Ảnh minh họa. Nguồn: mybroadwayfamilydentistry.com
Bạn cảm thấy răng ê buốt khi uống nước nóng hoặc lạnh? Răng bạn đau nhức khi ăn kem hay sinh tố, hoặc thậm chí chỉ khi súc miệng? Rất có khả năng bạn đang mắc phải các triệu chứng của răng nhạy cảm.
Đây là căn bệnh thường gặp ở rất nhiều người. Răng bị nhạy cảm không chỉ giới hạn trong trường hợp bạn ăn các thức ăn đồ uống nóng hoặc lạnh, mà còn có thể cảm nhận khi bạn thử dùng ngón tay ấn vào điểm nhạy cảm hoặc chải răng mạnh tay.
Nguyên nhân của răng nhạy cảm
Nguyên nhân chủ yếu của răng nhạy cảm là do ngà răng bị lộ ra. Ngà răng là lớp vật chất phía trong của răng, thường được bao bọc và bảo vệ bởi men răng. Khi ngà răng tiếp xúc với thức ăn hoặc đồ uống trực tiếp, chúng gây ra một cơn đau nhức nhẹ và cảm giác đau nhói tới tận chân răng. Các tổn thương thông thường và sự mòn răng có thể làm cho lớp men răng bị mỏng đi, đặc biệt là phần cổ răng, ở đường viền lợi. Khi lớp men răng bị mất đi, lớp vật chất bao quanh chân răng cũng mất. Lúc này ngà răng mang theo các ống thần kinh nhỏ bị lộ ra. Khi phải tiếp xúc với các mức nhiệt độ khác nhau qua thức ăn và nước uống, chúng gây kích thích dây thần kinh gây đau và cảm giác khó chịu.
Nguyên nhân làm mất đi lớp men răng
Có một vài nguyên nhân có thể dẫn đến mòn men răng gây ra răng nhạy cảm. Phương pháp chăm sóc sức khỏe răng miệng, thói quen ăn uống và những yếu tố sức khỏe khác đều có thể tác động lên men răng. Sau đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này:
- Sâu răng: Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành của hầu hết các vấn đề răng miệng và các biến chứng khác. Các lỗ sâu trên răng có thể làm lộ ra các dây thần kinh chân răng. Chúng còn có thể gây tụt lợi và dẫn đến những nguy cơ sâu xa khác. Nứt răng hoặc vỡ răng cũng có thể gây ra các vấn đề tương tự.
- Tụt lợi: Việc tụt lợi, dù với nguyên nhân do sâu răng hay do mòn răng đều để lộ ngà răng ở phần dây thần kinh chân răng, làm cho răng trở nên nhạy cảm.
- Thói quen chăm sóc răng miệng sai quy cách: Việc đánh răng sai cách hoặc không xỉa răng đầy đủ đều có thể là nguyên nhân dẫn đến răng nhạy cảm. Chải răng quá mạnh bằng bàn chải cứng có thể dẫn đến tổn thương lợi và nhạy cảm răng. Các vấn đề về nha chu do đánh răng sai cách khiến cho răng bị tụt lợi, để lộ ngà răng. Sự tích tụ của các mảng bám (cao răng) trong thời gian dài cũng sẽ dẫn đến sâu răng hoặc khiến răng trở nên yếu đi.
- Thói quen ăn uống không tốt: Nếu bạn hay ăn những thức ăn chứa nhiều axit như thức ăn chế biến sẵn, qua thời gian chúng sẽ gây lộ ngà răng và gây ra cảm giác cực kỳ khó chịu.
- Tẩy trắng răng hoặc các phương pháp thẩm mỹ khác cho răng: Mặc dù việc làm đẹp như tẩy trắng răng đem lại thẩm mỹ cho răng, nhưng các sản phẩm được sử dụng trong quá trình này sẽ gây ra cảm giác nhạy cảm cho răng.
- Nghiến răng: Nghiến răng hoặc cắn chặt răng trong khi ngủ cũng là một trong những nguyên nhân khiến răng bị nhạy cảm.
Làm thế nào để phòng tránh răng nhạy cảm?
Sau đây là những cách bạn có thể dùng để phòng tránh sự nhạy cảm của răng hoặc giảm bớt cảm giác khó chịu khi răng nhạy cảm.
- Giữ chế độ chăm sóc răng miệng hợp lý: Đánh răng ít nhất 2 lần một ngày bằng bàn chải mềm và chải răng nhẹ nhàng. Luôn nhớ xỉa răng bằng chỉ tơ nha khoa bởi chỉ tơ có thế làm sạch những góc mà bàn chải không thể chạm tới được. Súc miệng bằng nước súc miệng sau khi đánh răng. Lựa chọn loại nước súc miệng không cồn với hàm lượng fluoride để giảm nguy cơ răng nhạy cảm. Dùng nước súc miệng trước khi đi ngủ để tác dụng của nước súc miệng không bị mất đi quá nhanh.
- Thay đổi thói quen ăn uống: Tránh xa các đồ uống chứa nhiều axit, đặc biệt là nước có ga, nước cà chua, cam, chanh. Tránh ăn các thức ăn quá nóng hoặc lạnh. Ăn nhiều thức ăn cay sẽ khiến cho men răng bị mỏng đi dẫn đến sự nhạy cảm. Thêm vào đó, các thức ăn mặn sẽ càng làm trầm trọng vấn đề hơn, đặc biệt khi men răng đã bị tổn thương. Chúng có thể dễ dàng chạm tới phần chân răng của bạn, dẫn đến những cơn đau nhói. Thay vào đó hãy luyện tập một chế độ ăn cân bằng. Ăn thức ăn chứa nhiều chất xơ khiến tuyến nước bọt hoạt động tốt, giúp tạo nên các khoáng chất chống lại quá trình gây nhạy cảm cho răng. Nguồn chất xơ tốt là các loại hoa quả khô như chà là, nho khô, quả vả, và các loại hoa quả tươi như chuối và táo. Bạn cũng nên ăn các loại rau như các loại đậu, cải bắp, đậu Hà Lan, đậu phộng, quả hạnh nhân. Trong trường hợp bạn không thể đánh răng nhiều lần trong ngày, ăn một trái táo là gợi ý đơn giản nhất cho bạn.
- Tăng cường canxi: Canxi là thành phần không thể thiếu trong việc chống lại các vấn đề về răng. Các thức ăn từ bơ sữa là nguồn canxi lý tưởng, với các lựa chọn như sữa, sữa chua và pho-mát. Nếu bạn lo lắng về cân nặng và lượng cholesterol, có thể lựa chọn sữa không béo hoặc sữa chua ít béo. Một lựa chọn khác nữa là các loại rau có lá như rau bông cải xanh, cá, quả hạnh nhân, hạt Brazil và các loại đậu khô.
- Uống lượng nước hợp lý: Hãy uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Đặc biệt sau khi ăn, bởi nó giúp làm trôi đi các mảng bám trên răng.
Điều trị răng nhạy cảm bằng cách nào?
- Dùng kem đánh răng chứa fluoride: Dùng kem đánh răng có thành phần chống nhạy cảm như fluoride có thể làm dịu đi các triệu chứng của răng nhạy cảm. Chúng khóa các ống thần kinh ngà răng, khiến các dây thần kinh không bị kích thích. Cho một ít kem đánh răng lên ngón tay sau đó mát xa trực tiếp lên vị trí răng bị buốt có thể giúp bạn giảm triệu chứng của răng nhạy cảm.
- Giải quyết tật nghiến răng: Nếu bạn nghiến răng hoặc cắn chặt răng, hãy sử dụng một hàm chống nghiến vào ban đêm. Chỉ có các nha sĩ mới có thể làm hàm chống nghiến này, vì vậy hãy sử dụng loại hàm theo chỉ định của nha sĩ.
- Điều trị tủy: Nha sĩ của bạn có thể khuyên bạn điều trị tủy để chữa trị buồng tủy mềm trong răng, nơi phát sinh các cơn đau và cảm nhận kích thích. Điều trị tủy có thể chấm dứt cảm giác của dây thần kinh và điều trị vấn đề răng nhạy cảm.
- Các phương pháp điều trị khác: Tùy vào từng trường hợp mà nha sĩ sẽ chỉ định cho bạn các phương pháp điều trị khác nhau. Có thể việc sử dụng loại gel chứa fluoride đặc biệt, súc miệng hoặc thoa lên vùng bị tác động để kiểm tra các triệu chứng. Nếu không có tác dụng, nha sĩ có thể hàn hoặc phủ một lớp chất gắn quanh vùng cổ răng để bao bọc lại ngà răng./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận