Ở Hà Nội, việc đỗ ôtô hàng dài trước các cửa hàng, hè phố gây cản trở buôn bán nên thường xảy ra nhiều vụ cự cãi nhau - Ảnh: VIỆT DŨNG
Một người dân (trú Q.Đống Đa, Hà Nội) đậu ôtô bán tải màu trắng trước một căn nhà tại phố Huỳnh Thúc Kháng (Q.Đống Đa), rồi vào công ty làm việc. Một giờ sau anh này quay ra phát hiện xe bị xịt sơn đỏ quanh xe, trong đó có dòng chữ "Ngu".
Theo phản ảnh của khổ chủ, địa điểm anh đỗ xe không có biển cấm dừng, cấm đậu ôtô và không cản trở lối ra vào. Quá bực mình, nạn nhân làm đơn trình báo lên cơ quan chức năng. Vụ việc đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Trường hợp nêu trên là một trong nhiều sự việc liên quan tới việc đậu xe ở các TP lớn. Phải làm gì để tránh xung đột giữa các bên?
Pháp luật: khó xử lý
Ông Trần Đăng Hải (chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội) nói hiện không có quy định cụ thể các vấn đề liên quan tới hành vi đậu xe ở trước nhà dân, nhà hàng, quán xá.
Đường đi ở nơi công cộng là tài sản của Nhà nước không thuộc sở hữu của riêng ai nên lái xe hay chủ nhà đều không có quyền sở hữu hay cấm đoán. Pháp luật quy định những nơi không có biển cấm đậu xe thì xe được dừng đậu thoải mái.
Ông Trần Quốc Khánh (chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM) thừa nhận có tình trạng ôtô đậu trước nhà dân hoặc các cửa hàng kinh doanh cũng như trong các hẻm nhỏ gây ảnh hưởng tới việc buôn bán và đi lại của người dân.
Tuy nhiên, lực lượng thanh tra giao thông tuần tra, xử lý đều căn cứ vào quy định của pháp luật. Chỉ các trường hợp đậu xe trên tuyến đường có biển báo cấm đậu mới bị xử phạt nghiêm.
Các trường hợp tài xế cho xe đậu chắn mặt tiền, lối ra vào, thanh tra giao thông rất khó xử lý, chỉ nhắc nhở chứ không lập biên bản xử phạt được.
Tài xế: tìm cách dung hòa
Anh Nguyễn Văn Quang (tài xế, TP.HCM) cho biết anh thường xuyên phải đậu ôtô trước nhà dân hoặc trước các cửa hàng, quán ăn, quán cà phê, miễn là nơi đó không có biển cấm đậu xe.
"Tài xế chúng tôi vẫn biết đậu xe như thế không đúng, gây ảnh hưởng tới việc đi lại, mua bán của người khác nhưng đành làm vậy vì không còn cách nào khác.
Nhiều lần tôi đậu xe trong hẻm trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3) rồi đi mua cơm trưa. Lúc quay trở lại, xe bị dán đầy giấy với nội dung chửi bới tục tĩu. Những lúc như vậy, tôi biết mình sai nên lẳng lặng lái xe đi rửa" - anh Quang kể.
Theo anh Quang, TP.HCM có nhiều tuyến đường cho đậu xe thu phí nhưng lượng ôtô quá lớn nên vẫn không đủ chỗ đậu xe. Nhiều công ty, hàng quán cũng không có bãi giữ xe. Còn các bãi giữ xe công cộng đều quá tải.
"Chúng tôi phải đậu xe ở đâu mới đảm bảo không gây ảnh hưởng nhà dân hai bên đường?" - anh Quang hỏi.
Tương tự, anh Nguyễn Mạnh Cường (tài xế ở Hà Nội) cũng nói anh thường phải đậu xe ở trên các tuyến phố trung tâm không có biển cấm đậu xe.
Điều quyết định để tránh những phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn trong chuyện đậu xe, giải pháp ưu tiên của anh là tìm kiếm các điểm gửi xe ở gần đó nhất, chịu khó đi bộ xa một chút.
Giải pháp thứ hai, trước khi đậu xe thì nên "đàm phán" để có thể "xin" đậu nhờ hoặc gợi ý sẽ trả một chi phí nhất định (20.000-50.000 đồng) trong trường hợp đậu xe lâu. Việc này vừa giúp người đậu xe không phát sinh các tình huống mâu thuẫn, lại vừa có người trông giữ tài sản.
"Ở tình huống thứ hai tôi áp dụng khá thành công trong nhiều trường hợp, thậm chí đôi lúc người trông giữ nhất quyết không lấy tiền của mình" - anh Cường nói.
Theo ông Quảng Văn Long (một chủ ôtô, TP.HCM), mấu chốt của vấn đề là do quy hoạch của TP bất hợp lý.
Chúng ta muốn TP phát triển thì phải đầu tư hạ tầng, nhiều bãi giữ ôtô phải hình thành. Mỗi tòa nhà, trung tâm thương mại bắt buộc xây hầm để xe cho khách.
Trên từng tuyến đường, phường nên kẻ vạch cho đậu xe thu phí nhưng vị trí dừng, đậu phải xen kẽ, khoảng cách đậu xe đủ để hạn chế ảnh hưởng tới việc buôn bán của các hộ dân hai bên đường.
Hiện nay, việc đậu xe chưa được quy định rõ ràng, tài xế đậu quá bừa bãi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như tắc đường, mâu thuẫn giữa tài xế và chủ cửa hàng...
Chủ nhà hàng: "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"
Anh Nguyễn Văn Vĩnh (chủ quán cà phê ở Q.1, TP.HCM) khẳng định kinh doanh của quán bị ảnh hưởng rất nhiều khi ôtô đậu hàng dài ngay trước cửa quán.
Xe đậu tràn lan, dẫn đến lượng khách giảm sút, doanh thu thấp suốt một thời gian dài. Không chỉ vậy, khi người dân góp ý, có tài xế còn hăm dọa đòi đập phá quán chúng tôi.
"Chỉ nên cho đậu ôtô ở những tuyến đường thông thoáng, ít hàng quán xung quanh. Các tài xế cũng nên đậu xe sao cho phù hợp, tránh chắn ngang cửa ra vào quán xá hoặc cửa nhà dân" - anh Vĩnh đề nghị.
Ông Nguyễn Hà Tiên (chủ nhà hàng, TP.HCM) cho rằng việc các tài xế đậu xe trước cửa nhà hàng là rất thường xuyên, thậm chí cả vào giờ cao điểm đông khách.
"Họ đậu đỗ dưới lòng đường trước nhà hàng không sai, nhưng điều đó gây khó khăn cho khách hàng ra vào buôn bán" - ông Tiên nhận định.
Đối diện với những trường hợp này, ông Tiên và nhân viên thường trao đổi với các tài xế, mong họ có thể xê dịch xe đến một vị trí để thuận tiện cho khách có thể ra vào. "Chuyện gì cũng có thể giải quyết được, tốt nhất cả hai bên nên trao đổi với nhau" - ông Tiên nhấn mạnh.
Với cách nhìn khá "thông thoáng", anh Anh Tuấn - chủ nhà hàng Lọ Mọ (Hà Nội) - nói Hà Nội rất đông đúc, chật chội nên chỗ đậu xe rất ít.
Trong khi đó, nhiều chủ quán cứ nghiễm nhiên mặc định trước quán là của mình, điều đó là hoàn toàn sai. Để tài xế hợp tác, có thể nói năng nhẹ nhàng, có lý có tình. Đôi co, cự cãi chỉ gây bất lợi cho cả hai bên.
"Nếu tài xế đậu nhanh mình hoàn toàn không có ý kiến gì. Nếu ở gần nhà hàng có điểm trông giữ xe tôi sẽ gợi ý cho họ đi gửi" - anh Tuấn đưa ra hướng giải quyết .
Một số vụ phá ôtô đậu trên phố
* Trưa 22-8, chín ôtô đậu trước quán nhậu Lộc Phát trên đường Thành Thái (P.15, Q.10, TP.HCM) bị một thanh niên dùng thanh gỗ, tuôcnơvit đập và viết lên nắp capô xe.
Phát hiện vụ việc, các chủ ôtô gọi điện báo công an. Hàng chục cảnh sát được huy động đến hiện trường để vãn hồi trật tự.
Các chủ ôtô bị đập và viết lên nắp capô xe cho biết họ là thành viên taxi Grabcar tập trung đến một nhà hàng trên đường Thành Thái (cách hiện trường khoảng 50m) để liên hoan.
* Ngày 31-3, trên mạng xã hội xuất hiện dòng trạng thái kèm theo hình ảnh một ôtô đậu trên một con phố thuộc P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy (Hà Nội) bị vẽ bậy. Công an phường sở tại sau đó mời cả khổ chủ lẫn người thực hiện hành vi vẽ bậy đến làm việc. Hai bên chấp nhận cùng đưa chiếc xe đi sửa chữa khắc phục lại hiện trạng ban đầu.
* Ngày 2-7, mạng xã hội lan truyền clip một người đàn ông sống trên phố Trúc Khê (P.Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội) dùng vật rắn đập vỡ kính chắn gió, gãy gương chiếu hậu của một ôtô đang đậu trên phố. Khổ chủ là một doanh nhân Nhật Bản lặng lẽ điều khiển xe rời khỏi hiện trường.
Hành động đập phá xe người khác là có dấu hiệu hình sự về hành vi "hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" quy định tại điều 143 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận