06/07/2021 20:28 GMT+7

Rà soát phương án sơ tán dân đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 và thiên tai

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, đáng lưu ý nhất trong đợt thiên tai này là gió mạnh trên biển, ven biển, diễn biến mưa lớn, dông lốc trước và sau bão, áp thấp nhiệt đới ở ven biển Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh miền núi.

Rà soát phương án sơ tán dân đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 và thiên tai - Ảnh 1.

Vị trí và hướng di chuyển áp thấp nhiệt đới - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Chiều 6-7, tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn, ông Trần Hồng Thái - tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và môi trường) - chủ trì buổi thảo luận trực tuyến về dự báo áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, dông lốc, mưa lớn do bão.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13h ngày 6-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Nhiều khả năng bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Theo nhận định của các chuyên gia, đáng lưu ý trong đợt này là vấn đề gió mạnh trên biển, ven biển, diễn biến mưa lớn, dông lốc trước và sau bão, áp thấp nhiệt đới cho khu vực các tỉnh ven biển Đồng bằng Bắc Bộ và các miền núi như Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Yên Bái, Phú Thọ...

Ngoài tác động của bão, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ xuất hiện dông lốc mạnh, cần đặc biệt chú ý để phòng tránh trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp. Cần đặc biệt chủ động trong phòng chống giảm nhẹ thiệt hại.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết đã lập các nhóm kết nối dự báo bão áp thấp với các trung tâm khu vực như Nhật để thống nhất cảnh báo, dự báo áp thấp nhiệt đới, bão.

Ông Trần Hồng Thái yêu cầu toàn bộ mạng lưới dự báo, mạng lưới quan trắc, thông tin phải tiếp tục thực hiện phương án tác nghiệp trong tình huống dịch bệnh, đảm bảo tuyến đầu phòng chống thiên tai luôn 24/7 theo dõi giám sát chặt chẽ, thông tin kịp thời.

Đặc biệt đối với các hệ thống quan trắc tự động, hiện đại như rada hay hệ thống tự động khác cần thực hiện ngay các biện pháp dự phòng đảm bảo trang thiết bị phục vụ quan trắc, đảm bảo mua sắm, tu sửa thiết bị vật tư đảm bảo sự an toàn cho hệ thống quan trắc hiện đại phục vụ quan trắc cung cấp thông tin thông suốt cho dự báo, cảnh báo thiên tai.

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Đặc biệt triển khai ngay việc rà soát phương án sơ tán, di dân tập trung đảm bảo an toàn 2 mục tiêu phòng, chống thiên tai và dịch COVID-19 cho người dân, các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai tại khu vực ảnh hưởng của bão, mưa, lũ, sạt lở đất, lũ quét. Thời gian hoàn thành trước 16h ngày 7-7.

Hai áp thấp nhiệt đới đang hoạt động, một có thể thành bão hướng vào đất liền Hai áp thấp nhiệt đới đang hoạt động, một có thể thành bão hướng vào đất liền

TTO - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết hiện có hai áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và gần Biển Đông. Áp thấp trên Biển Đông có thể mạnh thành bão trong thời gian tới và hướng vào đất liền nước ta.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên