03/10/2014 08:55 GMT+7

​Ráng chịu ngập ba tháng nữa

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ
QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ

TT - Đó là ý kiến của ông Trần Trung Hậu về tình trạng ngập do mưa gần một tuần qua ở Q.6, Q.Bình Tân (TP.HCM).

Một người dân ngã khi qua đường Tân Hóa ngập nước chiều 1-10 - Ảnh: Hữu Khoa
Một người dân ngã khi qua đường Tân Hóa ngập nước chiều 1-10 - Ảnh: Hữu Khoa

Ông Trần Trung Hậu là phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP, 

Ngày 2-10, tại khu vực đường Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân nước kênh đen ngòm. Ngay đoạn đầu đường, bàn ghế của cơ sở bán đồ gỗ nằm ngâm nước nhiều ngày qua.

Người dân ngồi trên những bàn gỗ này ăn uống. Nhà ông Trần Thế Nghĩa, ở 381 Chiến Lược, nước vẫn còn ngập đến đầu gối. “Bếp gas, tủ lạnh hư hết rồi. Bây giờ nấu ăn cũng không được, gia đình phải mua cơm hộp về ăn” - ông Nghĩa buồn rầu.

Tài sản “trôi” theo dòng nước

Tại cơ sở sản xuất cơ khí Lập Vinh cách đó không xa, anh Trung Nghĩa - quản lý cơ sở - hì hục tát nước từ trong nhà ra ngoài kênh. Bên trong nhà nhiều máy móc sản xuất ngâm nước đã hai ngày qua.

Anh Nghĩa cho biết trời mưa gây ngập từ chiều 1-10 kéo dài tới tận trưa 2-10 khiến người dân rất khổ sở. Cơ sở của anh Nghĩa sản xuất các thiết bị ngành in nhưng 1/3 máy móc phải nằm dưới nước vì quá nặng không kê lên cao được.

“Mỗi chiếc máy trị giá cả trăm triệu đồng, khi nước tràn vào làm hư hầu hết môtơ, hộp điện nên không thể hoạt động được. Công nhân cũng được cho nghỉ để chờ nước rút” - anh Nghĩa than.

Anh Nghĩa tính sơ sơ cũng phải mất vài chục triệu đồng để sửa chữa các bộ phận hư hỏng. Đó là chưa kể công nhân phải nghỉ làm, các đơn hàng giao chậm.

Cơ sở anh Nghĩa chuyển về đây được bảy tháng nhưng đã phải hai lần chịu cảnh nước ngập làm hư hỏng máy móc. Anh Nghĩa rầu rĩ: “Tình hình này chắc phải tìm chỗ khác cao ráo để sản xuất”.

Còn bà Thiệt, chủ cơ sở vật liệu xây dựng Hoàng Minh (đường Chiến Lược), cùng người làm hối hả xếp những bao ximăng bị ướt ra ngoài. Bà Thiệt tính riêng trận mưa chiều tối 1-10 đã làm khoảng 40 bao ximăng hư hỏng, thiệt hại khoảng 10 triệu đồng.

Dọc đường Chiến Lược, nhiều nhà dân khóa trái cửa, nước vẫn còn ngập đến đầu gối. Theo nhiều người dân ở đây, do nước ngập nhiều ngày nên một số cơ sở, hộ dân đã lánh tạm nhà người thân. Trong đó, một số người ở nhà trọ đã bỏ lại giường chiếu, quần áo ướt để đi thuê trọ khu vực khác.

Chị Bảy, ngụ ở 363 Chiến Lược, cho biết chiều 1-10 khu vực này nước ngập mênh mông, đoạn sâu nhất hơn 1m. Có người chạy xe máy lao xuống kênh nằm bên đường Chiến Lược được người dân kéo lên.

Kế bên, một người dân kể: “Mình nghĩ nhà mình cao nên nước không tràn vào, ai ngờ buổi tối ngủ dưới sàn nhà, nước tràn vô làm ướt hết người. Lúc đó tui tỉnh giấc lồm cồm thu dọn đồ đạc leo lên gác ngủ”.

Sáng 2-10, máy móc của cơ sở cơ khí Lập Vinh ở đường Chiến Lược (Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn còn ngập trong nước - Ảnh: Đức Phú
Sáng 2-10, máy móc của cơ sở cơ khí Lập Vinh ở đường Chiến Lược (Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn còn ngập trong nước - Ảnh: Đức Phú

Thống kê thiệt hại để báo lên cấp trên

Trong sáng 2-10, nhiều người dân ở đường Chiến Lược vất vả vác bao đựng cát, gạch ngói về nhà để gia cố lại tường chắn nước trước nhà. Đa số nhà dân ở đoạn đường ngập đều xây thêm 2-3 viên gạch để đối phó với những trận mưa sắp tới.

Ông Lê Minh Nhựt, chủ tịch UBND P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, cho biết các trận mưa vừa qua gây ngập nhiều tuyến đường tại phường như Mã Lò, Đất Mới, Chiến Lược...

Một số người dân, cơ sở sản xuất đã lên phường phản ảnh việc ngập kéo dài gây khó khăn cho sản xuất, làm việc.

Theo ông Nhựt, trước kia địa bàn phường có ngập nhẹ nhưng những trận mưa vừa rồi đã làm nhiều khu vực ngập nặng. “Hiện UBND phường đang thống kê thiệt hại, hư hỏng máy móc, đồ đạc của người dân để báo cáo lên cấp trên có hướng giải quyết” - ông Nhựt nói.

Trong khi đó, ông Trần Trung Hậu cho biết rất chia sẻ với những gì mà người dân đang chịu đựng. Lý giải nguyên nhân ngập, ông Hậu cho rằng khu vực Tân Hóa - Lò Gốm vốn là vùng trũng thấp, cao trình nhiều nơi dưới 1,3m.

Cống thoát nước khu vực này chưa đầy đủ và đây cũng là khu vực cuối nguồn của ba lưu vực khác như: Hàng Bàng, Bàu Trâu, khu vực Đầm Sen và khu vực vòng xoay Cây Gõ nên khi mưa nước từ các nơi đổ về.

Trước khi các hạng mục công trình Tân Hóa - Lò Gốm triển khai thi công, khu vực này cũng đã bị ngập nhưng mức độ nhẹ hơn vì ngày xưa còn đất trống, lưu lượng mưa nhỏ hơn.

Chủ đầu tư không có kinh phí để hỗ trợ dân

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng công trình Tân Hóa - Lò Gốm vì áp lực thời gian trong thi công làm nghẽn dòng chảy tại nhiều vị trí là nguyên nhân làm khu vực này ngập nặng thêm.

Ông Hậu cho biết khi thi công trong điều kiện quá chật hẹp, các đơn vị đã cố gắng tạo thêm hệ thống dẫn dòng nhưng chỉ đáp ứng được khả năng thoát nước 75% so với hiện hữu nên tình trạng ngập nhiều hơn trước.

Việc thi công phải chia làm nhiều mũi “giáp công” nên buộc phải làm hẹp dòng chảy tại nhiều vị trí. “Tôi mong người dân thông cảm, chia sẻ và ráng chịu đựng thêm ba tháng nữa. Với tiến độ này đến cuối năm nay các công trình hoàn thành sẽ giảm ngập cho toàn bộ khu vực Tân Hóa - Lò Gốm” - ông Hậu thông tin.

Với câu hỏi người dân cho rằng đã chịu đựng cảnh ngập quá lâu, thiệt hại cũng nhiều nên đơn vị gây ngập phải có trách nhiệm bồi thường hỗ trợ, ông Hậu trả lời: “Chúng tôi cũng rất xót xa nhưng quả tình việc ngập nước hiện tại như đã nói ở trên có nhiều yếu tố.

Nếu trong điều kiện bình thường không mưa, công trình làm tắc cống gây ngập chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. Cái khó nữa là cơ quan chúng tôi là cơ quan nhà nước, công tác thu chi theo quy định và hiện cũng không có khoản kinh phí để hỗ trợ người dân.

Chúng tôi chỉ cam kết làm hết sức mình để hoàn thành công trình trước năm 2014”. Để giảm ngập nước một số khu vực, trước mắt ông Hậu cho biết sẽ nâng đường Tân Hóa, dự kiến xong trong tháng 11, đồng thời phối hợp với UBND Q.6 nâng đường, hẻm khu vực đường 26, khu dân cư Bình Phú.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM):

Chủ đầu tư không thể thoái thác trách nhiệm

Người dân sống ở khu vực Tân Hóa - Lò Gốm hơn ai hết biết được tình hình ngập nước trước đây và sau khi công trình Tân Hóa - Lò Gốm triển khai. Trước đây chỉ ngập một, giờ ngập hai thì không thể đổ lỗi cho nhiều vùng trũng, nhiều yếu tố...

Bởi công trình chống ngập phải giảm hoặc xóa ngập nhưng thực tế làm ngập nặng thêm, chưa kể quá trình thi công thu hẹp dòng chảy dẫn tới hệ quả nước thoát không kịp gây ngập nặng, rộng thêm.

Vì vậy, vấn đề này chủ đầu tư không thể thoái thác trách nhiệm. Nếu người dân chứng minh được thiệt hại và thực hiện quyền khiếu nại hoặc khiếu kiện thì tòa án là nơi phán quyết trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công đối với người dân.

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên