Rác cồng kềnh gồm những loại gì?
Trước tiên cần biết rác cồng kềnh bao gồm những loại nào.
Thông tư số 02 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định rác cồng kềnh là vật dụng gia đình thải bỏ kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác hay gốc cây, thân cây, cành cây.
Theo quyết định số 12 ban hành năm 2019 và quyết định số 09 ban hành năm 2021 của UBND TP.HCM, người dân phải tự vận chuyển, hoặc nếu không có khả năng vận chuyển thì liên hệ các dịch vụ thu gom rác để thỏa thuận phí chuyển rác thải quá khổ, rác cồng kềnh đến điểm tập kết rác do UBND quận, huyện quy định.
Việc người dân vứt rác ra vỉa hè, lòng đường là hành vi vi phạm, sẽ bị phạt hành chính và buộc khắc phục hậu quả.
Quyết định mới mà UBND TP.HCM ban hành có số hiệu 36-2024 và chính thức có hiệu lực từ ngày 6-7 tới.
Trách nhiệm chủ nguồn thải, người thu gom và địa phương ra sao?
Theo quyết định mới này, chủ nguồn thải, hộ gia đình, cá nhân được chuyển giao rác cồng kềnh cho các cá nhân, tổ chức để tái sử dụng.
TP khuyến khích chủ nguồn thải, hộ gia đình, cá nhân ưu tiên tái chế trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý.
Chủ nguồn thải, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tháo dỡ, thu gọn, giảm kích thước, thể tích rác cồng kềnh.
Trường hợp không thể tự tháo rã, giảm kích thước tại nơi phát sinh thì phải thanh toán chi phí này theo thỏa thuận với đơn vị thu gom, vận chuyển.
Giá thu gom chất rác cồng kềnh từ nơi phát sinh đến các điểm tập kết và trạm trung chuyển được thỏa thuận giữa cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải với đơn vị chế, đơn vị thu gom.
Giá vận chuyển và xử lý đã được xác định trong giá dịch vụ vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường và quy định của UBND TP ban hành.
TP.HCM nghiêm cấm việc tự ý đổ thải rác cồng kềnh xuống sông, kênh, rạch, ao, hồ, mương, suối và các địa điểm khác không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể tự vận chuyển rác cồng kềnh đến các điểm tập kết và trạm trung chuyển do UBND quận huyện thiết lập.
Đối với đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý phải xây dựng phương thức tổ chức thu gom tại nguồn, xác định địa điểm tại địa phương để thiết lập điểm tập kết tiếp nhận và xử lý sơ bộ.
Công bố công khai số điện thoại và quy trình thu gom, xử lý sơ bộ, vận chuyển, xử lý từng nhóm rác cồng kềnh. Tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn cồng kềnh đúng theo hợp đồng đã ký kết, đảm bảo không được làm rơi vãi hay thải ra môi trường không đúng quy định.
Đặc biệt quyết định mới này yêu cầu các đơn vị sở ngành chú trọng vấn đề xử lý nghiêm việc xả bậy rác thải cồng kềnh ra môi trường.
Quận vận động dân mang rác cồng kềnh lên phường
Đây là một mô hình hay được quận Phú Nhuận, TP.HCM tổ chức với khẩu hiệu "Mang rác lên phường, đừng mang rác ra đường".
Mô hình này được triển khai nhiều năm nay. Khi người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa có thể mang rác lên phường hoặc liên hệ công ích quận để thu gom rác cồng kềnh. Từ đó quận đã giảm được nạn xả rác ra đường phố, kênh rạch, đất trống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận