02/11/2012 03:17 GMT+7

Ra mắt sách và khai mạc triển lãm Tôn Đức Lượng - Ký họa lịch sử

(H.HẠNH)
(H.HẠNH)

TT - Từ ngày 1 đến 5-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) diễn ra triển lãm tranh của họa sĩ Tôn Ðức Lượng, mượn từ bộ sưu tập của nhà sưu tập người Thái Lan Tira Vanichtheeranont, với hơn 200 ký họa thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ðồng thời, dịp này NXB Mỹ Thuật cũng cho ra mắt quyển sách Tôn Ðức Lượng - Ký họa lịch sử do nhà phê bình Phan Cẩm Thượng biên soạn.

5BydpwLc.jpgPhóng to
Ký họa Giao ca của Tôn Đức Lượng

Tôn Ðức Lượng là một họa sĩ ký họa thuần túy, dành trọn tuổi thanh xuân cho những chuyến đi xông vào thực tế và bom đạn. Ông theo kháng chiến công tác và sáng tác, từ ký họa đến “trực họa” - sáng tác trực tiếp, “tại trận” như lời nhà phê bình Nguyễn Quân nhận xét: “Tác giả hi sinh cá tính sáng tạo, khiêm tốn lùi về phía sau làm một thư ký của thời đại”. Tiến sĩ Nora A.Taylor, giáo sư Alsdorf về lịch sử mỹ thuật Ðông Nam Á (Học viện Nghệ thuật Chicago) khẳng định: “Bộ sưu tập các bức vẽ ký họa đã làm cuốn sách này thêm giá trị bởi những gì chúng dạy cho ta về lịch sử cũng như ý nghĩa về mặt hiện vật lịch sử mỹ thuật”.

Long Cương văn tập

kJSwPzSn.jpgPhóng to
Sách do Trung tâm Đông Tây và NXB Lao Động ấn hành - Ảnh: L.Điền

Tập sách bao gồm các bài văn của cụ Cao Xuân Dục - Ðông các đại học sĩ dưới triều Nguyễn (1843-1923) - vừa được xuất bản với bản tuyển dịch của Nguyễn Văn Nguyên. Nguyên bản sách bằng chữ Hán, chép tay, hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tên đầy đủ là Long Cương Kinh để hành dư văn tập.

Sách gồm các nội dung: các bài biểu văn chúc mừng của quần thần nhân dịp đại lễ như tấn tôn hoàng đế Duy Tân; tấu nghị xin đặt lệ cấp áo mũ cho các phó bảng tân khoa, xin thay đổi phép học và phép thi; thư công văn trả lời quan khâm sứ trú Kinh về vấn đề quân chủ, về phép học phép thi ở Nam Bắc kỳ và Cao Miên...

Ðặc biệt có bức “Thư soạn thay cho tôn nhân, đình thần xin lập quân chủ”, gửi đến viên khâm sứ Lévêque vừa thể hiện khí độ đối đáp theo thể thức ngoại giao, vừa là văn bản phản ánh được bối cảnh triều đình Huế đương thời...

Vì là tuyển dịch nên tập sách thiếu hẳn phần thơ quốc âm, do cụ Cao Xuân Dục xướng họa với bạn bè. Dù sao, đây cũng là tấm lòng đáng trân trọng của hậu thế hướng về bậc đại thần danh sĩ một thời nhân dịp sắp kỷ niệm 170 năm ngày sinh của ông.

(H.HẠNH)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên