Châu Á: những núi rác thải "nhập khẩu"
Phóng to |
Kỳ 1: Hành trình một bãi rác nổi Kỳ 2: Những cái chết thầm lặng
Kết quả của năm ngày nhóm họp tại hội nghị về quản lý rác thải độc hại quốc tế do LHQ tổ chức tại Bali (Indonesia) từ 23 đến 27-6-2008 vẫn chưa thông qua được bản sửa đổi công ước Basel về việc đề xuất ban hành lệnh cấm xuất khẩu rác thải độc hại. Có đến 68/130 quốc gia bỏ phiếu chống với những qui định chặt chẽ của bản công ước. Những nước phản đối mạnh mẽ gồm Mỹ, Nhật, Canada và Ấn Độ với lập luận nếu không cho xuất khẩu thì ngành công nghiệp tái chế tại các nước đang phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn trước tình hình giá kim loại tăng cao như hiện nay.
Chỉ tái chế 12%
Thực tế, lý do để các quốc gia trên phản đối bản sửa đổi công ước Basel liên quan trực tiếp đến lượng rác thải điện tử ngay tại nước họ. Nếu như tại Ấn Độ, máy tính cá nhân và máy tính xách tay được đăng ký khoảng 6,34 triệu bộ trong năm 2006-2007, số điện thoại di động tương đương 93 triệu chiếc trong năm 2007 và tivi ước tính sẽ đạt con số 234 triệu chiếc vào năm 2015 thì tại Mỹ tính chung có hơn 400 triệu thiết bị điện tử xếp loại "rác điện tử" có nhu cầu được thải bỏ hằng năm, theo thống kê của Tổ chức hoàn trả đồ điện tử của San Francisco, nhưng chỉ 12% số đó được tái chế.
Riêng đối với máy tính, các chuyên gia của Hội đồng an toàn quốc gia Mỹ ước tính có khoảng 500 triệu máy tính lỗi thời cần vứt bỏ trong thời gian từ 1997-2007. Tại Mỹ, rác thải điện tử xuất phát từ ba nguồn chính: cá nhân và doanh nghiệp nhỏ; các doanh nghiệp lớn, học viện và cơ quan chính phủ; cuối cùng là từ các nhà máy sản xuất thiết bị. Đơn cử như Tập đoàn Microsoft với hơn 50.000 nhân viên trên toàn thế giới (mà nhiều người sở hữu ít nhất hai máy tính) luôn thay đổi máy tính cho nhân viên sau mỗi ba năm.
Phóng to |
Tống khứ sang nước nghèo
Vậy là một trong những giải pháp tối ưu của các quốc gia có nhiều rác thải điện tử là xuất khẩu chúng sang các nước đang phát triển, dù cũng bắt đầu xuất hiện những lời kêu gọi các nhà sản xuất phải có trách nhiệm với sản phẩm lỗi thời, cụ thể là các công ty sản xuất lớn nên áp dụng biện pháp thu hồi để tái chế các sản phẩm đã lỗi thời, đồng thời nghiên cứu cải tiến cho ra đời các sản phẩm chứa ít chất độc hại hơn. Rác thải điện tử của Mỹ hầu hết đẩy sang châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan). Gần đây thêm Nigeria và Ghana của châu Phi trở thành nơi tiếp nhận rác thải điện tử của các quốc gia phát triển trên khắp thế giới. Theo báo cáo tháng 6-2008 của Tổ chức Tư vấn tiêu thụ quốc tế tại London, Ghana và Nigeria đang nhận hàng trăm tấn rác thải điện tử mỗi tháng.
Theo kết quả nghiên cứu của khoa quản lý công nghệ Trường đại học Carnegie Mellon (Mỹ) vào năm 2002, có khoảng 12,75 triệu máy tính ở Mỹ được đưa đi tái chế. Dựa vào số liệu này, tức là khoảng 10,2 triệu máy tính cũ được xuất sang châu Á. Có thể hình dung số lượng rác thải điện tử này nếu chất thành tảng sẽ chiếm diện tích 4.000m2 với chiều cao 128m. Tất nhiên đây chỉ mới là số liệu của một năm và nguồn rác điện tử đến từ một quốc gia mà thôi. |
Thực tế, Chính phủ Mỹ cũng không biết con số chính xác có bao nhiêu rác thải điện tử được xuất ra khỏi lãnh thổ nước mình. Nhưng theo các đơn vị xuất khẩu, ước tính 80% rác điện tử của Mỹ được xuất khẩu và 90% trong số đó cập bến tại Trung Quốc, chủ yếu qua cảng Nam Hải ở Quảng Đông. Nơi đây có bốn kho khổng lồ. Rác thải điện tử sẽ được phân loại và người mua chuyến hàng này sẽ bán lần nữa tùy theo nhu cầu thị trường trong nước.
Thị trường Trung Quốc rất chuộng các bo mạch vì chứa nhiều kim loại quí như bạc, vàng, platin. Ông Craig Lorch, một doanh nghiệp kinh doanh hàng tái chế tại Seattle (Mỹ), người luôn chống lại việc xuất khẩu rác thải điện tử sang châu Á, cho rằng những người xuất khẩu rác thải điện tử không ngoài mục đích vì tiền. "Khi chuyển loại hàng ấy ra nước ngoài, bạn sẽ được trả hai lần. Trước mắt, bạn được trả khi giao hàng. Kế đến, bạn được trả vì đã tống khứ được thứ rác ấy sang châu Á". Việc tái chế rác thải điện tử tại Mỹ, cụ thể như đối với màn hình CRT, sẽ mắc hơn 10 lần so với việc xuất khẩu chúng sang Trung Quốc. Đó là lý do mà rất ít rác điện tử được tái chế tại các quốc gia phát triển.
Nhưng tại các quốc gia đang phát triển, việc kinh doanh rác thải điện tử lại là ngành kinh doanh phát đạt. Người Trung Quốc được nghe kể về Quế Vũ ở Quảng Đông, theo kiểu từ một vùng nông thôn nghèo chuyên trồng lúa đã trở thành trung tâm tái chế rác thải điện tử có tiếng, giải quyết lao động hàng ngàn người. Còn câu chuyện về những tác hại đã xuất hiện qua không khí ô nhiễm, nước ô nhiễm, một số chứng bệnh về da của người dân sở tại thường bị lờ đi. Lao động trẻ em nơi đây kiếm được việc làm qua việc tháo dỡ các buloong, ốc vít từ máy tính thải hoặc tháo rời các bộ phận để lấy kim loại mà không biết đến các chất độc hại ẩn chứa bên trong. Những gì không thể tái chế được thì các chủ thầu rác thải này vứt đi ngay tại các dòng sông, bãi bùn của khu vực.
_______________________________
Môi trường ở những điểm đón nhận rác thải điện tử tại Trung Quốc, Pakistan... bắt đầu chứng minh điều đã được cảnh báo. Người ta đã phải trả giá nhiều hơn những gì lấy được từ các hợp đồng.
Kỳ tới: Sự thật đau lòng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận