Nhà báo, họa sĩ, đại tá Phạm Thanh Tâm với quyển sách - Ảnh: Nguyễn Lộc |
Sinh năm 1933, tham gia bộ đội từ năm 1950, đã trải qua những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ với tư cách là ký giả kiêm họa sĩ chiến trường, Phạm Thanh Tâm đã có điều kiện thu thập được những tư liệu sống hết sức sinh động từ các cuộc chiến. Từ những chất liệu đó, ông đã cho ra đời khá nhiều quyển sách có giá trị như: Ngày ấy Ðiện Biên (tập truyện), Nụ cười bộ đội (tranh vui), Nhật ký Ðiện Biên (được dịch sang tiếng Pháp, Anh), Kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến dịch đường 9 Khe Sanh...
Với quyển Trang sử vàng Ðiện Biên Phủ, đây là lần đầu tiên ông tập hợp các tác phẩm ký họa, tranh... như là câu chuyện kể dành riêng cho trận chiến mà ông từng tham gia, từng sống chết và từng đau đáu với những ký ức oai hùng, bi tráng của một thời tuổi trẻ. Tác giả đã ngoài 80 tuổi tâm sự: “Những tác phẩm tôi thể hiện trong quyển sách chủ yếu theo khuynh hướng hiện thực. Thời chiến tranh, tôi chỉ nghĩ giản dị mình là người chứng kiến lịch sử, tôi ký họa và nắm bắt lại những khoảnh khắc chân thật của lịch sử chứ cũng không chú ý đến trường phái nghệ thuật này, trường phái nghệ thuật nọ”.
Ông Richard di San Marzano - thiết kế mỹ thuật cho quyển sách - bày tỏ: “Tôi và khá nhiều bạn bè nước ngoài biết đến Ðiện Biên Phủ qua tác phẩm Vẽ dưới hầm đạn lửa của họa sĩ, nhà báo Phạm Thanh Tâm. Vì là người tận mắt chứng kiến những sự kiện lịch sử nên tác phẩm của Phạm Thanh Tâm mang giá trị lớn, như một câu chuyện kể. Tác phẩm của ông thể hiện cái đẹp mỹ thuật rất lạc quan, tạo cái nhìn mới về cuộc chiến không chỉ có đau thương và bi lụy”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận