29/04/2014 14:49 GMT+7

Ra mắt sách Lịch sử Đảng bộ TP.HCM 1930-1975

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Buổi lễ ra mắt sách Lịch sử Đảng bộ TP.HCM 1930-1975 vừa diễn ra tại hội trường thành phố sáng 29-4, đánh dấu hoàn tất công trình quan trọng về lịch sử Đảng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM sau hơn 20 năm biên soạn.

rmTNlVsM.jpgPhóng to
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (phải) tặng sách Lịch sử Đảng bộ TP.HCM 1930-1975 cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Ảnh: L.Điền
QIbl495j.jpgPhóng to
Sách Lịch sử Đảng bộ TP.HCM 1930-1975 vừa ra mắt và phát hành trên cả nước - Ảnh: L.Điền

Ý tưởng biên soạn bộ Lịch sử Đảng bộthành phố vốn được đề cập từ nhiệm kỳ 1990-1995 của Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM. Đến ngày 19-8-1991, Ban Thường vụ Thành ủy khóa V đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Ban biên soạn để thực hiện công trình biên soạn Lịch sử Đảng bộ thành phố.

Ban chỉ đạo gồm 6 người do ông Võ Trần Chí - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy - làm trưởng ban; Ban biên soạn gồm 10 người do ông Trần Trọng Tân - ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy - làm chủ biên; cùng với nhiều người đã từng sống, chiến đấu tại thành phố này.

Kết quả là hai tập sơ thảo Lịch sửĐảng bộ TP.HCM do NXB TP.HCM ấn hành năm 1995 và năm 2000.

Trên cơ sở hai tập sơ thảo này, năm 2005, Ban Thường vụ Thành ủy (khóa VII) ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo và biên soạn Lịch sử Đảng bộ TP.HCM(1930-1975) gồm 6 người do ông Võ Trần Chí - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy - làm trưởng ban; ông Trần Trọng Tân - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó bí thư Thành ủy, nguyên trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương - làm chủ biên.

Buổi lễ có sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, với sự chủ trì của Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải. Nhiều cán bộ lão thành, nhân sĩ trí thức và thanh niên thành phố cũng có mặt để chia sẻ hành trình biên soạn tập sách khái quát toàn bộ hoạt động, các chặng đường của Đảng tại mảnh đất này từ 1930-1975.

Ban biên soạn lần này đã phải sưu tầm, đọc, nghiên cứu, ghi chép, đối chiếu hàng chục ngàn trang tài liệu, tham khảo nhiều ý kiến khác nhau, kể cả tài liệu được giải mật của đối phương hoặc những ý kiến trái chiều để có cơ sở đánh giá nhận định, khẳng định hay phủ định một vấn đề, một sự kiện hay một nhân vật nào đó.

Ban biên soạn cũng rà soát, xác minh, chỉnh sửa, bổ sung nhiều số liệu, sự kiện. Tất cả những số liệu, sự kiện này đều được cân nhắc thận trọng, có dẫn chứng cụ thể về độ tin cậy của nguồn tư liệu. Đến nay, công trình đã hoàn thành, quy mô lên đến 992 trang, được NXB Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật ấn hành.

Lịch sử Đảng tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM trong suốt 45 năm kể từ khi Đảng ra đời có rất nhiều sự kiện, nhân vật, các diễn biến theo nhiều chiều nhiều hướng quan hệ trong nhiều tầng lớp nhân dân và các thế hệ lãnh đạo. Do đó, việc chấp bút thuật lại lịch sử trong giai đoạn hào hùng, gian khó nhưng tầm vóc rất quan trọng ấy đòi hỏi đội ngũ biên soạn phải làm việc với thao tác khoa học và nhiệt tình rất lớn để xử lý khối lượng công việc đồ sộ. Chỉ riêng một đặc thù hoạt động của Đảng thời chiến tranh phải tuân thủ quy định giữ bí mật đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc sưu tầm, khảo chứng và sử dụng tư liệu thành văn của Đảng cho việc biên soạn công trình này.

Trong nhiều nội dung, sự kiện, tập sách đã nhận được sự góp ý của các đồng chí từng lãnh đạo Đảng, lãnh đạo phong trào cách mạng tại thành phố này: Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Khải (Ba Ka), Trần Bạch Đằng.

Tại lễ ra mắt, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã thay mặt Đảng bộ thành phố tặng tập sách Lịch sử Đảng bộ TP.HCM 1930 - 1975 cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tặng sách cho các vị lão thành cách mạng và cho các đội viên, đoàn viên, thanh niên, công dân tiêu biểu của TP.HCM như một lời nhắn gửi các thế hệ sau tiếp tục hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, viết tiếp các trang sử vẻ vang của Đảng như các thế hệ trước đã thực hiện.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên