Theo Gareth Doherty (phó giáo sư chuyên ngành kiến trúc cảnh quan và giám đốc chương trình cao học kiến trúc cảnh quan tại Trường đại học Thiết kế Harvard), ở nơi mà văn học, hay điện ảnh có liên quan đến một cảnh quan cụ thể, thì chính nơi đó ngay lập tức "có thể trở thành một tác nhân trong việc bảo tồn hoặc giới thiệu phong cảnh đó tới số đông công chúng" - những người biết đến phong cảnh qua việc đọc truyện hoặc xem phim.
Với 27 tiểu luận công phu, bộ sách Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh - Những tiếp cận xuyên văn hóa (Nguyễn Thị Thu Thủy và Hoàng Cẩm Giang chủ biên, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội ấn hành) mong muốn cung cấp cho độc giả một cái nhìn mang tính hệ thống và tính gợi mở về phê bình cảnh quan trong bối cảnh xuyên văn hóa và toàn cầu hóa.
Chiếm giữ một vị trí quan trọng trong cuốn sách chính là nhóm các bài viết quan tâm đến sự phục dựng và kiến tạo cảnh quan Việt Nam từ điểm nhìn của lý thuyết hậu thuộc địa và tiếp cận chủ nghĩa dân tộc (nationalism) của các tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy, Phùng Ngọc Kiên, Nguyễn Phương Khánh, Trần Thị Thục, Nguyễn Thị Kim Nhạn.
Từ góc nhìn khác, các tác giả Đinh Hồng Hải, Nguyễn Thị Năm Hoàng, Mai Anh Tuấn, Đỗ Thị Thu Huyền, Nguyễn Thị Bích, Lê Thị Tuân tập trung vào sự theo dõi và trình hiện/ tái trình hiện các cảnh quan bản địa trên cơ sở của kiến tạo văn hóa vùng miền/ nơi chốn.
Gắn liền với bối cảnh đô thị hóa, các tác giả Phạm Văn Hưng, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Thị Kim Nhạn, Mai Anh Tuấn, Hoàng Phong Tuấn, Đặng Thị Thái Hà quan tâm nhiều đến những "cảnh quan xã hội" trong xu thế phát triển và cải tạo nông thôn - đô thị, cũng như mối tương tác phức tạp giữa thân phận, thân thể và cảnh quan.
Trong xu thế của những nghiên cứu về giới (gender studies) đang được xiển dương trở lại và có một sức sống mới tại Việt Nam, các tác giả Nguyễn Thị Minh, Hồ Khánh Vân, Hoàng Cẩm Giang lại lựa chọn tìm kiếm mối dây liên kết phức tạp giữa các diễn ngôn về giới và diễn ngôn về cảnh quan trong các tác phẩm nghệ thuật.
Đặc biệt, cuốn sách có sự góp mặt của hai học giả nước ngoài Kevin Hart (tìm hiểu cách trình hiện không gian trong truyện ngắn của tác giả Mỹ gốc Việt) và Earl Jackson (khảo sát sự chồng xếp cảnh quan trong các bộ phim Con đường trên núi - Síu Phạm; Những lá thư từ Panduranga - Nguyễn Trinh Thi; Bi, đừng sợ, Cha và con và… - Phan Đăng Di). Các bài viết mang lại cái nhìn mới mẻ về cảnh quan Việt Nam từ tọa độ quốc tế.
Quyển sách là những bước khai mở cho một tiến trình lâu dài của việc xây dựng "hệ tri thức cảnh quan", "văn hóa cảnh quan", "đối thoại cảnh quan" của Việt Nam với thế giới.
Đọc sách, độc giả sẽ được "du ngoạn" và trải nghiệm - cùng người viết - xuyên qua cảnh quan Hà Nội, Sài Gòn, hay miền Tây Nam Bộ, cảnh quan thôn quê và thành thị… Từ đó, chúng ta sẽ có những suy ngẫm sâu xa hơn về môi trường sinh thái xung quanh mình, hình thành nên ý thức thẩm mỹ cảnh quan đẹp đẽ hơn, nhân văn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận