11/09/2018 11:08 GMT+7

Rác thế giới đổ về Việt Nam: Có gì bên trong container phế liệu?

VÂN TRƯỜNG - ĐẶNG ĐẠI
VÂN TRƯỜNG - ĐẶNG ĐẠI

TTO - Theo Tổng cục Hải quan, đến tháng 8-2018 tại các cảng biển ở TP.HCM và TP Hải Phòng có gần 6.000 container phế liệu tồn đọng không có người nhận.

Rác thế giới đổ về Việt Nam: Có gì bên trong container phế liệu? - Ảnh 1.

Bên trong container phế liệu nhựa tại cảng Hải Phòng, khi mở ra toàn là rác - Ảnh: V.TR.

Cái này dân trong nghề gọi là bô chứ gì. Ở VN thì gọi là ve chai. Các túi nilông này được lấy từ các thùng rác công cộng ở nước ngoài rồi ép thành kiện để bán, chưa hề được làm sạch. Loại này bị cấm nhập vào VN

T. (một đầu nậu nhập phế liệu)

Theo quy định tại thông tư 43 ngày 29-12-2010 của Bộ Tài nguyên - môi trường, phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phải được làm sạch.

Chỉ có chai PET đựng nước tinh khiết đã qua sử dụng và phế liệu dạng khối, cục, thanh, dây băng, nẹp thì không cần băm, cắt. Còn tất cả các loại phế liệu nhựa khác phải được băm nhỏ.

Điều tra của phóng viên cho thấy rất nhiều container tồn đọng ở các cảng chứa phế liệu và linh kiện điện tử không đủ điều kiện nhập hoặc bị cấm nhập khẩu.

Rác và linh kiện điện tử

Ngày 23-7-2018, chúng tôi đến cảng IDC Nam Hải (TP Hải Phòng) lúc hải quan kiểm tra hai container phế liệu không người nhận. Khi cánh cửa container số hiệu TCNU 57092245 và GLDU 732379 vừa hé mở, mùi hôi thối từ bên trong xộc ra khiến mọi người dạt ra xa.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những kiện túi nilông dơ bẩn được nhét đầy hai container này.

Có cả trăm loại túi nilông xanh, đỏ, tím, vàng dùng để đựng tã trẻ em, bánh kẹo, thực phẩm... dính đầy bùn đất. Một số chai nhựa đựng nước ép trái cây, nước tinh khiết ghi sản xuất tại Ireland.

Xe nâng chui vào lấy được một số kiện đưa ra ngoài thì sàn đáy container bị sụp, do nước rỉ rác tồn đọng lâu ngày gây mục.

Đến ngày 3-8, Cục Hải quan TP Hải Phòng mở thêm 5 container khác tại cảng Đình Vũ. Bên trong cũng toàn túi nilông hôi thối, trong khi vận đơn ghi là plastic scrap (nhựa phế liệu).

Một đầu nậu phế liệu tên T. nói: "Cái này dân trong nghề gọi là rác bô chứ phế liệu gì. Ở VN thì gọi là ve chai. Các túi nilông này được lấy từ các thùng rác công cộng ở nước ngoài rồi ép thành kiện để bán, chưa hề được làm sạch. Loại này bị cấm nhập vào VN".

Đối chiếu với quy định tại thông tư 43 của Bộ Tài nguyên - môi trường, rõ ràng các kiện túi nilông không được làm sạch, không băm nhỏ và rác trong container này thuộc nhóm hàng bị cấm nhập khẩu vào VN.

Ngày 19-6, hay tin hải quan tại cảng Hiệp Phước sắp mở container làm thủ tục thông quan phế liệu nhựa LDPE cho Công ty D. (tỉnh Long An), chúng tôi vào vai một chủ hàng để tìm hiểu.

Một nguồn tin cho hay lô hàng này trước đó về cảng Cát Lái. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì doanh nghiệp lại làm thủ tục chuyển qua cảng Hiệp Phước. Cảng này không có máy soi container như ở Cát Lái.

Công ty D. mở tờ khai hải quan ngày 15-6 ghi lô hàng này là nhựa phế liệu LDPE loại 2 đã làm sạch tạp chất, có trọng lượng 123,5 tấn. Nguồn gốc hàng hóa là của Công ty Tinbo Development Asia Limited ở Hong Kong.

Hình ảnh chúng tôi ghi được cho thấy bên trong các container này là những bao cỡ lớn chứa nhựa cứng đủ màu sắc và có lẫn một ít linh kiện điện tử cũ nát.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ (chuyên gia thẩm định, cấp phép nhập khẩu phế liệu) xem hình ảnh này và quả quyết: "Loại phế liệu này không đủ điều kiện nhập khẩu. Gọi chính xác là rác thải điện tử chứ không phải phế liệu nhựa".

Việc nhập linh kiện điện tử ngụy trang trong container phế liệu nhựa cũng đã diễn ra. Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan cho biết đã hai lần phát hiện linh kiện điện tử trong container phế liệu nhựa do Công ty CEM tại tỉnh Bình Phước nhập khẩu ngày 3-1-2017 và ngày 13-3-2018.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty CEM giải thích đây là lỗi của đối tác nước ngoài. Công ty đặt mua phế liệu nhựa. Đối tác nước ngoài chuẩn bị hàng và đóng container như thế nào ở VN không thể biết được.

Khi bị phát hiện, doanh nghiệp phải chịu phạt và tốn tiền tiêu hủy chứ tái xuất trả lại không được vì linh kiện điện tử cũ là hàng cấm nhập khẩu.

Rác thế giới đổ về Việt Nam: Có gì bên trong container phế liệu? - Ảnh 3.

Cục Hải quan Hải Phòng mở 2 container tại cảng IDC Nam Hải thì thấy toàn rác bên trong - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Nhập phế liệu khắp thế giới

Ngày 29-5-2018, Công ty TNHH MTV Thủy Tú (Bình Dương) làm thủ tục thông quan 5 lô hàng phế liệu nhựa tại các cảng TP.HCM. Trong số này chúng tôi đặc biệt chú ý đến tờ khai ghi nguồn gốc hàng hóa là "HT".

Đã có hàng chục ngàn lô hàng phế liệu cập cảng VN hai năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy ở mục khai nguồn gốc hàng hóa ghi ký hiệu lạ như vậy. Lô hàng này có 18,4 tấn nhựa LDPE.

HT là tên viết tắt của nước Cộng hòa Haiti ở đảo Hispaniola thuộc vùng biển Caribê, cách VN 16.332km, bên kia bờ Thái Bình Dương.

Mỹ và Canada được biết là những vùng đất quá xa xôi về mặt địa lý. Nhưng sản lượng phế liệu từ hai nước này tràn vào VN thời gian qua phải nói là cực lớn. Trong đó Mỹ luôn chiếm giữ vị trí "á quân" trong danh sách xuất khẩu nhựa phế liệu cho VN ba năm liền.

Đơn cử như Công ty Wimplus Inc (Mỹ) bán cho Công ty TNHH Mai Thanh và Công ty CP nhựa Lam Trân. Công ty Di Trade LLC (Mỹ) bán cho Công ty CP đúc và chế tạo khuôn mẫu CEM, Công ty CP QMT-JP Plastic và Công ty Trọng Khang. Công ty Super Link Plastic (Mỹ) bán cho Công ty Thủy Tú...

Không chỉ mua hàng ở những quốc gia xa xôi, các doanh nghiệp tại VN còn tranh thủ "vơ vét" nguồn phế liệu từ các nước và vùng lãnh thổ láng giềng.

Theo hồ sơ chúng tôi nắm được, phế liệu từ Thái Lan, Đài Loan, Hong Kong, Philippines, Lào, Singapore... đều đã có mặt tại VN với khối lượng rất lớn.

Tổng cục Hải quan cho biết năm 2016 VN nhập tới 245.000 tấn phế liệu thì Thái Lan chiếm vị trí số 1 với 26,7%; còn Đài Loan chiếm 11%.

Năm 2017 và 2018, phế liệu từ Thái Lan cũng tràn sang VN ồ ạt và giữ vững vị trí tốp 3. Philippines xuất hiện ở vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng trong 6 tháng đầu năm 2018.

Rác thế giới đổ về Việt Nam: Có gì bên trong container phế liệu? - Ảnh 4.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Người môi giới phần lớn là Việt kiều

Quá trình điều tra đường đi của phế liệu vào VN, chúng tôi phát hiện một thông tin khá đặc biệt, đó là có nhiều người gốc Việt làm "cò" đưa phế liệu về VN.

Tại Mỹ thì có ông Tony Q.L. (một người gốc Việt) làm việc cho Công ty Di Trade LLC. Công ty này là đối tác cung cấp phế liệu cho Công ty Trọng Khang, Công ty CEM và Công ty QMT-JP Plastic...

Theo giới thiệu, công ty này có khả năng cung ứng số lượng lớn phế liệu nhựa LDPE dùng trong nông nghiệp, màu đen, lấy trực tiếp từ các trang trại Mỹ. Tuy nhiên loại này không được làm sạch.

Nhựa LDPE dùng trong nông nghiệp, màu trắng, xuất xứ từ Maine (tiểu bang nằm ở phía bắc Hoa Kỳ); nhựa LDPE trắng dùng trong nông nghiệp có xuất xứ từ Florida, độ ẩm và bẩn khoảng 40%; ống nhựa HDPE màu đen lấy từ trang trại ở Mỹ cũng chưa được làm sạch, khả năng tái sinh đạt khoảng 60%. Công ty này còn rao bán đĩa DVD cũ và máy tính cá nhân đã băm, nghiền.

Một phụ nữ tên Hằng đang định cư tại Nhật Bản cho biết có nguồn phế liệu nhựa dây điện, cáp điện đã từng xuất sang Trung Quốc, nay muốn bán cho VN.

"Loại hàng này còn dây dẫn điện bằng đồng bên trong nên về có thể bóc tách để lấy đồng" - bà Hằng nói.

Đối chiếu quy định hiện hành, những mặt hàng do ông Tony Q.L. và bà Hằng rao bán là những mặt hàng không được phép nhập vào VN vì chưa được làm sạch hoặc bị cấm (thiết bị, linh kiện điện tử đã qua sử dụng).

Hàn Quốc là nước luôn đứng trong tốp 3 xuất khẩu phế liệu vào VN từ năm 2016 đến nay. Một trong những người có ảnh hưởng lớn trong việc đưa phế liệu khắp thế giới về VN thông qua các công ty tại Hàn Quốc là bà Ming (khoảng 45 tuổi, một người Hàn gốc Việt sống tại Seoul).

Công ty Kukje Trading được xem là "trùm" xuất khẩu phế liệu nhựa từ Hàn Quốc vào VN thời gian qua chủ yếu thông qua bà Ming.

Rác thế giới đổ về Việt Nam: Có gì bên trong container phế liệu? - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Dũng (phải), nhân viên soi chiếu ở cảng Cát Lái (TP.HCM), phát hiện một container nhập khẩu bên trong chứa toàn đĩa DVD cũ, là loại rác thải cấm nhập - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Siết chặt kiểm soát, đầu nậu loay hoay

Ngày 14-8, chúng tôi gặp ông Lành (đầu nậu phế liệu nhựa). Ông thừa nhận đang điêu đứng vì gần 80 container phế liệu nhựa "dính" ở các cảng tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu không lấy ra được.

Hỏi lý do, ông Lành nói hàng trong các container của ông nhập về là túi nilông dùng trong siêu thị, sân bay chưa băm nhỏ. Trước đây ông cũng nhập loại hàng này nhưng được thông quan, bây giờ siết chặt kiểm soát nên ông không dám làm thủ tục lấy hàng ra.

Ngụy trang để nhập rác độc hại

Trong một lần vào khu soi chiếu của hải quan ở cảng Cát Lái, chúng tôi thấy hình ảnh hai container lờ mờ trên màn hình máy tính.

Ông Nguyễn Văn Dũng - phụ trách soi chiếu - giải thích: "Container này chứa toàn đĩa CD. Loại hàng này bị cấm nhập khẩu vào VN. Còn container kia thì phía ngoài cửa họ chất các kiện bao jumbo được phép nhập. Nhưng hơn 2/3 bên trong toàn là máy chơi game đã qua sử dụng. Đây là phế liệu điện tử bị cấm nhập khẩu".

Đó là hai trong số hàng ngàn container rác thải độc hại được nhập về VN và hiện nay đang nằm ở các cảng biển.

Theo quy định, các lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu phải buộc tái xuất. Nhưng rất nhiều lô hàng được nhập bởi công ty ma, giấy tờ giả nên vô thừa nhận. Việc tiêu hủy các lô hàng này là chắc chắn. Vấn đề là kinh phí để tiêu hủy hàng ngàn container rác thải này rất lớn.

Và câu hỏi đặt ra: ai chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng ngập ngụa rác thải này?

Những loại phế liệu nhựa (plastic) bị cấm nhập khẩu

Vật liệu, sản phẩm bằng nhựa đã qua sử dụng mà không được băm, cắt và rửa sạch (trừ phế liệu nhựa đã qua sử dụng ở một trong các dạng: khối, cục, thanh, dây, băng, nẹp thì được phép nhập với điều kiện nhưng không được lẫn tạp chất).

Tạp chất bao gồm: hóa chất, vật liệu chứa hoặc nhiễm chất phóng xạ, chất dễ cháy, chất dễ nổ, chất thải y tế và hợp chất hữu cơ có nguồn gốc từ động vật, thực vật.

Cao su, giẻ, kim loại và vật liệu khác không phải là nhựa, trừ khi các vật liệu này còn bám dính vào phế liệu nhựa hoặc bị rời ra trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ; các tạp chất nguy hại.

Vỏ nhựa của các thiết bị, đồ dùng điện tử đã qua sử dụng như: tivi, máy tính, thiết bị văn phòng... có thành phần chất chống cháy (hợp chất, hợp chất PBB, các hợp chất gốc phthalate).

Nhựa đã bị cháy dở.

(trích thông tư 43 ngày 29-12-2010 của Bộ TN-MT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu)


_________

(còn tiếp)

VÂN TRƯỜNG - ĐẶNG ĐẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên