chính, một cây bàng gai lá to phủ bóng mát xuống mái nhà. Xa xa, mấy rặng bần xanh chạy mải miết ven sông. Xa nữa, lại thấp thoáng một mái nhà.

Lặng nhìn bức tranh, Thụy như nghe được cả mùi thơm nồng của mái lá, mùi hương ngai ngái của đồng quê, mùi ngan ngát của gió sông và mùi thanh bình của cuộc sống.

Bức tranh ở đó đã hơn 20 năm, tính từ ngày Thụy cất căn nhà này và nhờ một ông họa sĩ không tên tuổi đắp, vẽ cho mảng tường đỡ đơn điệu. Vậy mà đến tận bây giờ, Thụy mới thật sự ngắm nghía, cảm nhận bức tranh một cách kỹ lưỡng, đầy cảm xúc, thấy biết ơn ông họa sĩ đã để lại trên góc tường một bức tranh đơn sơ, tĩnh lặng mà tinh tế và giàu sức sống đến vậy. Ông họa sĩ hồi đó làm bức tranh tường xong, lặng lẽ nhận tiền thù lao, lặng lẽ rời đi giữa lúc chủ nhà còn bộn bề với hàng mớ thủ tục hoàn công, mãi sau này vẫn không đủ thời gian ngắm kỹ bức tranh. Không biết ông họa sĩ giờ đang ở phương trời nào, còn hay mất. Thụy chợt thấy sống mũi cay cay ngượng ngùng.

Giờ thì Thụy ngắm bức tranh, ngắm tỉ mẩn từng đường nét. Thụy đang rảnh.

Ngoài lan can là hai bồn bông giấy. Cũng không nhớ trồng đã bao năm. Có khi từ hồi mới cất nhà, còn háo hức nhà mới nên tậu hai cây bông giấy về. Giờ mỗi gốc đã to bằng cườm tay. Thụy nhìn hai cây bông giấy, lạ lẫm như mới thấy lần đầu. Hai cây bông xum xuê che gần khuất cái bồn. Từng chùm bông màu hồng thắm, điểm nhụy trắng pha chút sắc vàng bung ra che khuất cả cành. Lạ là dù bị bỏ mặc nắng mưa, cây cứ từng đợt trổ bông oằn trĩu cả cành. Sắc bông hồng tươi, ai thấy cũng tấm tắc. Nhưng chủ nhân của nó quanh năm bận rộn đến mệt lử, không có lúc nào thảnh thơi ngó ngàng đến nó. Thỉnh thoảng nghe ai đó khen mấy chùm bông giấy đẹp quá trời thì ngước lên à há. “Thời buổi này, ở không đâu mà ngắm bông với hoa”.

Giờ Thụy nằm trên cái ghế xếp ở ban công lát gạch màu ngọc thạch, đối diện bức tranh thôn quê êm đềm, ngắm hai cây bông giấy hồng tươi say mê và thành tâm. Thụy đang rảnh.

Thụy rảnh sau một cơn đột quỵ giữa đại dịch Covid. Từ một người bận rộn, Thụy bỗng thành rảnh rang kỳ lạ. Sau chút bận rộn trong giai đoạn đầu điều trị, sau khi bác sĩ hội chẩn, khám bệnh, tư vấn, hướng dẫn tập vật lý trị liệu cho nửa người bên trái, Thụy được cho xuất viện, về nhà tiếp tục điều trị ngoại trú. Thụy trở nên rảnh rang vì có muốn làm gì cũng không thể làm được.

Thụy tập vật lý trị liệu, tập ngồi, tập đứng, tập đi. Cái tính cầu toàn, muốn nhanh, muốn sớm… dày vò mỗi sáng, mỗi tối. Rồi một ngày Thụy hiểu ra. Quá trình hồi phục sẽ còn dài. Thụy đang rảnh mà. Vội để làm gì.

Mà cái sự rảnh lúc này thật khác với cái sự rảnh lúc trước. Trong những tháng ngày cuống cuồng bận rộn, cũng có lúc Thụy nhín ra chút thời gian tạm gọi là rảnh để làm vài việc, như xin nghỉ một ngày phép để coi sóc thợ sửa nhà. Mới sáng, vừa ló ra cổng, bác Tám, người hàng xóm ở sát vách nhà, đã ngoắc Thụy qua, mếu máo “Tức quá, con phân xử giùm bác”.

Trưa hôm trước, bác Tám ngó cái hàng rào trước nhà, phát hiện cái hàng rào lem nhem đầy đốm sơn màu kem. Bác ngó qua căn nhà Thụy đang trong giai đoạn sơn tường. “Rồi, thủ phạm đích thị là mấy cha thợ sơn kia chớ còn ai vô đây. Vẫn đang sơn phết ì ì đó. Bắt quả tang cho khỏi chối”.

Bác xôm xôm qua nhà Thụy, mắng mấy ông thợ “Mấy chú làm ăn ẩu tả, không che chắn gì hết, sơn văng qua tùm lum hàng rào nhà tui rồi kìa. Qua mà lau chùi đi chớ”. Ông phụ trách công trình nhìn cái hàng rào, trừng mắt nạt: “Liên quan gì? Già rồi, nói cái gì thì phải đúng. Hồ đồ. Làm mất thời gian tụi tui quá đi”. Bác Tám cãi lạc cả giọng: “Sờ sờ ra đó. Sao không liên quan? Sao hồ đồ?…”.

Bác Tám nhìn Thụy trách móc: “Con đi cả ngày hôm qua, bác kiếm con mấy lần mà không gặp. Giờ con xử sao coi cho được, chứ bác ức lắm, ức cái hàng rào dơ thì ít mà ức vì bị khinh thường thì nhiều. Phải mà, bác nghèo, mẹ góa con côi, nên bị ăn hiếp. Ai muốn nói sao nói, ai muốn làm sao làm”.

Thụy cố gắng lắng nghe bác Tám cho hết ý. Lần đầu tiên, sau cả chục năm sống cạnh nhà bác, Thụy mới thấy mình đứng gần bác đến vậy, mới thấy đôi bàn tay bác run rẩy, nhăn nheo đến vậy, mới biết nỗi cô đơn, nỗi buồn mẹ góa con côi của bác.

Thụy quyết định phải rảnh một chút để giải quyết cho xong chuyện bác Tám. Thụy coi kỹ mấy đốm màu kem chi chít trên hàng rào, nhìn lên bức tường trên ban công tầng một nhà bác, về xem lại màu sơn mấy ông thợ mới sơn tường nhà mình, rồi trở qua nhà bác Tám. Thuỵ dẫn bác qua xem màu tường mới sơn nhà mình, rồi quay về xem những đốm dính trên hàng rào nhà bác. “Bác nhìn lên cái mảng tường ở ban công mới quét vôi tầng trên nhà bác coi. Tầng trên đó bác cho anh Tiên thuê đúng không, ảnh mới quét vôi lại tuần trước đó. Nè, bác coi, mấy đốm dính trên hàng rào là vôi quét tường, cùng màu kem với tấm tường trên đó. Còn tường bên nhà con là sơn nước màu gạch. Vết vôi với vết sơn khác nhau, màu cũng khác nhau”.

Bác Tám ngó tới ngó lui, rờ lui rờ tới mấy tấm tường và cái hàng rào. “Ờ. Nhưng mà phải chi mấy ông thợ giải thích nhỏ nhẹ, cặn kẽ như con thì bác đâu có buồn”. “Dạ, mấy ông thợ nói năng với bác vậy là không phải rồi, con sẽ góp ý. Giờ con tính vầy, để con nói thợ bên con lau chùi sạch sẽ, sơn lại cho bác luôn. Có tốn kém bao nhiêu đâu”. “Thôi con, con nói vậy là bác vui lắm rồi - gương mặt bác Tám giãn ra - Không giấu gì con, cả cái nhà này bác bán luôn cho thằng Tiên rồi, bác thuê lại phòng dưới nhà ở với con gái bác thôi. Mà kệ, nhà nó, nó muốn làm gì nó làm. Ở lâu, thương cái nhà, thương cái hàng rào nên bác nói vậy thôi. Mà bác cũng sắp sửa dọn đi rồi”. “Ủa, vậy bác tính đi đâu?”. Giọng bác Tám buồn thiu: “Con bác làm ăn thất bát, nợ nần quá. Bán nhà rồi mẹ con dẫn nhau qua xóm chợ, mướn phòng rẻ ở chung với người ta, mấy trăm ngàn đồng một tháng, rồi ra chợ kiếm chuyện gì mần kiếm sống qua ngày. Là con bác nói vậy, chớ bác cũng chưa biết sao nữa”.

Bên nhà, tiếng thợ gọi tìm í ới. Thụy buông tay bác Tám, chạy về. Định bụng xong cái nhà sẽ dành ít thời gian qua tìm hiểu thêm hoàn cảnh của bác coi có giúp được gì không. Cái nhà rồi cũng sửa xong. Công việc lại tới tới. Một hôm sực nhớ ra, Thụy chạy qua nhà tìm bác Tám. Anh Tiên đứng trước cửa nói: “Bả đi rồi, đi gần tháng nay rồi, ở chỗ nào chính xác thì tui không có biết”.

Rồi dịch giã tới. Thụy lại bù đầu. Tới hồi dịch căng thẳng, đang lúc giãn cách xã hội nghiêm ngặt, một buổi chiều có hai người mặc đồ bảo hộ phòng chống dịch, khẩu trang kín mít chạy vào hỏi thăm nhà bà Tám. Thụy nghe tiếng anh Tiên trả lời: “Ờ đúng rồi, hộ khẩu bả còn ở đây nhưng bả bán nhà đi lâu rồi. Có chuyện gì?”. “Tụi tôi kiếm nhà phun xịt khử khuẩn, tưởng trước lúc chết bà ở đây. Bà mới mất do Covid ở bệnh viện dã chiến, hai mẹ con luôn, cùng địa chỉ nè, chị gái mất trước bà 2 ngày”. Thụy lặng người. Vậy là bác Tám đã lìa bỏ cõi tạm này, không từ giã được người thân quen, không lễ tang, không phúng viếng. Thụy đã không còn kịp sắp xếp một buổi rảnh rỗi để tâm tình với người hàng xóm như dự tính.

Giờ, sau một thời gian vật vã từ lúc ở bệnh viện về, khi phát hiện ra mình thật sự rảnh, Thụy nhờ người nhà tìm cái ghế xếp để ngoài ban công, giúp Thụy mỗi ngày ra ngồi trên cái ghế đó. Rồi Thụy phát hiện cái ban công cũ lót gạch màu ngọc thạch luôn sạch bóng. Phát hiện bức tranh thơm mùi đồng quê trên tường. Phát hiện ra từng chùm bông giấy hồng tươi tràn đầy sức sống đang lay động trong gió và lay động lòng Thụy. “Bông giấy có mấy cánh? Một cái bông giấy có mấy cánh vậy ta? ”. Thụy thấy se thắt một nỗi sợ bất an về chính mình. Mấy chùm bông giấy này mình vẫn ngắm hàng ngày mà. Bông giấy có mấy cánh? Trời đất ơi! Trên đời này có nhiều thứ mình đã thấy hằng ngày, đã nhìn ngắm, vuốt ve hàng giờ, đã biết - thậm chí cho rằng đã biết tường tận, chợt một ngày giật mình nhận ra mình không biết gì cả, hoặc không hề biết một cách rõ ràng về nó như mình vẫn nghĩ. Thụy bất giác chống tay, kéo lê bên thân yếu, nhổm dậy. Vậy những người mình gọi là yêu thương, mình nói là yêu thương thật sự, mình có biết rõ ràng về họ chưa? Mỗi ngày cùng ăn với nhau, trò chuyện cùng nhau, nắm lấy tay nhau, hôn nhau, thậm chí ngủ cùng nhau, mình có hiểu tường tận về họ không? Những đứa bạn, mình chắc chắn là thân, mình có biết nó đang vui, buồn, đau khổ thế nào không? Không biết rõ ràng làm sao thương tận tâm? Không hiểu tường tận làm sao sống với nhau tới nơi tới chốn?

Từ chỗ Thụy ngồi đến chỗ bồn bông không xa. Nhưng với Thụy giờ đây nếu không có ai giúp thì việc tự đứng dậy, lần được tới đó cũng là một vấn đề nan giải. Nhưng Thụy quyết định bằng mọi cách phải tới được bồn bông để đếm xem một bông giấy có mấy cánh. Nó thỏa khao khát được biết thật sự, biết tường tận mọi thứ chung quanh mình, chứ không phải biết mà như không biết. Không phải không biết mà cứ tự cho là mình đã biết. Và cứ mặc định hành xử theo cái biết mà rốt cuộc chẳng biết gì của một đời người.

Tì người lên chân còn khỏe, với cánh tay còn khỏe nắm lấy tay vịn lan can, loay hoay một lúc Thụy cũng đứng lên được. Lại đứng thêm một lúc cho vững, rồi lần theo tay vịn lan can, Thụy tập tễnh từng bước về phía cây bông giấy.

Thụy đang rảnh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận