Đường về quê ăn Tết của gia đình chị đang đợi vào những mẹt hàng rong dưới ánh đèn đường đêm cuối năm.
Chị Trương Thị Liễu (38 tuổi) vui vẻ nói những ngày cận Tết luôn đi bán về trễ hơn ngày thường dù bán đắt hay ế. "Mấy ngày này người ta ra đường đi chơi nhiều, mình cố bán khuya khuya hy vọng được nhiều hơn", chị chia sẻ.
Được đồng nào hay đồng đó
Rời nhà từ 6h chiều, mỗi ngày chị Liễu từ nhà trọ ở đường Bùi Đình Túy đạp xe đến khắp các con đường ở quận Bình Thạnh để bán hàng. Treo mấy bịch xoài, ổi, nem, đậu phộng, trứng cút, bánh tráng..., nơi chị hay ghé là các quán nhậu bìn h dân hoặc một số quán "chill chill" dành cho giới trẻ trên đường Phạm Văn Đồng.
Ngày thường, người phụ nữ quê Quảng Ngãi này về nhà lúc 12h đêm, 1h sáng. Nhưng các ngày cuối năm, chị cố bán thêm tới hơn 2h - 3h sáng để thêm được đồng nào hay đồng đó.
"Năm nay kinh tế khó khăn, người ta thất nghiệp với về quê sớm nên tôi bán chậm hơn lúc mới hết dịch hồi năm ngoái", chị Liễu nói và cho biết đi bán đêm 7, 8 tiếng đồng hồ, bữa nào bán hết thì được khoảng 300.000 đồng, bán chậm thì 200.000 đồng, hoặc có khi huề vốn.
Cả hai vợ chồng chị Liễu đều đi làm ban đêm. Chồng chị là công nhận vệ sinh môi trường, bắt đầu công việc từ 20h. Cô con gái 15 tuổi của anh chị ở nhà giữ đứa em nhỏ 19 tháng tuổi để cha mẹ yên tâm đi làm.
Đêm giao thừa hôm trước, chị Liễu kể mình cũng buồn vì năm nào vợ chồng chị cũng không thể chở hai con đi chơi, ăn uống như con nhà người khác.
Chị thèm được dẫn con đi xem người ta trang trí hoa mai trong trung tâm thương mại, ngắm pháo hoa, nhưng gánh nặng mưu sinh buộc chị phải lao ra đường và về trễ hơn ngày thường.
May mắn đứa con gái lớn hiểu chuyện, đứa nhỏ thì dễ tính nên chẳng khóc đòi mẹ. Và cả gia đình chị đang trông đợi ngày đủ tiền, lên xe về quê ăn Tết.
Hiếm khi bên gia đình những đêm cuối năm
1h sáng, một quầy bán nước giải khát bên hông công trình xây dựng chung cư tại quận 1 vẫn sáng đèn. Nói là quầy, song đúng hơn là chiếc lán được dựng tạm lên, quây bạt một góc để che nắng mưa và để... ngủ.
Đưa mắt nhìn xe cộ qua lại, bên cạnh là bà ngoại đang ngủ trên ghế bố, Thảo Vy (18 tuổi) cho biết xe nước giải khát của mình bán xuyên đêm, ban đêm chủ yếu phục vụ khách là người từ công trường ra mua nước.
Vy hay thức cả đêm để bán hàng, sáng mới về nhà trọ ở quận Bình Thạnh để cậu đến "thay ca". Cô nói nhiều hôm gió lạnh chỉ biết ngồi co ro nép vào sát bên trong, ngóng khách mua hàng nhưng có bữa bán được, bữa không.
"Hôm giao thừa Tết tây người ta đi chơi nhiều nên em bán được lắm, còn ngày thường bán hơi chậm. Em bán ở đây theo công trình, người ta làm ở đâu mình theo tới đó", Vy cho biết.
Ba năm nay chị Nông Thị Kim Đào (quê Đồng Nai) cũng chưa từng ở nhà đêm giao thừa hay ngày Tết dương lịch, thậm chí có năm là Tết Nguyên đán. Là công nhân vệ sinh môi trường, lại toàn làm ca đêm, chị Đào hiểu công việc của mình là làm sạch đường phố nên cũng "quen với cực khổ rồi".
Đêm 1-1-2023, sau khi sự kiện countdown và màn pháo hoa kết thúc là lúc biển người túa ra về, để lại "núi rác" tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Lúc này những người như chị Đào phải làm việc hết công suất để dọn dẹp nhằm trả lại con đường sạch đẹp cho sáng đầu năm mới. Chị Đào kể hôm đó chị và các đồng
nghiệp phải quét dọn phố đi bộ Nguyễn Huệ và ngã tư Lê Duẩn (hai nơi tổ chức sự kiện countdown) đến gần 6h sáng mới xong, thay vì 3h như ngày thường. Nhiều đồng nghiệp của chị làm ở bến Bạch Đằng cũng khổ sở không kém với sự vô ý thức của nhiều người.
Đêm Sài Gòn se se lạnh, dòng xe cũng vãn dần, tiếng chổi của chị Đào vẫn đều đặn vang lên. Chị tâm sự nhiều đêm lạnh ban đầu vừa quét vừa đi tới đi lui nên ra mồ hôi không sao, nhưng sau khi kết thúc công việc, một mình chạy xe về nhà lúc 3h sáng mới cảm nhận cái lạnh buốt da. Cũng vì làm đêm, thường hứng chịu gió lạnh nên chị bị viêm xoang mãi không hết.
Dù chạnh lòng vì năm nào vào những dịp Tết nhất vui vẻ cũng không thể sum họp gia đình mà phải làm cực hơn bình thường, song chị Đào hiểu nhờ những người như mình giúp đường sá năm mới sạch sẽ, người dân đi chơi thoải mái hơn. "Chồng con ở nhà hiểu công việc của tôi nên cứ nói là cố gắng làm cho xong rồi về, về trễ cũng được", chị cười nói.
Cũng tham gia dọn vệ sinh, anh N.V.M. (39 tuổi) trở về nhà khi đồng hồ đã qua ngày mới từ lâu. Làm công nhân vệ sinh đã 15 năm nay, anh chẳng còn lạ lẫm gì với cảnh người đi để lại rác trong đêm giao thừa Tết tây lẫn Tết ta. Năm nào cũng vậy, bước vào mấy ngày Tết là mùa làm việc cao điểm, anh M. bận suốt nên ít có thời gian dành cho gia đình.
Mấy tháng nay, đứa con trai 16 tuổi của anh cũng bắt đầu làm công việc như cha mình. "Tân binh" như con anh cho biết sau cái đêm làm bở hơi tai ở phố đi bộ mới thật sự hiểu và thương công việc của cha mình lâu nay.
Thức đêm trông vườn mai và hy vọng
Nửa đêm về sáng, tiết trời TP càng se sắt lạnh hơn. Trên đường Phạm Văn Đồng, một người đàn ông đang tìm góc để mắc chiếc mùng lên. Ông tên Bình, là chủ một vườn mai tại phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức). Ông Bình cho biết mình chợp mắt để 2h sáng dậy thay ca canh vườn mai.
Vườn mai của ông có gần 40 chậu nhiều kích cỡ được bày ra tại một góc đường để bán và cho thuê. Ban đêm, ông và một người khác thay nhau canh vườn. Mỗi người nằm trên ghế bố đặt xen kẽ các chậu mai có giá trị lớn.
"Tôi mới ra bán qua nay chưa có khách tại vì người ta đợi lặt lá xong lên bông thì mới mua, cái này chủ yếu bán Tết. Đem ra đây bán cho khách mới để người ta biết tới vườn mình rồi năm sau tới mua hay thuê, còn mối lái với khách quen thì vô vườn lựa mua, có người thuê mình chăm sóc cả năm thì giờ tới lấy đem cây đi", ông Bình cho hay nằm ở đây đêm xuống muỗi nhiều và lạnh nhưng phải chịu.
"Cực lắm, thèm hơi ấm gia đình, nhưng một năm chỉ trông đợi mấy ngày này để bán nên cố thôi", ông Bình nói và cho hay nhiều người trồng mai đều hy vọng năm nay sẽ có mùa Tết vui.
Mong hưởng niềm vui xuân
Là tài xế xe ôm chở khách và giao đồ ăn cho một hãng xe công nghệ, những ngày cuối năm anh Minh Đức (ngụ quận 7) chọn "tăng ca" chạy suốt đêm bởi hy vọng gần Tết khách sẽ đi lại nhiều hơn.
Vợ anh Đức là công nhân một công ty may mặc song đã thất nghiệp hai tháng nay do công ty khó khăn, buộc sa thải lao động. Vợ bồng con về quê để đỡ chi phí, một mình anh ở lại tăng cường chạy xe để có tiền lo cho gia đình khi Tết đã cận kề.
Anh kể mỗi ngày làm sau khi trừ hết chi phí thì còn khoảng 400.000 đồng, ngày may mắn được nhiều hơn. Chắt mót từng chút, anh Đức hy vọng vợ con sẽ được hưởng niềm vui xuân đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận