Huyện Bình Chánh (TP.HCM) vừa cho ra mắt Câu lạc bộ sản phẩm OCOP. Đây được xem là địa phương đầu tiên của TP.HCM tiên phong lập sân chơi này nhằm giúp nông hộ, doanh nghiệp có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, mở rộng đầu ra cho nông sản.
Câu lạc bộ có 24 hội viên, trong đó có 13 doanh nghiệp và hộ kinh doanh OCOP với 24 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và OCOP từ 3-4 sao.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Khưu Thị Diễm Phượng, chủ tịch Hội Nông dân Bình Chánh, cho biết sau hai năm thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP", đến nay huyện có 27 sản phẩm được chứng nhận.
Nhiệm vụ trọng tâm của hội và câu lạc bộ là tiếp tục hướng dẫn hội viên đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi ý thức sản xuất cá thể sang mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã.
"Nông dân chủ động tăng ứng dụng công nghệ, bán hàng trên sàn thương mại nên giúp giảm nhiều chi phí, đầu ra rộng mở. Sắp tới, Bình Chánh sẽ xây dựng điểm trưng bày, thương mại sản phẩm OCOP", bà Phượng thông tin.
Ông Trần Thanh Oanh, tổng giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm ABZ - chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết những sản phẩm đặc trưng của huyện là sữa dê tiệt trùng, rượu sâm đinh lăng, mật ong, cây hoa lan, mai vàng, phân bón hữu cơ vi sinh…
"Với những hợp đồng, biên bản ghi nhớ đã được ký kết từ việc bán hàng trực tiếp lẫn giao dịch thương mại điện tử, đầu ra cho sản phẩm OCOP của Bình Chánh rất khả quan. Chúng tôi kỳ vọng doanh số đạt trung bình khoảng 50 tỉ đồng/tháng", ông Oanh đánh giá.
Trong khi đó, với 50 sản phẩm được chứng nhận OCOP, huyện Cần Giờ cũng đang đẩy mạnh phát triển phân khúc sản phẩm này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , ông Hồ Ngọc Thiện, trưởng Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, cho biết sản phẩm OCOP tập trung ở nhóm hải sản khô, muối, yến sào... Trong đó, muối có sản lượng bình quân hơn 1.000 tấn/năm, yến sào 14-15 tấn thô/năm.
Theo ông Thiện, địa phương đã "đặt hàng" với các trường đại học để tìm công thức chế biến muối, làm muối chất lượng cao; nghề yến đã có quy hoạch vùng nuôi. Về xúc tiến, Cần Giờ đang xem xét tổ chức thường xuyên "Tuần lễ sản phẩm OCOP Cần Giờ" tại các TP lớn; xây dựng điểm trưng bày sản phẩm OCOP quy mô lớn.
"Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng nền sản xuất bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP lên gấp nhiều lần", ông Thiện thông tin.
148 sản phẩm OCOP được công nhận
Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, giai đoạn 2021-2025, TP mở rộng phạm vi thực hiện chương trình OCOP từ 5 huyện sang toàn TP.
Hiện nay TP đã công nhận 148 sản phẩm OCOP của 61 chủ thể, trong đó 36 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 112 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Ngày 19-4-2024, Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP tiếp tục trình UBND TP công nhận 43 sản phẩm 4 sao.
Mới đây ngành nông nghiệp đã ban hành kế hoạch số 238/KH-SNN về thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP TP năm 2024. Theo đó, mục tiêu chương trình là đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận