Dịch giả Nguyễn Thành Nhân (giữa) cùng nhà văn Nhật Chiêu (bìa phải) chia sẻ cảm nhận từ phía người dịch về chất văn của Thomas Hardy trong buổi gặp gỡ tại đường sách TP.HCM ngày 31-3 - Ảnh: L.Điền
Tác phẩm tiêu biểu của hai tác giả "khủng"
Trở lại cố hương của Thomas Hardy (1840 - 1928) và Căn phòng của Jacob của Virginia Woolf (1882 - 1941) đều là những tác phẩm tiêu biểu trong văn nghiệp của cả hai. Nguyễn Thành Nhân đánh giá, Virginia Woolf là một tác giả lớn, nhưng trước đây chỉ có bản dịch của Trịnh Y Thư chuyển ngữ một tác phẩm của bà (quyển Căn phòng riêng).
Do vậy, từ khi bước chân vào con đường dịch văn học tiếng Anh, Nguyễn Thành Nhân đã dịch bốn tác phẩm khác của Virginia Woolf trước Căn phòng của Jacob.
Dịch giả này đánh giá Trở lại cố hương của Thomas Hardy có cách kể chuyện cực hay nhưng "lâm ly và thê thảm quá".
"Điều đáng mừng là bản dịch của Nguyễn Thành Nhân thể hiện được tinh thần cẩn trọng và giàu chất văn", nhà văn Nhật Chiêu - một chuyên và là là người say mê văn học Anh - nhận định.
Ông Nhật Chiêu cho rằng điểm chung của hai tác giả Thomas Hardy và Virginia Woolf là văn của họ rất giàu chất thơ. Virginia Woolf cẩn trọng câu chữ. Còn Thomas Hardy tài hoa ở cả tiểu thuyết và thơ, "đến nỗi người đời không phân biệt được nên xem ông là nhà văn hay nhà thơ".
Thomas Hardy là bậc kỳ tài văn chương nhưng tác phẩm rất u ám. Có nhiều cái chết của nhân vật ông rất ghê gớm, đến nỗi báo chí đương thời từng phản ứng gay gắt khiến ông thôi viết tiểu thuyết và chuyển sang làm thơ.
Hai ấn phẩm mới của hai tác giả khủng trong dòng văn học Anh vừa ra mắt - Ảnh: L.ĐIỀN
"Thế nhưng, có nhiều cái chết trong văn của Thomas Hardy trở thành nội dung đọc bắt buộc trong các đại học văn chương. Theo tôi, Trở lại cố hương cũng cần đọc bắt buộc trong chương trình đại học Văn của Việt Nam", nhà văn Nhật Chiêu nhận định.
Woolf xem Shakespeare (và ở chừng mực nào đó, Jane Austen) là đỉnh cao của nghệ thuật sáng tạo bằng chữ nghĩa. Theo bà, muốn như thế, đòi hỏi nơi người viết một tinh thần vô ngã như vị thánh. Bà chê Charlotte Bronte viết không bằng Jane Austen, mặc dù tài năng vượt trội hơn, chỉ vì Bronte đã để cảm xúc cá nhân (cái tôi) chen lấn vào tác phẩm
Dịch giả Trịnh Y Thư
Câu chuyện thiên nhiên và "màu của tâm hồn"
Và trong một mạch cảm xúc khác, liên tưởng về thiên nhiên trong Trở lại cố hương với sự kiện Đà Lạt đã bị bê tông hóa, cả Nguyễn Thành Nhân và Nhật Chiêu đều có cùng cảm xúc khi nhắc đến thiên nhiên trong tác phẩm này: không một trang nào không có thiên nhiên.
Nhân vật chính bỏ Paris hoa lệ để quay về cố hương, cũng vì nơi đó có thiên nhiên. Ở với thiên nhiên, người ta có thể tỏ tình bằng dấu hiệu lửa, và thiên nhiên ở đây đẹp mê hồn với những đêm trăng u huyền, ánh lửa, cỏ xanh và các con vật đồng quê...
Virginia Woolf lại là một chiều cao khác. Ông Chiêu nhắc lại quan niệm "văn chương trán cao" để chỉ các tác phẩm trí tuệ với sự đào sâu về bút pháp và chuyển tải tư tưởng cao cả.
Chẳng hạn như trong Căn phòng của Jacob, "Virginia Woolf không quan tâm đến chi tiết bên ngoài mà tập trung vào tâm hồn nhân vật: đang chuyển biến, đang dâng trào như thế nào, kể cả tâm hồn đang có màu gì...
Ngay cả nhân vật Jacob, tác giả để nhân vật này xuất hiện thông qua cái nhìn của các phụ nữ có liên quan với anh. Và những cái nhìn này cũng chỉ được kể qua độc thoại nội tâm - thủ pháp quan trọng của Virginia Woolf", ông chia sẻ.
Virginia Woolf có ảnh hưởng đến những nhà văn lớn của văn học Anh, được coi là đã "nắn lại hình dáng văn học Anh" từ khi bà xuất hiện. Bởi kể từ đó, những quan niệm sáng tác về dòng ý thức, khai thác chiều sâu nội tâm... mới thấy phảng phất trong các tác giả chịu ảnh hưởng của Virginia Woolf.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận