Ông Dương Nghĩa Bang cho biết: Với mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư hằng năm, trước mỗi đợt xét, Hội đồng giáo sư nhà nước đều có công văn hướng dẫn, trong đó đề nghị hội đồng giáo sư các cấp đặc biệt lưu ý vấn đề liêm chính khoa học trong việc thẩm định các công trình khoa học của ứng viên.
Năm 2023, Hội đồng giáo sư nhà nước đã có công văn gửi các hội đồng giáo sư cơ sở, hội đồng giáo sư ngành, liên ngành, các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó nhấn mạnh:
"Xem xét về chuyên môn học thuật, tính liêm chính khoa học; thẩm định kỹ chất lượng tạp chí và chất lượng các công trình khoa học; lưu ý phát hiện, xem xét và đánh giá các công trình khoa học sử dụng hoặc có sự trợ giúp của các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tổ chức thảo luận và có kết luận đánh giá những công trình khoa học này".
Đặc biệt lưu ý tính liêm chính khoa học
* Hội đồng giáo sư nhà nước đã công bố "Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2023". Danh mục này hiện có tổng cộng bao nhiêu tạp chí và có được cập nhật thường xuyên không, thưa ông?
- Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm không có quy định chung cho tất cả các ngành mà được quy định theo từng ngành, liên ngành. Theo đó, số lượng các tạp chí cũng được quy định theo từng ngành, liên ngành.
Các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành rà soát, cập nhật và đề nghị Hội đồng giáo sư nhà nước xem xét, quyết định trước mỗi đợt xét hằng năm.
* Thực tế hiện nay, số tạp chí quốc tế kém chất lượng khá nhiều. Một số nước đưa tên các nhà xuất bản lớn như MDPI, Hindawi, Frontiers vào danh sách đen và không công nhận, tài trợ cho bài báo đăng trên các tạp chí thuộc ba nhà xuất bản trên. Trong khi đó hiện có không ít giáo sư, phó giáo sư công bố bài báo trên các tạp chí này. Hội đồng giáo sư nhà nước đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Việc nâng cao chất lượng trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là vấn đề đăng bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế thực sự có uy tín đòi hỏi cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ và cần có nguồn lực để thực hiện từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học là Bộ Giáo dục và Đào tạo đến các cơ sở giáo dục đại học và từng nhà khoa học.
Hằng năm, trước mỗi đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, Hội đồng giáo sư nhà nước đều có công văn hướng dẫn, trong đó đề nghị hội đồng giáo sư các cấp đặc biệt lưu ý "xem xét về chuyên môn học thuật, tính liêm chính khoa học; thẩm định kỹ chất lượng tạp chí và chất lượng các công trình khoa học".
Trong các đợt tập huấn về công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các ứng viên và thành viên hội đồng giáo sư các cấp, Văn phòng Hội đồng giáo sư nhà nước luôn lưu ý về một số danh mục các tạp chí quốc tế và nhà xuất bản quốc tế kém chất lượng để thành viên hội đồng giáo sư các cấp lưu ý khi thẩm định hồ sơ.
Ngoài ra chúng tôi còn truyền tải thông điệp đến các ứng viên cũng như các nhà khoa học xem xét lựa chọn kỹ các tạp chí, các nhà xuất bản khi công bố các công trình khoa học.
Rà soát tất cả hồ sơ ứng viên
* Trong đợt xét năm 2023, Hội đồng giáo sư nhà nước có rà soát kỹ hơn và loại các ứng viên có dấu hiệu mua bài báo quốc tế?
- Về các ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2023, thực hiện sự chỉ đạo của thường trực Hội đồng giáo sư nhà nước, Văn phòng Hội đồng giáo sư nhà nước đã tiến hành rà soát tất cả các hồ sơ ứng viên được các hội đồng giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm nay.
Kết quả rà soát được gửi đến các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành để tham khảo xem xét kỹ các hồ sơ ứng viên có bài báo đăng trên các tạp chí săn mồi, các tạp chí kém chất lượng, đặc biệt là những hồ sơ ứng viên có dấu hiệu mua bài báo quốc tế.
* Với một tạp chí hoạt động như một tạp chí săn mồi là Res Militaris, tại sao hàng loạt ứng viên vô tư ghi vào hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư? Các ứng viên chuyên ngành lý luận văn học, triết học, kế toán... lại đăng bài trên tạp chí quân sự và nhiều người trong số đó đã qua vòng xét của hội đồng giáo sư cơ sở. Việc này có bất thường?
- Trên website của Scopus là scopus.com có ghi rõ lĩnh vực đăng tải của tạp chí Res Militaris là: khoa học chính trị và quan hệ quốc tế; khoa học xã hội (đa chuyên ngành); xã hội học và khoa học chính trị; nghiên cứu về an toàn. Việc công bố kết quả nghiên cứu của mình trên các tạp chí là quyền của nhà khoa học.
Trong trường hợp nhà khoa học sử dụng kết quả nghiên cứu trong hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư thì hội đồng giáo sư các cấp thẩm định kỹ và có kết luận cụ thể với từng trường hợp.
* Tuy nhiên, giới khoa học trong và ngoài nước cho rằng Res Militaris là tạp chí quốc tế dỏm. Vậy ứng viên có bài báo đăng trên tạp chí này có được tính điểm?
- Quyết định ngày 5-7 về phê duyệt "Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2023" của Hội đồng giáo sư nhà nước không có quy định chung cho tất cả các hội đồng ngành, liên ngành, mà được phân định theo 28 ngành, liên ngành. Đối với các tạp chí khoa học quốc tế, Hội đồng giáo sư nhà nước chỉ quy định theo danh mục (ISI, Scopus, PubMed...), chứ không cụ thể đến từng tạp chí do số lượng các tạp chí quốc tế là rất lớn.
Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg ngày 31-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định: "Một bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (là những tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc danh mục trong Web of Science (ISI), danh mục Scopus hoặc danh mục tạp chí quốc tế khác do Hội đồng giáo sư nhà nước quyết định) được tính tối đa đến 2,0 điểm".
Như vậy, đối với ngành, liên ngành cụ thể, nếu ứng viên có bài đăng trong khoảng thời gian mà tạp chí Res Militaris vẫn nằm trong danh mục Scopus thì sẽ được xem xét chấm từ 0 - 2,0 điểm (chất lượng bài báo do hội đồng giáo sư cơ sở, hội đồng giáo sư ngành, liên ngành thẩm định và quyết định trong quá trình xét).
Với nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng giáo sư ngành, liên ngành là bộ phận chuyên môn của Hội đồng giáo sư nhà nước, các hội đồng đó xác định năng lực chuyên môn, kết quả nghiên cứu, định hướng nghiên cứu của ứng viên theo từng chuyên ngành; giúp Hội đồng giáo sư nhà nước xác định năng lực chuyên môn, kết quả nghiên cứu, định hướng nghiên cứu của ứng viên theo từng chuyên ngành.
Theo đó, trong quá trình xét các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành sẽ thẩm định, đánh giá chất lượng công trình khoa học, chất lượng các tạp chí mà ứng viên công bố.
Xử lý sao nếu có khiếu nại, tố cáo?
* Hiện đã có quy định về thủ tục hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Hội đồng giáo sư nhà nước có xem xét rút lại học hàm của những người liên quan đến các lùm xùm trong công bố quốc tế?
- Theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư thuộc thẩm quyền của thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học. Cụ thể, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào nhu cầu bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục đại học, ra quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, sau đó báo cáo lên thủ trưởng cơ quan chủ quản cơ sở đào tạo và bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ ý kiến của hội đồng khoa học của cơ sở giáo dục đại học ra quyết định miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động với người đã có quyết định miễn nhiệm, báo cáo thủ trưởng cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo và bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo đối với những người có liên quan đến các lùm xùm trong công bố quốc tế tại thời điểm xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư thì Hội đồng giáo sư nhà nước sẽ chỉ đạo các bộ phận chức năng có liên quan phối hợp thực hiện với các đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận