TTCT - Dù không qua trường lớp đào tạo nào, những người làm nghề gom phế liệu vẫn có kinh nghiệm phân loại rác phong phú và chính xác. Bởi với họ, đó là tiền. Ảnh: Phạm Gia HiềnCó một chuyện cười ngắn gọn thế này. Hỏi: làm sao tách Fe, Cu, Al ra khỏi hỗn hợp? Đáp: gọi bà đồng nát nhé! Nghề thu mua đồng nát hay ve chai, đã có từ lâu đời, và tới nay, phạm vi chuyên môn đã không còn đơn giản như cái tên nữa. Dù không qua trường lớp đào tạo nào, những người làm nghề gom phế liệu vẫn có kinh nghiệm phân loại rác phong phú và chính xác. Bởi với họ, đó là tiền. "Cái gì tụi em cũng biết!"Vợ chồng anh Hiển chị Nga "thầu" gom phế liệu dọc phố Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội). Để tiện công việc, họ thuê một phòng trọ nhỏ ngay gần đó. Ca đầu ngày của họ bắt đầu từ 6h đến 9h30 sáng, sau đó về nghỉ ngơi ăn trưa, tới 15h chiều tiếp tục ca thứ hai đến 22h đêm. Luôn tay luôn chân phân loại phế liệu.Gọi là "thầu", nhưng họ chẳng đóng tiền cho ai cả. Chị Nga đã tới Hà Nội 20 năm trước, cưới anh Hiển khi ấy làm thợ xây. Rồi sau nhiều năm bôn ba, họ quay về Hà Nội bám trụ, và có "lãnh địa" của mình. 20 năm trong nghề, họ là những chuyên gia phân loại phế liệu lão luyện.- Có kim loại, hay chất dẻo nào lạ đến mức anh chị không nhận biết được không?- Không anh, cái gì tụi em cũng biết - chị Nga đáp ngay không cần suy nghĩ.Hãy xem cách họ phân loại phế liệu và dùng từ "chuyên môn".Ảnh: Phạm Gia HiềnNhựa chia làm 2 loại. Nhựa chết, là thứ nhựa cứng, bẻ vụn ra được (ví dụ sọt hoa quả), bán được 500 đồng/kg, vừa nặng vừa không đáng tiền, bỏ qua. Nhựa dai thì cầm êm tay, bẻ không vỡ. Nhựa dai lại chia làm 2 nhóm, là nhựa chọn và nhựa xô. Nhựa xô giá 4.000 đồng/kg, đầu thừa đuôi thẹo cho hết vào. Nhựa chọn 6.000 đồng/kg (bàn ghế, chậu nhựa...). Nhưng quyền phân loại thuộc về các chủ vựa, những người nhặt phế liệu như vợ chồng Hiển - Nga thì phải bán chung với giá 4.000 đồng/kg. Chủ yếu họ gom được vỏ chai nước, tính là nhựa xô.Ngày trước túi ni lông bẩn, giẻ rách cũng được mua (với giá 1.000 đồng/kg), giờ thì các vựa từ chối. Chỉ có quần áo cũ còn lành lặn, được mua theo chiếc, giá từ 2.000 - 10.000 đồng.Cao su không bán được.Giấy chia làm 3 loại. Giấy carton, giấy báo và giấy in bán được từ 2.000 - 15.000 đồng/kg.Đồng chia làm 3 loại. Đồng vàng 100.000 đồng/kg (thiết bị đồng, mảnh vụn đồng...). Dây điện to 180.000 đồng/kg. Dây điện nhỏ, muốn lấy lõi phải đốt vỏ nên gọi là đồng đốt, thì 150.000 đồng/kg.Sắt mua một giá 7.500 đồng/kg.Nhôm chia làm 2 loại. Nhôm xô 30.000 đồng/kg. Nhôm khung cửa (nhôm hộp) 40.000 - 45.000 đồng/kg.Xốp được mua với giá 4.000 đồng/kg. Thùng xốp nguyên vẹn thì có giá hơn, khoảng 2.000 - 5.000 đồng/thùng.Người làm nghề đồng nát ve chai ở Hà Nội, không hiểu sao chủ yếu đến từ huyện Xuân Trường (Nam Định). Dắt díu nhau, người đi trước chỉ cách cho người đi sau. Người đi sau tránh "địa bàn" của người đi trước. Việc làm cũng nhiều, chỉ sợ không có sức. Và dù bỏ ra nhiều sức, thì thu nhập cũng chỉ đủ ăn.Không phải ai cũng có "địa bàn" như vợ chồng Hiển - Nga. Có hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người nhặt phế liệu rong. Họ luôn đi xe đạp, để có thể chầm chậm đảo mắt và dừng lại ở bất cứ bịch rác nào "hứa hẹn". Dù đã có giờ đổ rác, nhưng lượng rác tiêu thụ khổng lồ khiến rác không ngừng được vứt ra đường bất cứ lúc nào. Cơ hội chia đều cho những người nhặt phế liệu rong. Với một que cời, họ móc ra những món phế liệu có thể bán, cho vào sọt (đã gia cố thêm những bao tải để tối ưu sức chứa) sau xe. Từng chút từng chút, cho đến khi đầy "hàng".Những người "thầu" cố định khu vực như vợ chồng Hiển - Nga không thích những người nhặt rác rong, không hẳn vì phải chia sẻ lợi ích, mà vì họ thường xới tung, thậm chí xé vương vãi những túi rác. Điều này làm người dân có ác cảm với những người đi gom phế liệu. Tuy nhiên, rõ ràng nếu người dân có ý thức phân loại rác tại nguồn, thì cảnh bới rác cũng sẽ không còn.Bà Thành - 62 tuổi - từ Nam Định gia nhập đội quân nhặt phế liệu rong đã hơn 5 năm. Những hôm "trúng quả", chỉ đến trưa là bà đã đủ chỉ tiêu để chở đến vựa thu gom. Như trưa nay, bà nhặt được hơn chục bình nước khoáng loại 5 lít cùng rất nhiều thùng bìa carton. Bình nước khoáng nhựa còn sạch sẽ, nguyên nắp, được bán theo chiếc với giá từ 1.500 - 2.000 đồng, thùng bìa carton nguyên vẹn cũng có giá gấp đôi loại bán theo cân. Tuy nhiên những cơ hội như thế rất hiếm hoi.Những túi rác thu gom từ phố, đại đa số lẫn lộn rác hữu cơ và vô cơ. Sẽ rất mất thời gian và hại sức khỏe nếu phải bới tung cả túi rác mới tìm được phế liệu bán ra tiền. Chỉ ghé túi liếc qua, những người gom đồng nát ve chai có thể biết "có hàng" hay không. Một đôi khi, cơ quan hay nhà dân gọi vào bán món gì đó lạ lẫm, như máy móc, thiết bị điện tử, kim loại, hay chất dẻo tổng hợp, thì việc nhận biết, ước lượng và định giá phải tiến hành quyết đoán. Lời hay lỗ là ở đó.Và khi đó, khái niệm "phân loại rác tại nguồn" được thực hiện bởi những người hành nghề thu gom phế liệu này. Mặc dù nếu đưa về tới vựa, hay xa hơn - những làng chuyên buôn phế liệu ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên... thì sự chuyên nghiệp mới là ở trình độ cao, có thể phân kim bằng máy móc hay hóa chất."Chúng tôi thấy có những phố đặt thùng phân loại rác, nhưng có làm nổi đâu. Người ta cho hết vào một túi. Có khi rác để vài ngày mới vứt, hôi thối kinh khủng, đến chúng tôi cũng chịu không phân loại được nữa" - anh Hiển lắc đầu. "Trước chúng em vào miền Nam làm nghề này, thì ý thức phân loại rác trong đó tốt hơn. Rác phân loại sạch sẽ, không chỉ người nhặt phế liệu sướng mà công nhân vệ sinh môi trường cũng sướng - chị Nga cười - Nhưng sau phải ra Hà Nội làm, để về thăm con cái tiện hơn".Trước đây, hai vợ chồng thầu xe rác, nhưng nay vì sức khỏe anh Hiển không cho phép, nên họ chỉ đi nhặt và thu mua phế liệu. Thầu xe rác, là nhận phần việc của công nhân vệ sinh môi trường, đẩy xe đi thu gom rác theo giờ, tập kết rác tại địa điểm đón xe tải chuyên dụng. Lợi ích là được chia lương với công nhân công ty, và được gom toàn bộ phế liệu có trong rác. Nhưng đẩy những xe rác cao tới 2m, nặng cả tạ, là công việc cực nhọc và hao sức. Làm quanh năm, Tết vừa qua vợ chồng cùng không về quê, vì rác - Tết rất nhiều thứ giá trị. Khó khăn nhất như hồi dịch Covid-19, họ vẫn phải tìm cách ra đường để đi nhặt phế liệu. "Trốn chui trốn lủi, anh ạ" - chị Nga tần ngần nhớ lại.Tất cả phế liệu gom được, sẽ tập kết tại một góc đường (cũng là nơi tập kết các xe rác). Đến cuối ngày, phế liệu được đưa tới các vựa thu mua, cân lên và tính tiền. Tổng thu nhập của anh chị Hiển - Nga khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chi tiêu tùng tiệm trong khoảng 4-5 triệu đồng, còn lại gửi về quê nuôi 3 con ăn học."Chúng tôi canh thùng còn mất công hơn là đi dọn"Khắp Hà Nội, sâu trong những con ngõ rộng ở các khu vực còn chưa quy hoạch chỉn chu như Hoàng Cầu, Mai Anh Tuấn, Trần Khát Chân, hay bên ngoài đê (dân Hà Nội quen gọi là ngoài bãi), là những vựa thu mua phế liệu.Cũng lại chủ yếu là dân Nam Định, thuê những căn nhà cũ, vì rẻ, và chủ nhà cũng dễ dàng cho phép làm nơi gom phế liệu hơn. Họ phải sắm một số máy móc chuyên dụng, như máy ép (dùng để ép chặt vỏ lon, chai nhựa, máy cưa cắt, ròng rọc điện (để chuyển các khối phế liệu sắp xếp phân bổ đều các tầng). Nói là chủ vựa, nhưng cũng tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.Gia đình chị N. (tất cả các chủ vựa thu gom phế liệu đều đề nghị không nêu tên, và không đồng ý cho chụp ảnh kho của họ) có 6 người, thuê một căn nhà ở ngõ phố Mai Anh Tuấn (Đống Đa). Họ dùng 2 tầng dưới làm nơi chứa phế liệu, nơi ăn ở là tầng 3.Việc của những chủ vựa trung gian như chị N. bớt phức tạp rất nhiều, vì những người thu mua rong đã phân loại từ trước. Khi họ chở đến, chỉ việc cân. Đôi khi có tranh luận một chút về phân loại giá trị thấp hay cao, nhưng cơ bản rành mạch, mua đứt bán đoạn. Sau đó, phế liệu được ép thành các khối vuông vức, dễ xếp và vận chuyển.Khoảng 22h, những xe ô tô từ các làng nghề chuyên tái chế ở địa phương lân cận như Bắc Ninh (chuyên giấy); Hưng Yên (chuyên nhựa)... sẽ tới chất các khối phế liệu đó lên xe, chở đi. Đó là điểm đến cuối cùng của phế liệu, nơi mà chúng sẽ được tái chế, chuyển thành vật liệu thô xuất đi, hoặc trực tiếp chế biến thành những sản phẩm mới (chủ yếu là đồ gia dụng, văn phòng phẩm).Chủ vựa được tính giá chênh lệch. Thu nhập bình quân đầu người, sau khi trừ đi mọi khoản, là khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Không cao hơn nhiều so với những người đi thu nhặt phế liệu rong. "Nhưng nhàn hơn một chút" - chị N. liên tục bấm máy tính nhân nhân chia chia. Tôi nhìn bốn bề là phế liệu, bốc lên thứ mùi tổng hợp gây choáng váng, và cũng không biết có thể đồng tình với khái niệm "nhàn hơn" của bà chủ vựa này không.Anh Hải, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), đã trong nghề được hơn 10 năm. Trước đây anh được phân công phụ trách tuyến thí điểm đặt thùng phân loại rác ở đường Láng Hạ. Tuy nhiên cho đến nay, thùng thì vẫn còn, nhưng việc triển khai thì âm thầm gác lại. Hoặc là người ta sẽ không cho rác vào thùng, hoặc sẽ cho vào mà không phân loại. Suốt thời gian đó, anh Hải và các đồng nghiệp phải... đứng canh thùng rác, để hướng dẫn người dân. "Chúng tôi canh thùng còn mất công hơn là đi dọn!" - anh Hải cười.Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính khối lượng phế liệu do mạng lưới người làm nghề đồng nát thu mua lên tới 30% tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị. Những chuyên gia đó, cơ bản làm việc không có lương, mà đổi lấy quyền lợi là... rác. Trong chuỗi phân loại - mua bán phế liệu, cũng có những nhánh chuyên doanh, đòi hỏi trình độ tương đối cao hơn. Chẳng hạn cơ sở chuyên mua màn hình TV, máy tính của S. ở Hoàng Cầu (Đống Đa). Một người thu mua đồng nát chở chiếc TV cũ đến, theo lời giới thiệu của một đồng nghiệp. S. đứng chống nạnh, nhìn lướt chiếc TV và phát giá mà chẳng cần kiểm tra: "Trăm hai". Người đàn ông kia tần ngần, đề nghị giá cao hơn. Sau vài phút trao đổi, hai bên chốt giá chiếc TV hơn 40 inch đã bung màn hình giá 150.000 đồng.Ảnh: Phạm Gia HiềnTiệm của S. chất đầy màn hình, phải tới hàng trăm chiếc. Có những chiếc sửa được, sau khi "mông má", S. có thể bán lãi vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng. Nhưng đa số là chỉ có thể gỡ lấy linh kiện. Một nhân viên của S. dùng máy cắt, phân "xác" một chiếc màn hình máy tính cũ chỉ trong vài phút, những bảng mạch điện tử được gỡ ra thành thạo.- Em có biết phân kim không? Vì trong bảng mạch nhiều khi có vàng, kim loại hiếm...S. nghe câu hỏi, lập tức chuyển ánh nhìn cảnh giác, câu chuyện chấm dứt luôn ở đó.Cùng trên con ngõ rộng, hai bên trái phải tiệm của S. là những tiệm chuyên mua quần áo cũ và thùng xốp còn nguyên lành. Hẳn nhiên, họ có đầu ra ổn định, vì đó đều là những món tốn diện tích, không thể chất trong kho ngày này qua tháng khác. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Phân loại rácThiết bị điện tửVệ sinh môi trườngThu gom rácViệt Nam xanh
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.