Vì vậy ngoài vai trò thờ phụng, văn miếu còn là một trung tâm văn hóa giáo dục của vùng đất Cù lao Phố (Biên Hòa) và cả Nam bộ trước khi văn miếu Gia Định ra đời (1824).
Phóng to |
Văn Miếu Môn |
Qua hai đợt trùng tu lớn dưới thời nhà Nguyễn rồi bị quân Pháp phá bỏ khi tiến đánh Biên Hòa năm 1861, văn miếu đã được khôi phục năm 1998 và khánh thành giai đoạn 1 vào Tết Nhâm Ngọ năm 2002 với phạm vi khoảng 2ha, từ năm 2005 đến nay giai đoạn 2 của công trình tiếp tục được thực hiện với nhiều hecta đất giao thêm...
Tọa lạc cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 3km, nằm phía sau con đường vào Trung tâm Văn hóa du lịch Bửu Long, cả khu văn miếu nổi bật giữa một vùng không gian thoáng đãng với những vòm mái cong vút, màu xanh ngọc thanh nhã của ngói lưu ly và tầng tầng lớp lớp các gian nhà đường bệ, uy nghi từ ngoài vào trong.
Khởi đầu là cổng vào khắc chữ Văn Miếu Môn đỏ rực đến nhà bia truyền thống "Trấn Biên Đồng Nai rạng rỡ ngàn năm văn hiến" trên ghi bài bia như một trường ca hào hùng của giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu về quá trình mở cõi, dựng xây văn miếu và công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước, truyền thống văn hóa giáo dục của vùng đất Biên Hòa từ xưa đến nay.
Tiếp đó là Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, Đại Thành Môn, nhà bia thờ Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính ghi chữ Bái Đường. Đến đây khách không chỉ có cảm tưởng như bước vào nơi thờ phụng đẹp đẽ, uy nghiêm mà còn có cảm giác êm ả thanh tịnh khi đứng trước mặt hồ xanh trong như một khoảng trời vuông vức in bóng cây xanh và những vòm mái cong cong, xanh rờn của quần thể kiến trúc nơi này. Bên cạnh đó, để vinh danh vùng đất học, theo gót thánh hiền, ở bia Khổng Tử là hình vị "Vạn thế sư biểu" và tấm bia khắc những dòng chữ quen thuộc từ sách Luận ngữ: Nhân bất học bất tri lý - học nhi thời tập chi...
Phóng toHồ Tịnh Quang và Khuê Văn Các
Trang trọng, rộng lớn nhất là nhà thờ chính được gọi là Bái Đường. Ở đây có tấm bia lớn khắc dòng chữ "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Nhà thờ xây theo kiến trúc cổ, kiểu ba gian hai chái, sơn son thếp vàng, nền lót gạch tàu, trên các cột đều có những liễn đối. Ngay khi bước vào khách đã thấy hai bên cột trái phải là đôi câu đối gắn liền với vùng đất như: "Nguyễn Hữu Cảnh định nghiệp Trấn Biên, lớp lớp anh tài vang lục tỉnh/Võ Trường Toản mở trường Gia Định, đời đời sĩ khí nối tam gia".
Ở gian giữa là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía sau có biểu tượng trống đồng của nước Việt Nam. Người giữ đền thờ đã chỉ cho khách tham quan nơi trưng bày 18kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời vua Hùng và cội nguồn dân tộc Việt. Hai bên nhà thờ chính là nơi thờ các danh nhân văn hóa của cả nước và các danh nhân đất Nam bộ như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định...
Trên tổng thể, văn miếu Trấn Biên là công trình được xây dựng theo kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội để thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài đúng như những đề mục ghi trên tấm bảng treo trên tường khu Bái Đường: Khí thế hiền tài - Đại Việt tinh thần - Văn hiến Trấn Biên - Nam phương cốt cách - Thiên thu nguyên khí.
Đứng trên khu vực uy nghi, đẹp đẽ, hoành tráng của văn miếu Trấn Biên, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tôi chợt nhớ đến đoạn mô tả xưa của sách Đại Nam nhất thống chí về văn miếu đầu tiên của xứ Đàng Trong này: "Phía nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt... Bên trong rường cột chạm trổ tinh xảo. Trong thành trăm hoa tươi tốt, có những cây tòng, cam quýt, bưởi, hoa sứ, mít, xoài, chuối và quả hồng xiêm đầy rẫy, sum suê...".
Ngày nay, với việc khôi phục di tích quan trọng này, tuy có thể chưa qui mô bằng thời cũ nhưng chẳng phải những người con của vùng đất này đang cố gắng xứng đáng với các bậc tiên sư, tiền hiền, hậu hiền đó sao?
Rạng ngời văn miếu Trấn Biên, rạng ngời một vùng đất mở cõi của người xưa! Cứ nghĩ vậy mà thấy lòng bay bổng, lâng lâng...
Áo TrắngXuân Canh Dần2010 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận