Lại có bạn gái chưa có bầu nhưng da bụng cũng bị đánh dấu bằng những vạch trắng, rồi các bé gái mới dậy thì cũng “kêu cứu” khi thấy những vết rạn. Khổ nỗi, thời gian qua đi, “tướng tá” đã trở lại như xưa, nhưng các vết rạn vẫn không chịu biến mất.
Ai dễ bị rạn da?
Da của chúng ta có 3 lớp: thượng bì, hạ bì và trung bì. Tổn thương xảy ra ở lớp trung bì, nơi có những sợi collagen và elastin. Khi da bị kéo căng khiến các sợi collagen và elastin bị đứt gãy tạo ra hình ảnh rạn nứt bên dưới làm thượng bì lõm xuống. Ta đứt tay, tổn thương ở thượng bì da sẽ lành, nhưng tổn thương ở trung bì thì những vết đứt này không được tái tạo và trở thành vĩnh viễn khiến các cô gái ngại ngần khi mặc bikini khoe bụng trên bãi biển.
-Dễ bị rạn da nhất là các chị có bầu, bởi tử cung lớn dần đã đẩy da bụng căng, khiến các sợi làm nhiệm vụ chun giãn bị đứt gãy.
-Đối tượng thứ hai dễ bị rạn da là bệnh nhân béo phì. Béo phì toàn thân hay chỉ đơn giản là béo bụng thì được xếp vào “Hội chứng chuyển hóa”.
Lúc này mỡ vùng bụng bài tiết ra nhiều yếu tố làm hỗn loạn tổng hợp collagen và eslastin, nên những sợi chun giãn này dễ bị đứt gây rạn da.
-Những bé gái có cha, mẹ hoặc ông bà bị tiểu đường, khi dậy thì hormone giới tính xuất hiện nhưng dễ mất cân bằng, có thể gây rối loạn tổng hợp collagen và elastin làm rạn da xuất hiện.
-Đối tượng thứ ba là những người phải sử dụng corticoid dài ngày, thì phần thượng bì mỏng, các sợi collagen đàn hồi kém cũng dễ đứt gãy.
-Một đối tượng khác là nam giới béo phì lại đốt mỗi ngày từ 10 điếu thuốc trở lên, thì các chất độc trong thuốc lá sẽ làm lão hóa các sợi collagen nhanh và gây rạn da.
Vị trí rạn da và màu sắc
Các bạn trẻ béo phì thường có vết rạn da ở đùi và ở vùng thắt lưng (đối với nam) và ở bụng, đùi, mông và ngực (đối với nữ). Ngoài ra, rạn da cũng xảy ra ở một số vùng khác như mặt ngoài cánh tay, có bạn còn xuất hiện cả ở vùng đùi sát đầu gối.
Lúc đầu vết rạn có màu hồng tím, chúng thường tạo ra những đường song song dài 2-6cm, bề ngang khoảng 1cm, có khi nhỏ hơn. Theo thời gian vết rạn sẽ nhạt màu dần và cuối cùng là trắng bóng như xà cừ. Về mặt mô học nếu cắt da vùng rạn soi dưới kính hiển vi chúng ta sẽ nhìn thấy các sợi collagen bị giãn tối đa, còn các sợi elastin bị phá vỡ, co rút lại, những đoạn bị phá vỡ tạo ra những vằn sọc.
Những vết sẹo không chữa được
Rạn da chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chứ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên nó gây bấn loạn tâm lý đặc biệt với những cô gái trẻ.
Bà con mình có kinh nghiệm dùng dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu mè) bôi trên vết rạn. Dầu thường chứa vitamin A hòa tan, nên thấm sâu vào và “dưỡng”, tất nhiên là phải kiên nhẫn, nhưng cũng chỉ làm mờ chứ không trị tận gốc được. Tuy nhiên, nếu xức dầu ngay khi vết rạn mới xuất hiện, thì có thể ngăn không cho chúng xuất hiện thêm.
Bà con phía Nam dùng dầu dừa cũng tốt như các loại dầu kể trên. Nếu bạn đến các thẩm mỹ viện, họ vừa cho bạn dùng thuốc, kem bôi da, vừa sử dụng laser Affirm sóng kép, tốn kém nhưng cũng không xóa sổ vết rạn hoàn toàn.
Nghe những chữ “siêu mài mòn” nhiều chị tưởng bở, nhưng vụ này không thể giống… mài dao bởi tổn thương nằm ở phần trung bì, chữ “siêu” không đồng nghĩa với chữ “sâu”, càng không phải là một cuộc tái tạo.
Nên ăn cá vì mỡ cá chứa nhiều Omega-3, axit béo, axit amin của cá rất tốt cho mọi lứa tuổi. Hải sản là thực phẩm vô cùng hữu ích trong việc giúp cải tạo làn da, khiến da bạn mịn màng và giàu sức sống hơn. Kẽm (có nhiều trong hàu và các loại cá), đóng vai trò chính trong việc tái tạo làn da và tổng hợp collagen. Nếu thiếu kẽm, làn da bạn sẽ bị lão hóa sớm. Thêm nữa, nên ăn nhiều rau và trái cây để cung cấp đủ các vitamin cần thiết cho da.
Các bạn đừng quá trăn trở với rạn da, có thể tìm cách phòng và làm cho vết rạn mờ đi theo năm tháng, một trong những cách phòng hữu hiệu là đừng để bị béo phì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận