Chuyện du khách nước ngoài khi bơi ở khu nghỉ dưỡng 5 sao Zannier Hotels Bãi San Hô - Sông Cầu bị rác thải nhựa ập vào mặt, được kể lại trong cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo Phú Yên (hôm 27-12), lại gây bức xúc cho nhiều người về rác thải ra biển.
Vẫn biết rác thải nhựa từ lâu đã bao vây nhiều vùng biển đẹp. Tháng 6 năm nay, Hãng tin AFP (Pháp) phản ánh vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đẹp nhưng đầy rác làm du khách ngán ngẩm.
Nhiều người đến Phú Quốc (Kiên Giang) ta thán đảo ngọc thành đảo rác, khiến chính quyền phải lắp camera chống xả rác, làm sân nổi trên biển để thu gom rác.
Các khu du lịch nhiễm rác lâu nay thường gần khu dân cư, vùng bè nuôi hải sản... nhưng lần này thì rác thải nhựa đã tấn công đến cả những bãi tắm khá cách biệt như Zannier Hotels Bãi San Hô.
Du khách ngoại quốc, nhất là du khách từ châu Âu (nơi đã cấm sử dụng túi ni lông nhiều năm), rất dị ứng với rác thải nhựa, đương nhiên là sẽ nói không với việc quay lại, nếu bị rác ập vào mặt đến suýt ngộp thở như vậy.
Và những cú ngộp thở ấy, nếu không được ngăn chặn, sẽ tạo nên cái chết dần ở những vùng du lịch biển cao cấp của nước ta.
Và đó mới chỉ là cái chết dần của du lịch biển, rác thải nhựa còn tạo ra nhiều cái chết hơn thế nữa.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (bút danh Lekima Hùng), tác giả cuốn Du ký xanh - hành trình cứu biển, kể từ một lần anh tham dự chương trình "Hoa hướng dương" do báo Tuổi Trẻ tổ chức, ám ảnh về căn bệnh ung thư, anh bắt gặp nhiều bài báo chỉ ra mối liên hệ giữa các vật dụng đựng thức ăn từ nhựa và căn bệnh này.
Cùng với nỗi ám ảnh về rác thải nhựa, anh lần theo chuỗi: "Biển - cảnh đẹp - rác thải - ung thư" để thực hiện một "phototour" dọc bờ biển Việt Nam, khiến người xem phải "ngộp thở" với 3.000 bức ảnh về rác.
Những bức ảnh của Lekima Hùng cùng các bức ảnh "ngộp thở" về rác thải nhựa của các nhiếp ảnh gia quốc tế không chỉ cảnh báo cái chết cho con người mà còn cảnh báo cái chết của nhiều sinh vật, cái chết của đại dương.
"Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,5 triệu động vật biển chết vì rác thải nhựa, gần 1.000 loài động vật biển bị ảnh hưởng ô nhiễm đại dương, hơn 5.000 địa điểm là vùng chết.
Rác thải nhựa còn tạo ra những đảo ô nhiễm lớn ở Thái Bình Dương, có đảo rác thải chiếm diện tích gấp đôi bang Texas (Hoa Kỳ) hoặc gấp ba lần nước Pháp" (theo Viện Nghiên cứu phát triển Pháp - IRD).
Đáng buồn thay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư thế giới góp phần tạo ra vấn nạn đó, với "đóng góp" 6% lượng rác nhựa thải ra biển của cả thế giới. Vậy rác nhựa thải ra biển ở Việt Nam từ đâu?
Câu trả lời không khó: từ các làng chài, từ các khu dân cư theo cửa sông, từ các tàu đánh cá... Song có lẽ, nơi tạo ra khối lượng rác thải nhựa lớn nhất là từ các vùng bè nuôi hải sản. Trong đó có lượng lớn túi ni lông và chai nhựa.
Hiện nay, nhiều quốc gia đã cấm sử dụng túi nhựa sử dụng một lần. Việt Nam cũng đang thực hiện lịch trình hạn chế sử dụng túi nhựa và sẽ cấm túi nhựa sử dụng một lần hoàn toàn từ năm 2030.
Trở lại với câu chuyện rác tấn công các khu du lịch biển, nếu các địa phương còn chưa coi trọng việc ngăn rác thải nhựa ra biển thì chuyện rác ập vào mặt du khách sẽ không còn là chuyện hy hữu nữa.
Và đó sẽ là một diễn biến không chỉ gây nguy hiểm cho sự sống còn của thương hiệu du lịch địa phương, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh chiến dịch chống rác thải nhựa ra biển của cả quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận