Đại diện doanh nghiệp và cá nhân đến làm thủ tục về đăng ký cấp mã số thuế tại Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh tư liệu: Thanh Đạm |
Ngành tài chính đang quyết tâm cắt giảm thủ tục hành chính, thậm chí có hẳn cơ chế phối hợp giám sát trong linh vực thuế, hải quan nhưng doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn khi làm các thủ tục thuế.
Một doanh nghiệp đã kể với Tuổi Trẻ câu chuyện họ gặp phải trong kỳ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) vừa qua.
Giám đốc một công ty TNHH thương mại có trụ sở tại quận 2, TP.HCM cho biết công ty thành lập năm 2014, theo thông tư số 219 thì DN bắt buộc phải đăng ký kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp trực tiếp chứ không được áp dụng phương pháp khấu trừ.
Trong năm 2014, DN đã kê khai và nộp thuế GTGT và thuế TNDN tạm tính theo tỉ lệ phần trăm. Cuối tháng 3-2015, đến kỳ quyết toán thuế TNDN năm 2014, DN đề nghị hướng dẫn hồ sơ quyết toán thuế TNDN, chi cục thuế quận đã hướng dẫn DN làm quyết toán theo mẫu 03/TNDN, là mẫu quyết toán tương tự như mẫu dành cho DN nộp thuế TNDN theo phương pháp khấu trừ.
Thời gian lại gấp rút do thời hạn chót nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN là ngày 31-3, DN buộc phải làm công văn hỏi chi cục thuế quận.
Trong văn bản này, DN ghi rõ là theo căn cứ quy định tại thông tư 151, trong đó DN thuộc trường hợp khai quyết toán thuế theo mẫu 04, là mẫu dành cho DN khai quyết toán thuế TNDN theo tỉ lệ phần trăm trên doanh thu.
Tuy nhiên, ngày 30-3 chi cục thuế quận lại có công văn căn cứ khoản 5 điều 16 thông tư 151 hướng dẫn “trường hợp công ty được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật DN, nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì công ty không thuộc đối tượng nộp thuế TNDN theo tỉ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định về thuế TNDN, công ty thực hiện quyết toán thuế TNDN theo mẫu số 03/TNDN ban hành kèm theo thông tư 151...”, khẳng định rằng DN...không thuộc đối tượng được quyết toán thuế theo phương pháp trực tiếp.
DN đã phải gác lại công việc để chạy lên chi cục thuế quận rồi lên Cục Thuế TP.HCM. Kết quả là ngày 3-4, chi cục thuế quận lại ra văn bản trích dẫn đúng điều khoản trong thông tư 151 đã nêu tại văn bản trước để khẳng định DN thuộc đối tượng được khai quyết toán thuế TNDN theo tỉ lệ phần trăm trên doanh thu và khai quyết toán thuế theo mẫu số 04/TNDN. Đồng thời văn bản này thay thế văn bản trước mà cơ quan thuế đã gửi cho DN.
Thời gian từ khi cơ quan thuế ra văn bản đầu tiên đến văn bản thứ hai chỉ trong vòng năm ngày, cũng căn cứ cùng một thông tư, cùng một điều khoản nhưng cơ quan thuế lại đưa ra hai hướng dẫn khác nhau mà hướng dẫn sau mới chính xác, sau khi có ý kiến của Cục Thuế.
“Nếu DN theo hướng dẫn ban đầu của cơ quan thuế, sai sót sau này ai chịu trách nhiệm? Trong trường hợp kết luận là cơ quan thuế hướng dẫn sai, DN phải điều chỉnh cũng rất mệt mỏi. Đặt trường hợp DN không biết quy định hoặc không kiên trì theo đuổi thì phải chịu thiệt và nộp số thuế TNDN theo mức 22% thay cho mức 1%” - vị giám đốc này nói.
Một chuyên gia ngành thuế đặt câu hỏi vì sao cùng một quy định mà lại có nhiều cách hiểu khác nhau như vậy? Cũng từ cách hiểu khác nhau này mà DN phải vất vả chạy ngược chạy xuôi chỉ để yêu cầu được nộp thuế cho đúng.
“Vừa qua, lãnh đạo Bộ Tài chính đã yêu cầu phải giảm hơn nữa số giờ nộp thuế, không được “đẻ” thêm thủ tục, tuy nhiên từ thực tế trên cho thấy việc cắt giảm này mới chỉ là hình thức và là một phần rất nhỏ trong việc DN gặp khó khăn với cơ quan thuế. Còn nhiều vấn đề khác cần điều chỉnh, đặc biệt là trong việc tập huấn sao cho cán bộ thuế, các chi cục thuế và cả các cục thuế trong cả nước hiểu chính xác, hiểu thống nhất văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng cho đúng.
Cơ quan ban hành văn bản cũng phải nghiên cứu ban hành sao cho kịp thời, rõ ràng, dễ hiểu, tránh trường hợp một quy định nhưng có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, gây thiệt hại cho người nộp thuế” - vị chuyên gia này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận