Những năm gần đây, "điệp khúc" lập lại trật tự, "đòi" lại vỉa hè cho người đi bộ được các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM liên tục lặp lại.
Hàng loạt chiến dịch, các đợt ra quân rầm rộ để hiện thực hóa mục tiêu trên, tuy nhiên kết quả cuối cùng đều thất bại. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Tại sao các đợt ra quân đòi lại vỉa hè tại các TP lớn đều không có hiệu quả như kỳ vọng?
Ra quân rầm rộ rồi “đâu lại vào đấy”
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 25-2, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đánh giá việc hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM ban hành các văn bản quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè là "rất cần thiết".
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra việc các địa phương lúc ra quân thì "rất rầm rộ, làm rất tốt", nhưng sau một thời gian thì "đâu lại vào đấy".
"Đơn cử như ở TP.HCM, thời điểm ông Đoàn Ngọc Hải còn làm phó chủ tịch quận 1, ra quân rất rầm rộ, đập hết các công trình, lối lên chiếm dụng vỉa hè...
Nhưng tới thời điểm hiện tại thì tình hình không cải thiện được nhiều, tôi cho rằng đây là đầu voi, đuôi chuột, tạo tiền lệ không tốt" - ông Hòa nói.
Vừa qua, TP Hà Nội lại quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè nhằm xứng đáng là một đô thị đặc biệt của Việt Nam khiến ông Hòa rất "kỳ vọng, tin tưởng". Nhưng ông cũng lo ngại việc thiếu sát sao, nghiêm minh trong quá trình thực hiện sẽ xảy ra tình trạng "trên bảo, dưới không nghe".
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa
Trước tiên, nên nâng cao nhận thức của người dân, nếu không chấp hành có thể xử phạt hành chính. Tuy nhiên, trong quá trình xử phạt thì nên nêu gương của những người đứng đầu chính quyền địa phương và phải xử lý nghiêm người đứng đầu nếu xảy ra tình trạng vỉa hè vẫn còn bát nháo. Như vậy mới nghiêm minh.
Vì sao thất bại?
Về nguyên nhân thất bại của những lần ra quân "lấy lại vỉa hè", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng có ba nguyên nhân chính, trong đó có sự thiếu quyết tâm của chính quyền; sự thiếu chấp hành của người dân và thiếu tính toán trong vấn đề an sinh xã hội khi người dân không còn được buôn bán ở vỉa hè.
"Chưa có giải pháp cụ thể để tính toán công ăn việc làm cho người dân, nên họ vẫn ầu ơ ví dầu và sau đó vẫn như cũ. Nếu có sự quyết tâm cao, chỉ đạo nghiêm túc thì vỉa hè của Hà Nội sẽ lại vào nề nếp. Hà Nội đã có nhiều lần muốn lập lại trật tự vỉa hè nhưng không thay đổi được cục diện" - ông Hòa nói.
Cùng quan điểm, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng thời gian qua, cơ quan chức năng một số địa phương làm chưa tốt việc lập lại trật tự vỉa hè, trước hết là do việc thiếu giám sát, xử lý thường xuyên.
Một nguyên nhân khác là kinh tế vỉa hè, là vấn đề rất cần quan tâm ở các đô thị hiện nay nhưng quá trình lập lại trật tự vỉa hè chưa giải quyết được vấn đề này.
Phải giải quyết được an sinh xã hội
Ông Nghiêm cho rằng Hà Nội và TP.HCM cần phải có nghiên cứu để đưa ra những cơ chế, chính sách hợp lý hơn khi lập lại trật tự vỉa hè.
Tính chất của vỉa hè phải xác định dành cho người đi bộ và là không gian chuyển tiếp giữa đường giao thông và các công trình nhà ở, chung cư, các công trình công cộng.
Nhưng do lịch sử phát triển nên các vỉa hè ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP.HCM có sự biến động rất lớn về mặt quy mô. Có những vỉa hè rộng 5-7m, có những vỉa hè chỉ 1m.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm
Cần phải có sự kiểm kê phân loại vỉa hè để đưa ra các chính sách cụ thể. Việc này có làm nhưng chưa thực sự khoa học và sâu sắc. Để việc ra quân và đi vào cuộc sống thì cần có kiểm đếm, xác định rõ đặc thù của từng loại vỉa hè để có cơ chế, chính sách hợp lý. Việc này hiện chưa được triển khai mạnh mẽ.
Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ vỉa hè thì kinh tế vỉa hè hiện nay đang là vấn đề "nóng". Ngoài việc quản lý nghiêm để phục vụ mục tiêu chung thì cũng phải tính đến việc "dành những vỉa hè của các tuyến phố nhất định để cho phát triển kinh tế đô thị.
Ngoài ra, lập lại trật tự vỉa hè cần xác định vai trò của nhân dân trong quản lý vỉa hè, phải được xem xét đúng mức và phải nâng tầm. Cần xem xét, đề xuất chính sách cho hợp lý hơn để xác định vai trò của cộng đồng dân cư, từng hộ gia đình tiếp cận vỉa hè.
"Việc này cần phải làm. Phải giải quyết vấn đề từ gốc, sau đó mới đi đến quy định cụ thể. Giờ ra quân được một thời gian đâu lại vào đấy là không được" - ông Nghiêm nói thêm.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa thì bày tỏ mong muốn chính quyền phải tính toán kỹ việc đoạn vỉa hè người dân được sử dụng, sử dụng bao nhiêu mét và phải sử dụng như thế nào để đảm bảo trật tự, mỹ quan, chứ không nên "cực đoan, răm rắp":
"Chỗ nào mình cũng dẹp hết, không để cho bà con làm nơi sinh nhai thì rất khó. Có những gánh hàng vỉa hè nuôi sống cả gia đình, và đó là nồi cơm của người dân, cho nên việc tổ chức thực hiện không nên quá cực đoan, phải quy định rõ.
Nếu được sử dụng vỉa hè thì tôi nghĩ phải thông qua đấu giá, không phải vì quen biết, tư lợi của cá nhân, tổ chức mà không đúng quy định là không thể chấp nhận. Nếu nơi nào không qua đấu giá thì nơi đó phải chịu trách nhiệm, như vậy thì kỷ cương vỉa hè mới được thực hiện tốt, tôi kỳ vọng lãnh đạo TP Hà Nội kỳ này sẽ có sự quyết tâm đó".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận