Phóng to |
Hạn chế thức uống có cồn sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn - Ảnh: T.T.D. |
Những nguyên nhân dẫn đến các cơn đau sau đây rất phổ biến và cách phòng tránh cũng rất đơn giản:
1/ Do dép mang hằng ngày.
Dép kẹp và dép lốp hay giày xăngđan với cấu trúc nâng đỡ kém khi đi nhiều có thể làm bạn đau bàn chân, mắt cá chân và đầu gối.
Giải pháp: Nếu công việc đòi hỏi đi nhiều, bạn nên lựa chọn giày thể thao.
2/ Điện thoại thông minh.
Một chiếc điện thoại cho phép bạn đánh văn bản, lướt web và chơi trò chơi có thể là nguyên nhân gây tổn thương ngón tay cái của bạn
Giải pháp: Khi ngón tay cái của bạn đau, nên ngừng nhắn tin và thay bằng các cuộc gọi trực tiếp. Nếu cơn đau vẫn tiếp tục, nên đến bác sĩ.
3/ Ví tiền của bạn.
Ví tiền của bạn khiến bạn đau ở lưng và mông, thậm chí dẫn đến đau như điện giật xuống chân. Nếu để ví trong túi quần sau, ngày qua ngày, có thể dẫn đến chèn ép và kích thích dây thần kinh tọa. Một chiếc ví căng phồng cũng có thể làm lệch nhẹ cột sống và gây căng cơ.
Giải pháp: Cất ví của bạn trước khi ngồi, đặc biệt khi lái xe.
4/ Tư thế lái xe hơi
Nhiều người đặt ghế ngồi khi lái xe ở góc độ sai. Nếu ghế ngả ra sau, bạn phải cong người về phía trước để bám chặt vào vôlăng. Điều này làm đầu và cổ không có điểm tựa và gây ra đau cổ.
Giải pháp: Đặt ghế ngồi ở tư thế đứng có hỗ trợ đầu và lưng dưới. Tay lái dễ dàng để trong tầm tay, lúc đó cánh tay bạn sẽ hơi uốn cong và thoải mái.
5/ Trò chơi hoạt động trên video
Trò chơi trên video mô phỏng các chuyển động của môn thể thao phổ biến có thể dẫn đến chấn thương thể thao như thật: bong gân, rách dây chằng và gãy xương.
Giải pháp: Cần phải khởi động kỹ trước khi bắt đầu chơi, không chơi lâu hơn một môn thể thao thật sự.
6/ Phô mai
Những người yêu phô mai cần lưu ý thức ăn ưa thích của bạn có thể là lý do cho bệnh đau đầu Tyramin, chất gây đau đầu có mặt trong nhiều loại phô mai, cũng được tìm thấy trong một số loại thịt chế biến và thức uống.
Giải pháp: Ghi nhật ký những thực phẩm khiến bạn đau đầu sau khi ăn, bạn sẽ biết những gì nên tránh.
7/ Hội chứng nghiện tivi
Ngay cả thời gian nằm nghỉ cũng có thể là nguồn gốc của đau nhức. Bạn có thường xuyên nằm trên chiếc ghế dài ngóc đầu về phía tivi? Nếu có, bạn đang tự làm đau cổ vai của mình, đặc biệt khi bạn ngủ luôn ở vị trí đó.
Giải pháp: Duy trì tư thế tốt ngay cả khi bạn đang thư giãn. Ngồi thẳng lưng trên chiếc ghế của bạn và chắc chắn rằng tivi của bạn không được đặt quá cao.
8/ Ẵm trẻ không đúng cách
Các hành động đơn giản như ẵm em bé ra khỏi nôi hay giường mỗi ngày có thể làm bạn bị đau do áp lực lặp đi lặp lại làm đau và sưng ở cổ tay và ngón tay cái.
Giải pháp: Học cách nâng bé mà không làm căng cổ tay: đặt tay dưới lưng và mông, nâng bé bằng các cơ lớn hơn của cánh tay.
9/ Máy tính xách tay
Nếu đeo máy tính xách tay một bên, có khả năng bạn đang làm căng một số phần của cơ thể. Nếu luôn ôm máy tính xách tay trên cẳng tay, bạn có thể gây ra bệnh khuỷu tay quần vợt. Nếu bạn đeo túi đựng máy tính trên một vai có thể góp phần làm đau lưng và đau vai.
Giải pháp: Thử đeo balô có thể giúp bạn cải thiện tình trạng này
10/ Kiểu tóc
Cột tóc chỏm kiểu đuôi ngựa có thể kích hoạt - hoặc làm nặng thêm - chứng đau đầu. Một số người bị chứng đau nửa đầu rất dễ bị đau nếu đội mũ, cài băngđô, búi hoặc thắt bím tóc quá chặt.
Giải pháp: Thả lỏng tóc và bỏ mũ.
11/ Mùi hương mạnh
Các bác sĩ không biết chắc chắn tại sao, nhưng mùi hương mạnh cũng là một nguyên nhân phổ biến của đau nửa đầu.
Giải pháp: Xác định các mùi làm cho bạn đau đầu và cố gắng tránh.
12/ Thói quen khi ngủ
Tư thế nằm sấp với xoay cổ qua một bên có thể làm cổ duỗi quá mức. Những người khác ngủ gác mặt trên cánh tay dẫn đến căng cơ vai.
Giải pháp: Tốt hơn là nằm ngửa hay nằm nghiêng với cánh tay để dưới mức vai. Nếu nằm nghiêng có thể đặt một cái gối giữa hai đầu gối để hỗ trợ thắt lưng. Nếu nằm ngửa có thể đặt một chiếc gối dưới cổ và mặt sau hai đầu gối.
13/ Thức uống
Khi nói đến đồ uống, rượu là vua của đau. Rượu vang đỏ, rượu whisky, bia và rượu sâm banh là những đồ uống thường bị buộc tội gây đau đầu theo mạch đập.
Giải pháp: Hạn chế những thức uống có cồn.
14/ Bỏ bữa
Bỏ qua các bữa ăn gây ra giảm lượng đường trong máu. Ở một số người điều này gây ra đau đầu dữ dội trước khi bạn nhận ra rằng mình đang đói.
Giải pháp: Chọn đồ ăn nhẹ kết hợp protein và ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như ăn bánh mì với bơ đậu phộng.
15/ Đau lưng do nâng đồ vật
Nguyên nhân hàng đầu gây đau lưng là tư thế sai khi nâng vật. Lỗi thường gặp là cong lưng về phía trước để lấy đồ vật, sau đó thẳng lưng khi bạn nâng.
Giải pháp: Để nâng đúng cách, bạn nên ngồi xổm. Giữ lưng thẳng. Lấy các vật và nâng cùng lúc với đứng thẳng dậy.
16/ Nơi làm việc
Một chiếc ghế đặt sai vị trí có thể làm người bạn đổ nặng về phía trước, làm căng cơ lưng và cổ. Một màn hình máy tính quá thấp hoặc quá cao cũng sẽ làm căng cơ cổ.
Giải pháp: Đặt màn hình ngang tầm mắt. Đặt vị trí ghế sao cho bạn luôn ngồi thẳng với bàn chân đặt trên sàn nhà. Sử dụng gối hỗ trợ thắt lưng nếu cần.
17/ Thay đổi thời tiết
Những thay đổi về thời tiết có thể gây đau đầu. Đặc biệt khi trời quá nóng, một số người có thể có nhiều khả năng bị đau nửa đầu và đau đầu nặng khác.
Giải pháp: Vì bạn không thể kiểm soát thời tiết, chỉ cần nhận thức được những thay đổi này sẽ làm bạn đau đầu. Bằng cách đó, bạn có thể sẵn sàng chấp nhận nó.
18/ Hội chứng chiến binh cuối tuần
Bạn sẽ là chiến binh cuối tuần nếu ít vận động trong tuần nhưng lại chơi thể thao và tập thể dục quá sức vào thứ bảy, chủ nhật. Sự hoạt động đột ngột dữ dội ở các cơ bắp không được chuẩn bị trước làm chúng dễ bị tổn thương.
Giải pháp: Trong tuần nên bỏ ra một vài phút tập luyên để các cơ bắp của bạn dễ thích nghi với các hoạt động cuối tuần của bạn.
19/ Quan hệ tình dục
Quan hệ tình dục có thể làm bạn tăng huyết áp và căng cơ ở đầu và cổ, gây ra đau đầu âm ỉ hay như búa bổ. Đàn ông bị ảnh hưởng nhiều hơn phụ nữ.
Giải pháp: Nếu cần, bạn nên đến bác sĩ kiểm tra rằng cơn đau đầu của bạn không phải là một dấu hiệu của một bệnh nặng hơn.
20/ Căng thẳng (stress)
Căng thẳng góp phần gây ra một loạt chứng đau nhức. Nhiều người bị co cứng các cơ bắp khi lo lắng, dẫn đến đau lưng kinh niên.
Giải pháp: Thực hành kỹ thuật thư giãn như thiền hoặc yoga.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ Đến bác sĩ ngay lập tức nếu bạn: - Đau ngực. - Đau đầu dữ dội và/hoặc cứng cổ. - Đau liên quan đến chấn thương. - Đau đi kèm với yếu hoặc tê một phần trên cơ thể. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận