Các bé được hướng dẫn tái chế rác thành những vật dụng trang trí trong Ngày hội sống xanh năm 2018 do TP.HCM tổ chức - Ảnh: M.PHƯỢNG
Việc phân loại và thu gom đúng sẽ giúp tiết kiệm chi phí thu gom, xử lý. Rác hữu cơ sẽ được đưa về nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ. Những chất thải còn lại cũng được phân loại, nếu có thể tái sinh tái chế thì sản xuất các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường.
Ông Cao Văn Tuấn
Đây là một trong những nội dung được các đại biểu đề cập tại buổi đối thoại cùng chính quyền TP với chủ đề "Đưa chủ trương phân loại rác tại nguồn đi sâu vào thực tiễn", do HĐND TP.HCM và Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức sáng 30-6.
Sẽ hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thu gom rác
Bà Lê Minh Huệ - hộ dân ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - cho biết hầu hết xe chở rác dân lập là các xe cũ, nhỏ nên không phân thành hai ngăn để đựng rác đã phân loại.
"Dù rác đã được người dân phân loại nhưng khi đưa lên xe vẫn để chung, chưa kể xé ra để lấy ve chai nên tung tóe. Người dân thấy phí công nên cũng không làm nữa" - bà Huệ nói.
Theo ông Cao Văn Tuấn - đại diện Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP, thời gian qua công ty đã chuẩn bị hạ tầng, sắp xếp các phương tiện, thiết bị để tham gia thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn. Khi hướng dẫn người dân phân loại rác, chắc chắn phải bố trí phương tiện thu gom tách bạch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM - nói cùng với việc vận động, tuyên truyền người dân thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn, đối tượng quan trọng trong chương trình này là lực lượng thu gom rác. Đây là lực lượng góp phần rất lớn trong việc triển khai thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn.
"Từ việc các hộ dân đã phân loại rác và đưa ra bên ngoài, lực lượng thu gom rác phải tiếp tục phân loại theo đúng quy định trong quá trình thu gom và vận chuyển. Mục tiêu chúng tôi hướng đến là những đối tượng thu gom rác sẽ trở thành lực lượng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn" - bà Mỹ nói.
Sở TN-MT cũng phối hợp với các sở, ban ngành của TP nghiên cứu phương tiện thu gom với các yêu cầu kỹ thuật đảm bảo vấn đề môi trường. Đến nay đã có những mẫu cho việc thu gom và đang trình UBND TP xem xét công bố. Ngoài ra, cơ quan này cũng đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ người thu gom để có điều kiện chuyển đổi phương tiện thu gom không đảm bảo.
Giảm chi phí, tiết kiệm tài nguyên
Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy số lượng rác thải sinh hoạt bình quân trên địa bàn TP là 8.500-8.900 tấn/ngày, từ ba nguồn thải là hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thương mại và chủ nguồn thải từ đường phố, trên kênh rạch, công viên, quảng trường...
Với số lượng rác "khổng lồ" như vậy, phân loại rác tại nguồn sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm chi phí, giúp việc thu hồi, tái sử dụng và tái chế rác được hiệu quả hơn. Đến nay, chương trình phân loại rác tại nguồn theo kế hoạch của UBND TP đã được triển khai đến 24 quận, huyện. Các quận, huyện đều có kế hoạch để triển khai thực hiện chương trình này.
Ông Phạm Duy Khang - trưởng Phòng TN-MT quận 5 - cho biết địa phương này đã tổ chức tập huấn cho các lực lượng như ban chỉ đạo, các tổ giúp việc, các tổ dân phố, trường học, dịch vụ công ích, lực lượng lấy rác dân lập, tổ dân phố.
Các lực lượng này sẽ tuyên truyền đến các hộ dân, các cơ quan, đơn vị sản xuất, dịch vụ thương mại, chợ, trường học... kèm theo chương trình tuyên truyền bằng các hình thức như sổ tay, poster...
Trong khi đó, theo bà Mỹ, qua công tác tuyên truyền và vận động ban đầu, người dân dần hiểu được ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn, cách thức phân loại, có ý thức và chủ động trong công tác này. Tuy nhiên, để thực hiện thường xuyên và đúng kỹ thuật vẫn còn khá hạn chế.
Cùng với đó, công tác tổ chức của các quận huyện còn khá lúng túng trong xây dựng kế hoạch để triển khai. Do đó phải tuyên truyền, vận động và triển khai để đến năm 2025 phải đạt được tối thiểu 80% cho việc phân loại đúng.
Để phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả trong thời gian tới, bà Mỹ cho biết sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ với quận huyện trong việc tăng cường tuyên truyền công tác này, để từng người dân hiểu được lợi ích của việc phân loại rác.
Trong quá trình triển khai chương trình phân loại rác sẽ có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp để công tác phân loại rác tại nguồn được thuận lợi ở tất cả địa bàn TP.HCM.
"Sở TN-MT sẽ hoàn thành ban hành các văn bản, quy định về phân loại rác tại nguồn cũng như quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn TP. Rốt ráo để chuẩn bị phương tiện cũng như con người cho việc phân loại rác tại nguồn" - bà Mỹ nói.
Phải tổ chức đồng bộ hơn
Ông Nguyễn Minh Nhựt, phó trưởng Ban đô thị HĐND TP, cho biết theo kết quả khảo sát thực tế tại các cơ quan, đơn vị và lấy ý kiến người dân về mức độ tiếp cận chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của Ban đô thị, đến nay chỉ mới có một số quận (1, 3, 5, 6, 12 và Bình Thạnh) đã triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn. Các quận huyện còn lại chỉ dừng ở mức độ tuyên truyền, phổ biến chương trình.
Trong khi đó, một số quận như quận 2, 7 và Phú Nhuận có triển khai chương trình này nhưng mới chỉ áp dụng cho các khu dân cư đặc thù. Các cơ quan, trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại, tuyến đường, nhà ga, bến xe... tỉ lệ còn thấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận