Bùi Văn Cừ (phải) và anh Bùi Duy Tiên - người đã đề xuất anh làm công an xã 14 năm trước - Ảnh: MY LĂNG
, 43 tuổi, là người dân tộc Mường ở xã Nhuận Trạch (Lương Sơn, Hòa Bình). 21 năm trước, Bùi Văn Cừ vào vì tội cố ý gây thương tích. Vào tù vì một cây mía.
Đó là ngày 9-5-1997 - cái ngày mà Cừ nói còn nhớ hơn ngày sinh nhật của mình, Cừ và hai người bạn đi đóng gạch thuê ở xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
"Buổi trưa hôm đó ăn cơm xong, ba anh em chuẩn bị đi làm. Khi đi ngang qua một vườn mía, mấy anh em khát nước vào bẻ mía ăn mà không xin phép. Chủ vườn mía chửi bới, cãi cọ, lời qua tiếng lại rồi đánh nhau.
Tôi ném một cục gạch, thằng bạn tát một cái, cậu còn lại đập chủ vườn mía một xẻng. Thấy chủ vườn mía nằm ngay đơ, bọn tôi đưa đi cấp cứu. Không ngờ anh ta chết, ba thằng tắm rửa rồi xuống công an xã đầu thú" - anh Cừ kể.
Bùi Văn Cừ bị xử án tù 5 năm. Hai người còn lại một người án 3 năm, một người án 10 năm.
"Lúc vào tù, có nhiều lúc tôi rất hận mình. Tôi cứ nghĩ giá mà hôm đó không uống rượu, giá mà mình vào xin cho tử tế, giá mà mình không nóng nảy...
Lúc đó tôi mới 22 tuổi. Gia đình khó khăn vô cùng. Gạo không đủ ăn. Tôi là lao động chính, đi làm kiếm gạo chạy ăn từng bữa cho cả nhà. Bố mẹ thì già. Vợ mọn con thơ.
Nghĩ mình là trụ cột, người ta cũng là trụ cột. Giờ mình vào tù, còn người ta chết. Vợ con người ta cũng khổ mà vợ con mình cũng khổ" - anh Cừ nói.
"Thời gian đầu vào tù tôi rất sợ. Cuộc đời mà mang tiếng tù tội như mất hết tất cả. Tôi thậm chí còn nghĩ mình không có ngày về. Sau được cán bộ, giám thị ở trại giam Chăm Mát (Hòa Bình) động viên, tôi cố gắng cải tạo tốt để được giảm án về sớm" - Cừ kể tiếp.
Tại trại giam, Cừ được bầu là trại viên xuất sắc. Anh được đặc xá đúng vào ngày 30-4-2000.
Cừ rất chịu khó. Cừ làm kinh tế rất giỏi, luôn luôn có nhiệt huyết với tập thể, vì thế rất được bà con nhân dân tín nhiệm
Bí thư chi bộ thôn Đồng Bưng BÙI DUY TIÊN
Gầy dựng từ con số không
Lúc Cừ đi tù, con anh mới 18 tháng tuổi. Khi anh về, con đã hơn 4 tuổi. Nhà anh giống như một túp lều. Trong thôn này, hoàn cảnh Cừ thuộc dạng khó khăn nhất. Hai đứa con, thằng lớn thì bình thường nhưng thằng thứ hai bị tật bẩm sinh, đến nay 12 tuổi rồi vẫn còn bế trên tay.
Hàng xóm nhiều người lạnh nhạt, ác cảm với kẻ tù tội như anh. Hơn một năm ra tù, Cừ không dám ra ngoài va chạm với xã hội, cứ quanh quẩn ở nhà, đi làm ruộng với vợ.
Sau đó, anh làm đủ nghề, từ vác gạch đến nấu rượu, cắt cỏ nuôi cá. Rồi làm bốc vác ở nhà máy thức ăn gia súc, thu nhập một tháng 800.000 đồng. Làm gần ba năm thấy vất vả quá, anh nghỉ.
Hội phụ nữ xã hỗ trợ cho vay 3 triệu đồng, vợ chồng anh xây chuồng nuôi heo, gầy dựng dần dần. Năm 2010, được ngân hàng cho vay 20 triệu đồng, vợ chồng anh mở quán bán cháo.
Mỗi ngày, quán cháo mang lại khoảng 300.000 đồng tiền lời, một tháng kiếm được 15 triệu đồng. Ở một vùng quê như thôn Đồng Bưng, thu nhập như vậy là mơ ước của nhiều người.
"Lúc mới về tôi vẫn còn nợ chồng chất. Hồi tôi đi tù, tiền án phí và bồi thường cho gia đình người ta chỉ có 7.750.000 đồng nhưng gia đình tôi cũng không có, phải vay. Đến năm 2010 vợ chồng tôi mới trả đủ cho gia đình người ta" - anh Cừ nói.
"Cừ rất chịu khó - bí thư chi bộ thôn Đồng Bưng là anh Bùi Duy Tiên cho hay - Cừ làm kinh tế rất giỏi, luôn luôn có nhiệt huyết với tập thể, vì thế rất được bà con nhân dân tín nhiệm. Thanh niên có máu mặt trong thôn xóm, chỉ cần Cừ nói một câu là nghe theo.
14 năm trước, khi đồng chí công an viên đã già xin nghỉ hưu, các ban ngành họp và đề xuất Cừ làm thay. Khi chúng tôi đặt vấn đề, Cừ tự ti, mặc cảm về quá khứ nên từ chối. Lúc đó cậu ấy mới ra tù được bốn năm.
Chúng tôi phải động viên, thuyết phục mấy lần Cừ mới đồng ý. Đến nay Cừ đã 14 năm là công an viên của xã. Trong quá trình hoạt động, Cừ được bằng khen của Công an tỉnh Hòa Bình".
Công an viên Bùi Văn Cừ làm việc với người dân thôn Đồng Bưng - Ảnh: MY LĂNG
Nhiệm vụ mới
"Lúc mới nhận nhiệm vụ tôi lo không biết mình có làm được hay không, liệu mình có khuyên bảo được người dân khi xuất thân của mình là người tù trở về? Cũng may địa bàn này khá ổn định, không phức tạp lắm, tệ nạn ít.
Xã có 15 thôn, các công an viên phân lịch ra trực. Một tháng mỗi công an viên trực hai ngày hai đêm. Tôi quản lý địa bàn, có gì phức tạp hoặc bà con mất mát gì thì mình nắm rồi báo cáo ban công an xã.
Vụ việc nào lớn, phức tạp phải điện cho ban công an xã lên hỗ trợ. Còn cái nào tự giải quyết được thì phải làm" - anh Cừ nói.
Anh Cừ cho biết những năm gần đây, mệt mỏi nhất là nạn trộm cắp, trong đó có nạn trộm chó. Anh đã tham gia bắt nhiều vụ trộm chó mà đối tượng là người từ địa phương khác đến, rất liều lĩnh và luôn mang vũ khí "nóng", sẵn sàng đâm chém để thoát thân.
"Gia đình mình con cái bệnh tật nên cứ bận như có con mọn. Công việc của xã thì cứ có việc là phải đi. Phải thu xếp để làm tốt việc tập thể, rồi việc gia đình. Giờ bà con trong thôn bầu mình làm công an viên vì uy tín, nên mình cố gắng đáp lại sự tin tưởng của mọi người cho xứng đáng.
Nhiều đêm đang ngủ hoặc chuẩn bị ngủ, ban công an xã có việc gọi thì phải đi làm. Không nhận việc thì thôi, đã nhận thì phải cố gắng hoàn thành", anh cho biết.
Nhịn để được việc
"Sai lầm lúc còn trẻ đã giúp tôi thay đổi tính cách rất nhiều - anh Cừ tâm sự - Sau này ra đời làm việc cho Nhà nước, va chạm xã hội cũng nhiều nhưng tôi cứ tâm niệm một điều nhịn chín điều lành, cho nên lúc nào cũng cố gắng kiềm chế, cười xuề xòa cho qua.
Có người say rượu chỉ tay vào mặt tôi bảo mày là thằng ở tù về, sao lại làm công an viên, mình vẫn cười. Cả xã này đều biết mình đi tù. Ở đây người ta hay uống rượu, mà rượu vào là nát, không giữ mồm giữ miệng.
Mình mà không nhịn, đánh mắng họ lại nên tội, lại khổ vợ khổ con. Vì thế, không nhịn được là hỏng hết việc".
_______
Kỳ tới: Tỉ phú thanh long
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận