Những con đường chuyên kinh doanh tại TP.HCM tiếp tục rơi vào cảnh ế ẩm khi nhiều chủ cửa hàng cứ lần lượt bỏ đi, để lại mặt bằng với chằng chịt những tờ quảng cáo cho thuê mặt bằng xanh đỏ dán khắp mặt tiền.
Trả mặt bằng, co cụm kinh doanh
Con đường thời trang Lê Văn Sỹ (quận 3 và quận Phú Nhuận) có hàng trăm thương hiệu thời trang lớn nhỏ có mặt, xen lẫn giữa những cửa hàng mở cửa là loạt các cửa hàng cửa đóng then cài, chuyển địa điểm hoặc đóng cửa, ngưng kinh doanh.
Có những cửa hàng treo biển "xả hàng, trả mặt bằng" để vớt vát trước khi đóng cửa. Thậm chí, có những đoạn đường đến 3-4 cửa hàng liên tiếp đều đồng loạt trả mặt bằng hay có những góc đường cả dãy mặt bằng lớn đều rời bỏ thị trường.
Khảo sát của Tuổi Trẻ Online cho thấy hiện có hơn 20 mặt bằng đang treo biển cho thuê mặt bằng trên con đường này.
Ông Nguyễn Văn Thuận (chủ một cửa hàng thời trang tại đường Lê Văn Sỹ) cho biết mở cửa hàng thời trang vào năm 2019, gắng cầm cự qua giai đoạn dịch nhưng đến năm 2023 và đầu năm nay sức mua giảm sâu khiến doanh thu không bù đủ chi phí mặt bằng và nhân viên.
Do đó, ông Thuận buộc phải tạm ngưng kinh doanh, trả lại mặt bằng để chờ giai đoạn kinh tế tốt hơn sẽ mở lại cửa hàng mới.
Tương tự, tại đường Nguyễn Trãi và đường Hai Bà Trưng ở trung tâm TP, rất nhiều cửa hàng đã treo biển cho thuê mặt bằng dù trước đó là những tiệm kinh doanh thời trang, mỹ phẩm hay những cửa hàng ăn uống.
Trong khi đó, hơn 10 mặt bằng tại "con đường vàng" Lê Lợi (quận 1) đến nay vẫn còn bỏ trống và trở thành nơi để giới xe ôm công nghệ nghỉ ngơi đón khách hay là không gian để người dân vẽ bậy.
Nhiều ngành suy giảm kinh doanh
Ông Nguyễn Phước Hưng - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - cho biết do gặp nhiều khó khăn, một số thương hiệu bán lẻ lớn như Thế giới di động, FPT... đã buộc phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu và các hàng quán buôn bán ế ẩm đã dẫn đến tình trạng trả mặt bằng phổ biến trên nhiều tuyến đường, khu thương mại sầm uất trước đây.
Theo HUBA, sự gia tăng đáng kể hàng hóa tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc đã tạo áp lực đáng kể cho doanh nghiệp Việt.
Không những thế, trào lưu quảng cáo bán hàng trực tuyến (livestream) không kiểm soát hiện nay được cho là đang đe dọa và bóp nghẹt không gian sinh tồn của các nhà sản xuất nhỏ lẻ, làm phá vỡ tiêu chuẩn giá cả truyền thống, khó đảm bảo chất lượng và phổ biến tình trạng không nộp thuế...
HUBA cho rằng lĩnh vực thương mại, bán lẻ ghi nhận sức mua suy giảm đáng kể, có một số ngành hàng giảm tới 50-60% và dự báo tiếp tục giảm 10% trong các tháng tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận