20/05/2016 15:01 GMT+7

Ra mắt Trung tâm học liệu số

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Cùng với sự phát triển của Internet, học liệu số đã trở thành một phần không thể thiếu trong giáo dục nói chung và đào tạo, nghiên cứu ở bậc đại học nói riêng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm sáng 20-5 diễn ra tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Trần Huỳnh
Toàn cảnh buổi tọa đàm sáng 20-5 diễn ra tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Trần Huỳnh

Nhiều chuyên gia đã nhận định như vậy tại buổi tọa đàm “Vai trò của học liệu số trong đào tạo và nghiên cứu ở đại học hiện nay” và ra mắt Trung tâm học liệu số: epaper.edu.vn do Nhà xuất bản (NXB) ĐHQG TP.HCM và tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ (thuộc ĐHQG TP.HCM) phối hợp tổ chức sáng 20-5.

Dịp này, Trung tâm học liệu số cũng đã chính thức ra mắt. Trung tâm là một trang mạng cung ứng các tài liệu đã được các cơ quan tạp chí khoa học, NXB ĐHQG TP.HCM xuất bản bằng giấy được số hóa nhằm mang đến cho người dùng những tài liệu khoa học, đảm bảo các tiêu chí trích dẫn trong việc nghiên cứu và công bố khoa học.

Mục tiêu của trung tâm sẽ số hóa khoảng 500.000 file tài liệu khoa học, sách có giá trị của thế giới trong 20 năm.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, phó giám đốc NXB ĐHQG TP.HCM, để khởi động dự án Trung tâm học liệu số, NXB ĐHQG TP đã thăm dò bạn đọc để nhận diện xu hướng tìm kiếm, tiếp cận nguồn tài liệu trong giới học thuật.

Theo đó, trong 100 người được hỏi, có 84% cho biết thường tìm kiếm tài liệu từ Internet. Các loại tài liệu được tìm kiếm phổ biến nhất là sách chuyên khảo, giáo trình, tạp chí khoa học và sách kỷ yếu hội nghị. Các nguồn tìm kiếm tài liệu phổ biến nhất là: các trang web khoa học chính thức của trường, khoa, viện nghiên cứu (chiếm 79%) và trang chia sẻ tài liệu miễn phí của cộng đồng (chiếm 78%). Bên cạnh đó, các trang web cung cấp tài liệu có tính phí cũng là một kênh được quan tâm (chiếm 30%).

“Trong chiến lược phát triển của NXB, chúng tôi hình thành Trung tâm học liệu số (epaper.edu.vn) với hình thức xuất bản các ấn phẩm khoa học dưới dạng sách và tư liệu điện tử. Đây là cầu nối giữa các nhà khoa học, các tạp chí khoa học với người đọc trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, giảng viên và sinh viên các trường đại học sẽ tiếp cận kho học liệu phong phú, với chi phí tiết kiệm”, ông Lộc cho biết.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên