23/12/2021 14:16 GMT+7

Ra mắt Quỹ học bổng Trần Văn Khê

HOÀI PHƯƠNG
HOÀI PHƯƠNG

TTO - Sáng 23-12, tại Trường đại học Văn Lang (quận Bình Thạnh, TP.HCM), Quỹ học bổng Trần Văn Khê chính thức được ra mắt nhân kỷ niệm 100 năm sinh giáo sư Trần Văn Khê.

Ra mắt Quỹ học bổng Trần Văn Khê - Ảnh 1.

Ra mắt Hội đồng quản lý Quỹ học bổng Trần Văn Khê - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên Quỹ học bổng Trần Văn Khê không thể tổ chức lễ ra mắt quỹ và xét trao học bổng năm đầu tiên theo kế hoạch đã công bố đúng dịp ngày sinh giáo sư Trần Văn Khê (24-7-1921 - 24-7-2021).

Cho đến thời điểm này, Quỹ học bổng Trần Văn Khê mới chính thức được công bố. Ban sáng lập và Hội đồng quản lý Quỹ Trần Văn Khê cũng được ra mắt.

Kỹ sư Bùi Quang Độ - chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường đại học Văn Lang - là chủ tịch quỹ. Tuy nhiên, do bệnh nặng, ông đã mất vào đầu tháng 11-2021. Trong buổi ra mắt quỹ sáng nay, đại biểu và sinh viên dành một phút tưởng nhớ đến công lao, tâm huyết của ông dành cho việc ra đời quỹ học bổng này.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh làm phó chủ tịch, phó giám đốc quỹ; nhà báo Dương Trọng Dật - giám đốc quỹ, thành viên hội đồng quản lý quỹ; thạc sĩ Hoàng Sơn Điền - thành viên hội đồng quản lý quỹ kiêm trưởng ban kiểm soát quỹ và tiến sĩ Mai Mỹ Duyên làm thành viên hội đồng quản lý quỹ.

Ra mắt Quỹ học bổng Trần Văn Khê - Ảnh 2.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh công bố quyết định thành lập quỹ - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Nhà báo Dương Trọng Dật - viện trưởng Viện Đào tạo văn hóa nghệ thuật và truyền thông, thành viên hội đồng trường Đại học Văn Lang - đã đọc diễn văn tưởng nhớ những đóng góp của giáo sư Trần Văn Khê trong việc đưa âm nhạc truyền thống nước ta ra thế giới.

Giáo sư Trần Văn Khê đã góp sức trực tiếp hoặc gián tiếp giúp nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới như: nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam Bộ, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…

Thông qua clip gửi ban tổ chức chương trình, giáo sư Trần Quang Hải - con trai trưởng của giáo sư Trần Văn Khê - cũng bày tỏ: "Quỹ học bổng này là tâm huyết bao năm của thân phụ tôi với mục đích góp phần cổ vũ, phát triển âm nhạc dân tộc.

Tâm huyết ấy đã thành hiện thực sau 6 năm ròng rã với sự đóng góp công sức của chị Nguyễn Thế Thanh và nhóm thân hữu Trần Văn Khê. Đặc biệt là sự góp sức của ban lãnh đạo Đại học Văn Lang".

Ra mắt Quỹ học bổng Trần Văn Khê - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Hải Phượng biểu diễn đàn tranh trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh giáo sư Trần Văn Khê - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Dịp này, 2 quyển sách Trần Văn Khê - Đường đến dân tộc nhạc học, Trần Văn Khê - Trăm năm tâm và nghiệp do nhóm thân hữu Trần Văn Khê phối hợp với Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM phát hành cũng được giới thiệu.

Bà Nguyễn Thế Thanh - phó chủ tịch, phó giám đốc quỹ - chia sẻ: "Tác phẩm Trần Văn Khê - Đường đến dân tộc nhạc học được giáo sư Trần Văn Khê chuẩn bị bản thảo xong lúc sinh thời nhưng chưa kịp in thì ông đã qua đời.

Chúng tôi tiếp nhận bản thảo như một tâm nguyện mà giáo sư để lại cho những người quan tâm tới âm nhạc dân tộc. Tất cả lợi nhuận bán được từ các quyển sách đều dùng gây quỹ học bổng Trần Văn Khê".

Ra mắt Quỹ học bổng Trần Văn Khê - Ảnh 4.

Sách Trần Văn Khê - Trăm năm tâm và nghiệp - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Quỹ học bổng Trần Văn Khê ra đời theo quyết định số 680/QĐ-UBND. Điều lệ Quỹ học bổng Trần Văn Khê được công nhận ngày 1-3-2021. Đây là thành quả của sự hợp tác giữa nhóm thân hữu Trần Văn Khê lãnh đạo Trường đại học Văn Lang.

Quỹ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, không vì lợi nhuận, tự tạo vốn, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hằng năm, quỹ sẽ xét trao giải thưởng và học bổng cho sinh viên, những đối tượng đam mê âm nhạc dân tộc, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống theo di nguyện của giáo sư Trần Văn Khê.

Việc trao giải thưởng, học bổng Trần Văn Khê sẽ được thực hiện trong năm 2022.

Đưa tên GS Trần Văn Khê, ông Nguyễn Cơ Thạch vào quỹ tên đường Đưa tên GS Trần Văn Khê, ông Nguyễn Cơ Thạch vào quỹ tên đường

TTO - Sở Văn hóa thể thao TP.HCM vừa đề xuất bổ sung 13 tên đường mang tên các nhân vật lịch sử và 1 sự kiện lịch sử, trong đó có tên cố GS-TS Trần Văn Khê và ông Nguyễn Cơ Thạch, nguyên phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

HOÀI PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên