TTCT - Bạn, một người trẻ tuổi, rất có ý thức chăm sóc răng và giữ gìn vệ sinh răng miệng. Bỗng một ngày đẹp trời bạn thấy đau vùng nướu (lợi) ở gần răng trong cùng, há miệng khó khăn, đôi khi bị sốt nhẹ. Bạn càng hoang mang khi có người khuyên nên nhổ răng “khôn” dự phòng. Cần phải nhổ hay có thể giữ lại? Răng “khôn” hay răng cối lớn thứ 3 là răng thường mọc ở tuổi trưởng thành, từ 18 đến 25. Việc nhổ răng khôn là một thủ thuật rất thường gặp đối với bác sĩ răng hàm mặt và phẫu thuật miệng. Mỗi năm tại Mỹ có khoảng 10 triệu răng khôn của 5 triệu bệnh nhân được nhổ. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số nhầm lẫn liên quan đến răng khôn và biến chứng khi mọc. Chẳng hạn: có phải tất cả răng khôn đều cần phải nhổ dự phòng để ngừa biến chứng? Hay ngược lại, răng khôn đã được “tạo hóa” ban tặng nên không được nhổ vì răng khôn nghiêng sẽ là chốt chặn giúp cung răng vững hơn? Vì sao hay gặp biến chứng? Nhú biểu mô, nguồn gốc của mầm răng khôn hay răng cối lớn thứ 3, bắt đầu xuất hiện từ tuần lễ thứ 16 trong thai kỳ và mầm răng có thể nhận thấy trên X-quang bắt đầu lúc 8-9 tuổi. Tuy nhiên, tuổi mọc của răng khôn trên cung răng từ 18-25 tuổi, khi các răng khác đã yên vị trên cung răng. Vì vậy, biến chứng liên quan mọc răng khôn là thường gặp hơn so với các răng còn lại. Khi có sự bất hài hòa giữa kích thước xương và răng (cung hàm nhỏ - răng lớn) làm tăng nguy cơ răng khôn ngầm (không có chỗ mọc) hoặc lệch (mọc lên nhưng không thẳng hàng). Biến chứng mọc răng khôn có thể kể đến là biến chứng viêm nhiễm, biến chứng cơ học và biến chứng u/nang. Biến chứng viêm nhiễm thường gặp là phần mô mềm xung quanh răng khôn (viêm lợi trùm) (hình 1) hoặc có thể lan rộng thành viêm mô tế bào. Viêm lợi trùm quanh răng khôn hàm dưới (hình 1) Tùy vị trí hàm trên hay hàm dưới sẽ lan vào vùng thái dương, xoang hàm hoặc sàn miệng. Viêm mô tế bào vùng sàn miệng có thể lan rất nhanh xuống vùng khí quản và đường hô hấp gây ra những biến chứng rất nguy hiểm. Biến chứng cơ học thường gặp là răng khôn mọc sát răng cối lớn thứ 2 làm khó chải rửa vùng này và sau cùng là sâu răng hay viêm tủy răng cối lớn thứ 2 (hình 2). Biến chứng cơ học khác là răng khôn gây lệch lạc vận động hàm dưới và sau cùng là loạn năng khớp thái dương hàm. Răng khôn cũng được ghi nhận là nguyên nhân gây ra các u/nang quanh thân răng, đôi khi phá hủy lan rộng, nhất là ở xương hàm dưới (hình 3). Răng khôn mọc lệch gây sâu răng và phá hủy mặt xa của răng cối lớn thứ 2 (hình 2) U nang quanh thân răng khôn gây phá hủy hàm dưới (hình 3) Nhổ răng khôn dự phòng phòng biến chứng? Tại Mỹ, số lượng răng khôn được nhổ hằng năm lên đến 10 triệu và tốn chi phí trên 3 tỉ USD. Vì vậy, có nhiều ý kiến lo ngại về việc nhổ răng khôn dự phòng đang được áp dụng quá mức cần thiết. Tuy nhiên, nên phân biệt nhổ răng khôn dự phòng khác với việc nhổ răng khôn bắt buộc khi đã có chỉ định nhổ. Hiện tại, các tổng quan tài liệu trong y văn cho thấy không có đủ bằng chứng thuyết phục để ủng hộ hay phản đối việc nhổ răng khôn dự phòng. Điều đó có nghĩa việc nhổ răng khôn dự phòng sẽ không phải là một điều trị thường quy mà sẽ được bác sĩ cân nhắc trên tình huống cụ thể dựa trên các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán, nhất là phim X-quang. Một số tình huống nhổ răng khôn dự phòng có thể kể đến như trường hợp các thủy thủ làm việc dài ngày trên tàu không có đủ phương tiện để nhổ răng khôn khi có biến chứng, phụ nữ trẻ sắp mang thai cũng nên tầm soát răng khôn, đôi khi cũng có chỉ định nhổ phòng ngừa khi bác sĩ tiên lượng có thể xảy ra biến chứng mọc răng khôn trong thai kỳ (khi đó sẽ rất khó can thiệp)... Liên quan đến nhổ răng khôn dự phòng, bạn phải được bác sĩ giải thích cặn kẽ về những nguyên nhân hay phí tổn/lợi ích khi áp dụng điều trị. Răng khôn có chức năng gì không? Theo Darwin, răng khôn là răng đang trên đà thoái triển một cách tự nhiên. Trên thực tế, tỉ lệ số người không có mầm một vài răng khôn hoặc không có toàn bộ cả bốn răng khôn đang tăng lên. Để thực hiện chức năng nhai, răng khôn phải có răng khôn đối diện ăn khớp. Đôi khi bạn có một răng khôn hàm dưới rất tốt nhưng răng khôn đối diện đã bị nhổ hoặc không có. Khi đó, răng hàm dưới cũng sẽ có chỉ định nhổ đi vì theo thời gian răng này có khuynh hướng trồi lên và sẽ làm cản trở vận động của hàm dưới khi ăn nhai. Các trường hợp mất răng nhiều hay toàn bộ cần phục hồi lại răng, bác sĩ cũng phục hồi đến răng cối lớn thứ 2 hay đôi khi chỉ phục hồi 10 đến 12 răng cho một hàm (quan điểm điều trị “cung răng thu hẹp”) trên bệnh nhân lớn tuổi. Những niềm tin răng khôn nghiêng hay lệch là “chốt chặn” cuối cùng, giúp cung răng vững chắc đều không có cơ sở khoa học. Bạn cần hiểu những răng khôn không có triệu chứng (chủ quan) như sưng, đau, sốt... không đồng nghĩa là hoàn toàn không có vấn đề. Đó chỉ là những lý do thông thường đưa bạn đi khám nha khoa. Những triệu chứng (khách quan) như sâu răng, u/nang xương hàm, tiêu xương đôi khi chỉ được phát hiện tình cờ khi bạn đi khám định kỳ hoặc khám vì lý do khác (ví dụ khám về niềng răng) và được bác sĩ phát hiện trên phim X-quang (mặc dù không có một triệu chứng chủ quan nào). Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật hàm mặt Hoa Kỳ (The American Association of Oral and Maxillofacial Surgeons) trong hướng dẫn điều trị (2009) đã đưa ra những chỉ định rất cụ thể khi cần can thiệp liên quan đến răng khôn. Những biến chứng nhẹ liên quan đến mọc răng khôn như đau, viêm lợi trùm có thể được xử trí trước tiên bằng các giải pháp bảo tồn như điều trị nội khoa, hướng dẫn vệ sinh răng miệng hoặc tiểu phẫu cắt phần lợi trùm. Nhưng khi vấn đề được lặp đi lặp lại mặc dù đã thực hiện điều trị bảo tồn thì khi đó sẽ có chỉ định nhổ răng khôn. Các biến chứng rõ ràng hơn cho chỉ định nhổ răng khôn như: sâu răng không thể phục hồi, có bệnh lý nha chu, có tổn thương tủy răng không phục hồi hoặc có sang thương quanh chóp răng, có nhiễm trùng mãn hay cấp tính, mọc lạc chỗ, bất bình thường về kích thước ảnh hưởng đến chức năng nhai, giúp cho việc phục hồi các răng lân cận dễ dàng, cần thiết cho điều trị chỉnh nha (niềng răng), răng nằm trong vùng cần phẫu thuật u/nang, có bệnh lý liên quan bao mầm răng, gây nội tiêu/ngoại tiêu răng kế cận. Những mục tiêu của việc nhổ răng khôn là: ngăn ngừa bệnh lý xảy ra, bảo tồn sự lành mạnh của những răng kế cận, tối ưu hóa việc thực hiện phục hồi, giảm nguy cơ tổn thương xương hàm, hỗ trợ kết quả điều trị chỉnh nha, ngăn ngừa các biến chứng u/nang, hỗ trợ phẫu thuật cắt xương hàm. Mặc dù có một tỉ lệ không có bẩm sinh ít nhất một răng khôn (10-25% tùy chủng tộc) nhưng tai biến liên quan mọc răng khôn hiện tại vẫn là một lý do đi khám răng khá phổ biến. Việc không có một hay toàn bộ bốn răng khôn không làm bạn tiến hóa hơn người khác nhưng ít nhất bạn không đối mặt với chườm lạnh và uống thuốc sau nhổ răng khôn. Những trường hợp bắt buộc nhổ răng khôn sẽ được quyết định dựa trên các chỉ định rất rõ ràng khi sự hiện diện của răng khôn ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến sự lành mạnh của mô mềm, mô xương và các răng lân cận.■ Những lưu ý khi nhổ răng khôn Nhổ răng khôn cũng như bất kỳ thủ thuật nào trong y khoa sẽ có một tỉ lệ biến chứng nhất định. Nhưng chỉ vì điều này mà bạn không chấp nhận nhổ răng khôn khi đã có chỉ định rõ ràng thì cũng như suy luận chỉ vì sợ tỉ lệ tai nạn giao thông mà bạn không dám ra đường. Biến chứng thường gặp nhất sau nhổ răng khôn là đau, sưng, viêm ổ răng khô và dị cảm do tổn thương thần kinh răng dưới. Ngày nay, các phương tiện chẩn đoán và điều trị hiện đại đã hỗ trợ hiệu quả trong việc làm giảm các biến chứng khi nhổ răng khôn. Độ khó của răng khôn thường được dựa vào phim X-quang (có thể là phim toàn cảnh hoặc phim cắt lớp điện toán CBCT). Phim cắt lớp điện toán giúp bác sĩ xác định rất chính xác vị trí của răng khôn cũng như liên quan với các cấu trúc giải phẫu quan trọng. Nhổ răng khôn cũng có thể như nhổ răng thông thường trong trường hợp dễ hoặc cần đến bác sĩ chuyên về phẫu thuật miệng trong trường hợp phức tạp (răng ngầm hoặc mọc lệch nhiều). Trước khi nhổ, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định các xét nghiệm máu (thời gian máu đông, máu chảy, một số chỉ số sinh hóa nếu cần). Sử dụng máy phẫu thuật ứng dụng sóng siêu âm (piezosurgery) đã được chứng minh làm giảm sưng đau và giảm nguy cơ tổn thương thần kinh khi phẫu thuật răng khôn. Nhổ răng khôn thường được thực hiện dưới gây tê thông thường hoặc tiền mê hoặc dưới gây mê khi nhổ nhiều răng cùng lúc hoặc bệnh nhân có bệnh lý toàn thân đi kèm (thực hiện tại bệnh viện). Sau khi tiểu phẫu răng khôn, bạn nên nghỉ ngơi một vài ngày, uống thuốc đầy đủ và thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ. Tags: Răng khônKhi nào nhổ răng khônNhổ răng khôn
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.