Người dân kể lại sự việc bị heo rừng nuôi phá phách tài sản - Ảnh: N.TÀI
Khi con heo được đưa đến lò mổ thì có chủ đến nhận đây là heo của gia đình nuôi. Công an vào cuộc, mời những người giết mổ heo đến làm việc.
Dân kêu heo phá phách
Trời vừa sụp tối, nhiều người dân khóm 2, thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) liền tranh thủ thu dọn tài sản, kể cả thức ăn cho gia súc, để đưa lên cao hoặc mang hẳn vào nhà và khóa cửa lại. Người dân cho biết họ làm vậy nhằm
tránh heo rừng phá phách. "Chập tối hôm qua con heo rừng cỡ 70kg, răng nanh nhọn hoắt, vô chuồng cắn heo nhà tôi" - bà Trương Thị Hạnh, người địa phương, cho biết.
Gia đình ông Huỳnh Văn Phục nhà gần đó cho biết heo rừng từng "viếng thăm" nhà ông hai lần, phá hư nhiều bao thức ăn, cắn chết vịt xiêm, làm một con heo nái đang chửa phải sinh non. Ông Phục lắc đầu nói: "Nó đi tới đâu là phá đến đó. Ai mà chịu nổi".
Theo người dân khóm 2, cách đây không lâu một nhóm người có đưa đến lò mổ một con heo rừng đực bị chết. Con heo rừng này đi hoang nên người dân không biết là heo của ai. Ngay sau đó, bốn người dân bị công an thị trấn mời làm việc.
Ông Lê Văn Cường - một người liên quan tới vụ việc - kể lại: "Công an mời lên làm việc nói tui mổ heo của ông Hăng - nguyên chủ tịch huyện, là phó Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp - nên phải hùn tiền để đền. Giá heo thị trường là 130.000 đồng/kg, chỉ cần đền lại với giá 60.000 đồng/kg. Tui trình bày heo rừng thường xuyên phá hoại tài sản nhưng công an không đến tìm hiểu cặn kẽ".
Nước ngập chuồng nên phải thả rông
Bà Lê Thị Xuân Thương, vợ ông Hăng, khẳng định con heo rừng người dân mổ thịt là của gia đình bà. "Ở đây chỉ gia đình tôi nuôi heo rừng. Ngoài con này còn có ba con heo rừng nái, hơn 20 heo con. Do nước ngập chuồng nên tui thả lang ngoài tự nhiên" - bà Thương nói.
Theo bà Thương, gia đình nuôi heo rừng từ năm 2008. "Tui yêu cầu ai tham gia giết heo, ăn thịt heo phải bồi thường. Con heo đó thật ra không đáng bao nhiêu tiền nhưng phải răn đe cho người ta sợ" - bà Thương nhấn mạnh.
Liên quan đến việc người dân phản ảnh heo rừng phá phách, gây thiệt hại cho người dân, bà Thương nói sẵn sàng bồi thường nếu liệt kê được con số cụ thể.
Trao đổi qua điện thoại, ông Phạm Văn Hăng cho biết heo rừng là do vợ ông nuôi. Trả lời câu hỏi ông từng là lãnh đạo huyện biết rõ chủ trương nuôi súc vật không được thả rông nhưng tại sao gia đình ông không nêu gương, ông nói: "Nước ngập chuồng không thả lang thì phải làm sao".
Có thể xử lý hình sự về hành vi giết heo
Trung tá Trịnh Văn Bạc - trưởng Công an thị trấn Sa Rài - xác nhận đang điều tra nhóm người mổ, chia thịt heo rừng của ông Hăng. Bước đầu công an xác định có sáu người tham gia, mời lên làm việc bốn người.
Theo ông Bạc, tinh thần chung của buổi làm việc là phân tích để người dân hiểu rõ con heo là tài sản của ông Hăng. Người dân nên bồi thường cho khổ chủ. Qua trao đổi, ông Bạc cho biết trước đó con heo rừng này từng tấn công người nhà ông Hăng phải nhập viện.
Đàn heo rừng nuôi có biểu hiện nguy hiểm, sao công an không yêu cầu chủ nhân nuôi nhốt cẩn thận? Trả lời câu hỏi, ông Bạc nói có nhắc nhở gia đình ông Hăng. Còn việc thống kê thiệt hại do đàn heo rừng gây ra, ông Bạc cho biết sẽ cho công an đi làm.
"Công an đang điều tra, thu thập hồ sơ. Theo tôi, có thể xử lý người dân tội chiếm giữ trái phép tài sản. Tuy nhiên anh Hăng nói chỉ cần người dân chịu bồi thường thì sẽ không làm lớn" - ông Bạc kết luận.
Đã trình báo ngưng nuôi từ lâu
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp, hiện nay trên địa bàn huyện Tân Hồng không có hộ nào đăng ký nuôi heo rừng. Theo quy định, heo rừng là
động vật rừng bình thường, nếu muốn nuôi phải được cấp giấy chứng nhận. Riêng trường hợp của bà Lê Thị Xuân Thương trước đó có đăng ký nuôi nhưng khoảng ba năm nay đã trình báo ngừng nuôi.
Ông Nguyễn Phú Cường, trưởng phòng thanh tra và pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp, cũng nói quy định hiện hành chưa nêu cụ thể nuôi heo rừng phải có điều kiện chuồng trại, nuôi nhốt như thế nào. "Heo rừng có thể nuôi nhốt trong chuồng kết hợp với nuôi bán hoang dã, tức thả trong khuôn viên rộng nhưng phải có rào chắn ngăn cách với khu dân cư. Nếu người nuôi cố tình thả rông làm ảnh hưởng đến người xung quanh là sai" - ông Cường khẳng định.
Cả người dân lẫn chủ đàn heo đều sai
Luật sư Phạm Hoài Nam - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết người dân tự ý mổ heo rừng của người khác nuôi có thể bị xử lý hành chính về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản công dân. Trên thực tế rất khó xử lý hình sự vì khó định giá, giá trị con heo cũng như số lượng thịt heo mỗi người lấy.
Riêng chủ đàn heo rừng khi nuôi không đăng ký với cơ quan chức năng là sai. Đàn heo rừng không được nuôi nhốt mà thả rông cũng sai. Nếu gây thiệt hại cho người dân, chủ đàn heo có nghĩa vụ phải bồi thường cho người dân. Ngoài ra, các ngành chức năng có thể kiểm tra và xử lý chủ đàn heo vì nuôi heo rừng trái phép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận