29/07/2005 11:37 GMT+7

Ra ở riêng

Theo TVTD
Theo TVTD

"Có nhà không ở, điên hay sao mà phải đi thuê nhà?"; "Xểnh nhà ra thất nghiệp"; "không an cư làm sao lập được nghiệp?"; "Lại còn trò gì nữa đây"... Đấy là những câu hỏi câu cảm thán... luôn được đặt ra khi một ai đó bỗng dưng nảy ra ý định thuê nhà để ở.

BKCNcD91.jpgPhóng to
"Có nhà không ở, điên hay sao mà phải đi thuê nhà?"; "Xểnh nhà ra thất nghiệp"; "không an cư làm sao lập được nghiệp?"; "Lại còn trò gì nữa đây"... Đấy là những câu hỏi câu cảm thán... luôn được đặt ra khi một ai đó bỗng dưng nảy ra ý định thuê nhà để ở.

Nói bỗng dưng là những nhân vật trong bài viết này không có nhu cầu thiết thân là phải thuê nhà để ở. Họ "ra ở riêng" chỉ đơn giản là vì "thích" vì "thấy cần phải thay đổi", vì muốn "sống tự lập", muốn khẳng định mình đã tự chủ.

1001 lý do...

Tuấn Linh 18 tuổi, sinh viên năm 1 - ĐH Xây Dựng, chơi trống trong một ban nhạc "rock học trò". Cậu có cái vẻ "trẻ con" của tuổi, lại có cái "bốc đồng" già trước tuổi của những "tay chơi rock". Bố là tiến sĩ sinh học. Mẹ là hiệu trưởng trường cấp 2. Nhà ở ngoại ô, đủ rộng để có vườn, có ao, nhưng vẫn không ai chịu nổi cái sự "xủng xiểng" suốt ngày của cậu con quý trong nhà.

Thêm vào đó là những xung đột thế hệ theo kiểu "chúng mày chơi cái thứ nhạc quỷ quái gì mà nghe cứ như nồi xoong, bát đĩa choảng nhau thế?", hay là "ăn với chả mặc, tóc với chả tai, cứ như ăn cướp cả lũ thế à?", rồi lại "có bớt bớt đi không, để cho bố mẹ còn làm việc, nghiên cứu với chứ! Không tao lại đập hết cả dàn trống đi bây giờ..." Những câu nói đầy tính "động chạm tự ái" Nhất là những buổi hiếm hoi cậu ôm trống đi biểu diễn về khuya (ai đã chơi nhạc thì cũng biết những buổi biểu diễn ấy quý giá như thế nào".

"Không thể chịu được" là kết luận cuối cùng sau một cơn bốc đồng của cậu chàng. Và thế là cả người cả trống cùng "ra ở riêng" ở một cái nhà kho... cũ. Cũng là một công đôi việc. Tuấn Linh vừa có một chỗ để tha hồ mà sống, mà tiếp tục công việc của một sinh viên gương mẫu, mà thể hiện những ý tưởng trong công việc sáng tác cả tranh lẫn nhạc.

Ban nhạc lại có một chỗ để "tụ", để "tập" để "chơi". Bố mẹ vẫn chu cấp tiền nhà, tiền ăn, tiền học. Còn các khoản khác cậu chàng tự bươn chải để lo. Đến bây giờ vẫn "lo được" nhưng cái chỗ cậu ở nó cũng không được "tử tế" và luôn bừa bộn theo đúng kiểu sinh viên "bụi". Nhưng trên hết là đựơc "tự do như con cò", không ảnh hưởng đến ai và cũng chẳng ai làm ảnh hưởng đến mình.

Nhật Anh và Nguyệt Anh lại ở trong môt tình huống khác. Hai chị em này lại có bố mẹ hết sức "tiến bộ". 17 tuổi bố đi học ở Nga, 17 tuổi mẹ cũng đi học ở Đức. Cuộc sống tự lập quá sớm ở tận trời Tây xa lạ đã khiến "ông bà cụ" thấu hiểu hết ý nghĩa của từ "tự lập" và thế là cũng hướng cho con cái "tự lập" từ rất sớm. Không can thiệp vào bất kỳ quyết định nào trong cuộc sống của con, chỉ đưa ra những ý kiến mang tính định hướng. Căn hộ tập thể quá nhỏ bé, chính hai ông bà "thôi thúc" hai chị em "ra ở riêng" cho "nên người".

Được chu cấp 3 tháng đầu tiền thuê nhà, hai chị em bắt tay vào vật lộn để chứng tỏ mình đủ "tự chủ" trong cuộc sống hiện đại. Cô chị ban ngày đi làm, ban đêm đi học thêm. Cậu em thì ban ngày đi học, ban đêm đi làm thêm. Cuối tuần về đoàn tụ với "hai cụ" ăn vài "bữa cơm thân mật". Chị Nguyệt Anh đi làm, lương vừa đủ để trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại. Tiền làm thêm cũng đủ tiền ăn và một vài khoản linh tinh khác. Cậu em Nhật Anh cũng học năm 3 đại học, tiền làm thêm cũng đủ trả tiền học và "tình phí".

Nhất quyết tiền của bố mẹ thì cứ để đấy mà "dưỡng già". Tất nhiên là đến khi cô chị đi lấy chồng thì mọi chuyện sẽ khác đi nhưng cậu em vẫn "hạ quyết tâm" bao giờ kiếm đủ tiền đi ở riêng thì mới thôi kiếp "ở trọ". Từ ngày ra ở riêng, cuộc sống có vất vả hơn nhưng cũng thấy mình khôn hơn rất nhiều. Không thoát ra khỏi sự bao bọc của bố mẹ thì không thể "lớn" được, cả hai chị em cùng đồng tình như vậy.

Câu chuyện thứ 3, lại là một tình huống hoàn toàn khác nữa. Huy Hoàng là một thanh niên thành đạt, học ngoại thương, ra trường làm liên doanh, lương đựơc trả bằng đô, đã có thể "tự thưởng" cho mình một căn nhà bé bé, tiện nghi nếu không muốn ở cùng bố mẹ trong ngôi biệt thự mà trước sau gì cũng dành cho cậu con "độc đinh". Nhưng anh chàng theo chủ nghĩa "xê dịch" lại nhất quyết ở nhà thuê cho "thoải mái". Chán chỗ này thì lại chuyển chỗ khác.

Lúc thì thuê chung cư cao cấp, lúc thì thuê nhà riêng, chẳng cái nào dưới 5 triệu tiền thuê một tháng, nhiều hợp đồng thuê nhà cũng được tính bằng đô luôn và yêu cầu đầu tiên bao giờ cũng phải là tiện nghi. "Tất nhiên là rồi cũng đến lúc cũng phải dừng chân, nhưng ngày đó có vẻ còn xa... lắm". Mỗi lần thay đổi không gian sống lại được "khám phá chính mình" ở những góc độ khác nhau. Đối với Hoàng sống ở một không gian quá ổn định dễ làm cho người ta "nhụt chí", mà cuộc sống thì luôn thay đổi từng giờ, từng giờ...

Lối sống "hết mình"

3 câu chuyện chỉ là những ví dụ về những người trẻ có nhu cầu "tự lập", "tự khẳng định mình". Và họ quan niệm rằng" cuộc sống tách khỏi với gia đình là tự lập. Việc thuê nhà ra ở riêng cho họ một cảm giác về cuộc sống hiện đại, và có vẻ hợp với thời cuộc. Họ muốn phá bỏ những lối mòn. Điều quan trọng ở đây là với một cuộc sống tự bươn chải, tự mình quyết định mọi việc, dám nghĩ, dám làm, được xem như lời khẳng định sự trưởng thành và bản lĩnh. Điều này cũng tốt! Cuộc sống đó sẽ giúp họ trưởng thành qua từng ngày.

Nhưng xét trên một khía cạnh khác, đây cũng có thể xem như một sự nông nổi và thiếu thực tế. Cuộc sống tự lực sẽ là một con dao hai lưỡi khi kèm theo nó là một lối sống mới đầy thách thức và hiểm hoạ. Cả 3 câu chuyện đều chưa đến hồi kết. Khi đã có một cuộc sống riêng, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về bản thân và đương đầu với những vấn đề mà mình gặp phải.

Thiếu kinh nghiệm sống và sự nông nổi luôn là trở ngại lớn cho lớp trẻ trên con đường tự khẳng định mình. Những thất bại đầu đời là điều đương nhiên sẽ đến. Với những ai có bản lĩnh thật sự, họ sẽ vượt qua. Nhưng sẽ có những người thất bại, không có gia đình bên cạnh để giúp đỡ và chia sẻ họ sẽ quỵ xuống.

Thực tế hiện nay, trong số những người trẻ tuổi ra ở riêng như vậy, có rất ít người mang cho mình đủ hành trang để bước vào đời (khả năng, bản lĩnh và có khi là cả những ước mơ hoài bão lớn), mà rất nhiều, trong số đó là những người có khúc mắc và mất mãn trong sự gò bó với gia đình hay "những cậu ấm, cô chiêu" muốn tạo cho mình một phong cách sống riêng, nói ngắn gọn nhất là lối sống "tự do". Nhưng đó chỉ là những lời lẽ văn hoa, che dấu một bản chất của lối sống hưởng thụ.

Họ tự quyết định đưa cuộc sống của mình đến đâu, nhưng đó không phải là cuộc sống thực thụ tự chủ theo đúng bản chất. Họ vẫn lệ thuộc tài chính vào gia đình. Và khi cuộc sống đã trở nên khó khăn, thất bại và sự mất mãn sẽ đẩy họ đến nhiều tệ nạn xã hội.

Giới trẻ hoàn toàn có thể có một cuộc sống đầy đủ tự tin ngay trong gia đình họ. Vấn đề ở chỗ, họ có đủ trưởng thành và tạo dựng được niềm tin từ phía cha mẹ họ hay không mà thôi.

Theo TVTD
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên