20/08/2019 11:25 GMT+7

Rác tái chế: Chờ người dân hay chờ chính sách?

CẨM PHÔ
CẨM PHÔ

TTO - Câu chuyện "Giải cứu vỏ hộp sữa" (Tuổi Trẻ 18-8) đã được phản hồi từ bạn đọc Cẩm Phô (Quảng Nam). Một góc nhìn từ cách làm của các nước và điều đang còn thiếu ở thực tế tại Việt Nam.

Rác tái chế: Chờ người dân hay chờ chính sách? - Ảnh 1.

Ký hiệu tái chế xuất hiện trên bao bì nước uống đóng chai/lon tại Đức - Nguồn: Internet

Những vỏ hộp sữa, các loại bao bì thực phẩm có thể được thu gom và tái chế, một cách giảm lượng rác chết khổng lồ từ các sản phẩm này.

Nhiều cách thu gom rác tái chế

Ngành thực phẩm, đồ uống như sữa, nước trái cây, nước ngọt, nước cốt trái cây... tại Việt Nam là một thị trường màu mỡ không ngừng tăng trưởng. Kéo theo đó là vấn nạn rác từ những sản phẩm này.

Theo dự báo, tốc độ này kéo theo sự tăng trưởng của ngành bao bì thực phẩm và đồ uống, giai đoạn 2015-2020 sẽ tăng trưởng 38-40%, từ 3,92 triệu tấn lên xấp xỉ 5,4 triệu tấn (cao gấp 2,5 lần so với mức tăng trưởng 13% toàn cầu trong cùng giai đoạn). Tetra Pak, theo sau là New Toyo, Tín Thành (Batico) là những thương hiệu chiếm thị phần lớn nhất trong ngành bao bì thực phẩm, đồ uống ở thị trường nước ta...

Có thể thấy hiện nay nhiều nhóm cộng đồng xã hội tham gia hoạt động thu gom bao bì từ đồ uống đóng hộp giấy, phần lớn đến từ các ông lớn của ngành bao bì thực phẩm, đồ uống này. Tuổi Trẻ ngày 19-8 đặt vấn đề: Vì sao nhà sản xuất bao bì không nghĩ đến việc cung cấp thêm những miếng dán ngăn sản phẩm cặn thừa chảy ra ngoài (gây mùi hôi), đồng thời chung tay thu gom các loại bao bì này thay vì những tổ chức, đơn vị riêng lẻ đứng ra thu gom phải làm?

Điều này khiến tôi nhớ lại 5 năm trước, khi có dịp sang Đức, tôi từng đứng trong bếp rửa qua các hộp sữa rồi cho vào thùng rác dành riêng cho giấy. Tại đất nước được xếp đầu bảng về phân loại và tái chế này, một số nhà cứ có giấy thì bỏ vào thùng dành cho giấy, một số nhà khác thì chỉ cho giấy không dính đồ ăn, không lẫn nhựa vào thùng tái chế, trong khi một số khác lại cho vào thùng rác chung vì muốn tránh ruồi muỗi.

Tôi đem băn khoăn này hỏi một người bạn đang sống ở Thụy Điển, quê mẹ của Tetra Pak, cũng là một trong số quốc gia tiên phong trong việc tái chế rác thải. Thực tế là người dân không phải rửa sạch vỏ hộp sữa/nước uống hay làm dẹp chúng đi như tại Việt Nam đang làm. Bởi theo các công ty tái chế, hộp rỗng với kích thước nguyên thủy giúp quy trình tái chế được vận hành nhanh hơn và họ có máy nén để ép hộp trước khi đưa vào dây chuyền.

Vẫn còn nhiều tranh cãi về quy trình phân loại, xử lý đầu vào của nguồn rác và yêu cầu thực hiện vẫn được triển khai tùy theo từng nơi tùy thuộc vào hệ thống xử lý rác thải xử lý được thức ăn dính bẩn hoặc không xử lý được sẽ phải mang đi chôn lấp. Ví dụ, người dân tại thủ đô Canberra, Úc vẫn được yêu cầu làm sạch qua và làm dẹp vỏ hộp - nhằm tiết kiệm diện tích lưu trữ - trước khi phân loại và bỏ rác. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, người dân chỉ cần bỏ đúng thùng phân loại rác là được.

Rác tái chế: Chờ người dân hay chờ chính sách? - Ảnh 2.

Và lời nhắc tái sử dụng vỏ chai trên một sản phẩm của Việt Nam - Ảnh: CP

Việc cần thay đổi ngay

Tại Việt Nam, trên bao bì các sản phẩm nước uống đóng hộp giấy hay nhựa hoặc thiếc... hầu như chẳng có lấy một ký hiệu hoặc ghi chú nào khuyến nghị, nhắc nhở người tiêu dùng về việc tái chế bao bì của sản phẩm mà họ vừa mua/dùng. 

Công dân các nước biết rõ những quy định có tính pháp lý liên quan đến việc thu gom, xử lý các loại bao bì này. Người dân nước ta thì chưa được biết vì sao phải làm và cách làm như thế nào. Sự khác biệt này đến từ cơ chế quản lý, các quy định về môi trường, sản xuất các sản phẩm vì môi trường. Bao giờ có sự thay đổi quyết liệt trong quản lý và quy định về việc này, xã hội sẽ dần thay đổi theo.

Ở Canada, khi người tiêu dùng mua nước đóng chai hoặc sản phẩm đóng hộp đều nhận thức được họ phải trả thuế tái chế cho chính phủ và doanh nghiệp phải tuân thủ luật in ấn trên mọi sản phẩm để phân định rõ ràng bao bì nào có thể tái sử dụng. Các nước châu Âu, Úc, Hàn hay Nhật, lãnh thổ Đài Loan... - những nơi có hệ thống phân loại rác cụ thể, quy chuẩn - đều tuân thủ quy định này.

Vậy điều cần thay đổi ngay bây giờ chính là trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất phải được thống nhất ký hiệu tái chế, quy định tái chế và thực thi trên bao bì sản phẩm. Như một thông tin không thể thiếu, bắt buộc phải có, ký hiệu tái chế cần được áp dụng phổ biến và người dân được thông tin cụ thể qua hoạt động quảng bá sản phẩm.

Rất vui, tại Việt Nam đã có những doanh nghiệp bắt đầu làm việc này. Chẳng hạn như ở Vietherb, một công ty thuốc Nam, một doanh nghiệp nội địa hiếm hoi rất quan tâm đến vấn đề này. Trên bao bì sản phẩm của họ đều ghi rõ thông điệp tái sử dụng nhằm nhắc nhở người tiêu dùng trân quý không chỉ chai/lọ đựng mà còn là nguyên liệu làm ra chúng.

Một thông điệp nhỏ, một dòng chữ không lớn nhưng nếu mọi doanh nghiệp đều tiến hành bước này thì người tiêu dùng sẽ dần quen với khái niệm tái sử dụng bao bì thay vì thải bỏ. Tiết kiệm nào cũng là tiết kiệm tài nguyên dành cho chính con người và trách nhiệm của nhà sản xuất được thể hiện rõ trong một bước đơn giản.

Tái chế vỏ hộp sữa, tại sao không? Tái chế vỏ hộp sữa, tại sao không?

TTO - Hàng chục tỉ vỏ hộp sữa - một trong những loại rác có thể tái chế - đang bị vứt bỏ lãng phí và biến thành loại rác trăm năm chưa hủy.

CẨM PHÔ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên