29/11/2016 13:25 GMT+7

Rạn san hô khổng lồ của Úc đang bị "nấu chín"

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Các luồng nước ấm đã giết chết 2/3 dãi san hô dài 700km ở phía Bắc của Rạn san hô Great Barrier trong vòng 9 tháng qua. Đây là rạn san hô lớn nhất và đẹp nhất thế giới hiện nay.

Một thợ lặn bơi tại khu vực có tên "Vườn san hô" gần đảo Lady Elliot tại Rạn san hô Great Barrier ở Úc vào tháng 6 - 2015 - Ảnh: Reuters

Theo một nghiên cứu vừa được công bố ngày 29-11, đây là cái chết hàng loạt tồi tệ nhất từng được ghi nhận tại rạn san hô ở Úc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới này.

“San hô đã bị nấu chín”, hãng thông tấn Reuters trích lời giáo sư Andrew Baird từ Đại học James Cook University, một thành viên của nhóm nghiên cứu.

Giáo sư Andrew Baird còn khẳng định gần như chắc chắn vụ san hô chết hàng loạt này là lớn nhất trên thế giới, vì với diện tích 348.000 km2, Barrier Reef là rạn san hô lớn nhất trên thế giới hiện nay.

Theo các nhà khoa học, khi nước quá nóng, san hô phải trục xuất tảo sống trên cơ thể mình, khiến san hô bị vôi hóa, chuyển sang màu trắng và chết đi.

Những cá thể san hô nào chỉ bị tẩy trắng một phần có thể phục hồi được nếu nhiệt độ giảm xuống, và điều này được nhận thấy ở phía Nam của rạn san hô, nơi có tỷ lệ san hô chết thấp hơn nhiều.

Dù hiện tượng tẩy trắng vẫn thường xảy ra một cách tự nhiên, nhưng các nhà khoa học lo lắng rằng nhiệt độ nước biển tăng lên do sự nóng lên toàn cầu khiến cho tình hình tồi tệ hơn, khiến hệ sinh thái dưới nước không thể phục hồi.

Vụ việc làm dấy lên tranh cãi của các nhà hoạt động về khí hậu vì Úc là một trong những nước phát thải carbon lớn nhất tính theo bình quân đầu người do phải đốt than để sản xuất điện.

Trong khi đó, chính lượng khí CO2 ngày càng tăng trong khí quyển đã giữ nhiệt tỏa ra từ trái đất, tạo ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

“Biến đổi khí hậu đang giết Rạn san hô Great Barrier”, bà Charlie Wood, giám đốc tổ chức 350.org chống nhiên liệu hóa thạch, bày tỏ quan điểm của mình.

"Việc khai thác và đốt than, dầu khí đang gây ra những tổn hại về mặt khí hậu không thể sửa chữa được”, bà lên án gay gắt. “Nếu chúng ta muốn con cháu mình còn có thể thưởng lãm được Rạn san hô Great Barrier, chúng ta phải hành động ngay”.

Một thợ lặn bơi tại khu vực có tên "Vườn san hô" gần đảo Lady Elliot tại Rạn san hô Great Barrier ở Úc vào tháng 6 - 2015 - Ảnh: Reuters

Cái chết hàng loạt này được xem là một đòn giáng mạnh vào du lịch địa phương. Theo một báo cáo kinh tế năm 2013, rạn san hô này đem về cho nước Úc khoảng 3,9 tỉ USD mỗi năm.

San hô bắt đầu chết chỉ mấy tháng sau khi Ủy ban di sản quốc tế của UNESCO bỏ tên rạn san hô Great Barrier ra khỏi danh sách “gặp nguy hiểm” vào tháng 5 năm ngoái.

Bên cạnh đó, UNESCO cũng đề nghị chính phủ Úc cập nhật tình hình công tác bảo vệ an toàn cho rạn san hô này.

Người phát ngôn cho Bộ trưởng Môi trường Úc Josh Frydenberg cho biết Úc sẽ công bố bản cập nhật tình hình vào thứ Sáu tuần này (2-12).

Tháng 6 năm nay, trong chiến dịch tranh cử của mình, Thủ tướng Malcolm Turnbull cũng hứa sẽ chi gần 750 triệu USD để bảo vệ rạn san hô này.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên