![Ra giêng anh cưới em - Kỳ 4: Đám cưới ba mẹ tôi không nhẫn cũng không hoa - Ảnh 1. Ra giêng anh cưới em - Kỳ 4: Đám cưới ba mẹ tôi không nhẫn cũng không hoa - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/dam-cuoi-17392417813421477684072.jpg)
Mẹ tôi (mặc áo thun sọc, đội nón) trổ tài gói bánh chưng trước bữa cơm ra mắt nhà nội - Ảnh: NGỌC SANG
Hai bàn tay trắng và một tình yêu lớn
Ngày ấy ba tôi, ông Lê Ánh Sáng (60 tuổi, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, Bình Phước) là lãng tử qua đường gặp mẹ tôi. Bà Dương Thị Thực (62 tuổi) là cô thôn nữ miền núi di cư vào Nam lập nghiệp. Họ nhanh chóng bén duyên nhau, sau một thời gian tìm hiểu, ba tôi quyết định lấy mẹ tôi và dừng chân làm ăn tại đất Bình Phước này.
Mẹ tôi từng trải cuộc hôn nhân đầy nước mắt trước khi gặp ba. Cuộc đời mẹ tưởng chừng khép lại những nỗi đau cũ, nhưng rồi ba xuất hiện như ánh sáng len lỏi vào những ngày u tối. Khi ấy, ba cũng chẳng có gì trong tay. Một cuộc đời phiêu bạt với vài bộ quần áo cũ, và công việc thợ rừng bấp bênh không đủ đảm bảo cho tương lai rõ ràng.
Nhưng bù lại ba có một tình yêu lớn lao dành cho mẹ, mặc dù biết hoàn cảnh mẹ nhưng ba không hề chê bai, ngược lại còn yêu thương mẹ nhiều hơn. Ông muốn là người bù đắp tất cả những tổn thương mà mẹ đã trải qua.
Ba tôi dắt mẹ về ra mắt nhà nội ở Hải Phòng sau mười một năm làm trai phiêu bạt. Trên chuyến xe, mẹ tôi hồi hộp, cứ liên tục bấu vào tay ba hỏi xem tóc tai đã đẹp chưa, mẹ lựa bộ quần áo hoa mới nhất trong tủ đồ bà có để mặc. Tranh thủ hỏi ba về anh em họ hàng và chuyện nhà nội để về có cái mà nói. Và cũng không quên chu đáo chuẩn bị những món quà miền Nam cho cả nhà.
Thấy ba tôi về, bà nội khóc đỏ mắt vì mừng, cậu con trai đi biệt tăm biệt tích suốt bao năm nay đã trở về, lại dắt theo cả một nàng dâu mới. Bà con lối xóm cũng sang chúc mừng, căn nhà cấp bốn bình thường im ắng nay bỗng hóa rộn ràng.
Bữa cơm ngày đầu ra mắt ba mẹ tôi vô cùng ấm cúng, cả nhà sum họp đoàn viên. Bác tôi chuẩn bị vài con cá ao hợp tác xã, mỗi con tầm 5kg đủ để đãi 5 bàn tiệc. Đêm hôm trước, mẹ tôi trổ tài gói bánh chưng, cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng. Ông nội thì thịt hẳn ba con gà để đãi khách, các cô xúm lại quấn đa nem.
Ba bảo: "Thời ấy được như vậy là sang lắm rồi đấy con ạ, thấy ba mày về ai cũng sang chúc mừng, bát đũa thiếu tùm lum, phải chạy vạy đi mượn nhà hàng xóm mới đủ đãi khách".
Quê tôi có tục lệ là con cái đi xa về phải thắp hương báo các cụ biết. Ông nội đứng trước bàn thờ tổ tiên lầm rầm khấn vái. Ba mẹ tôi cầm nén hương đứng đằng sau. Ba quay sang chọc mẹ: "Bây giờ em đã là con ma nhà họ Lê rồi đấy nhé". Mẹ tôi rùng mình nổi gai ốc.
Cả nhà vui vẻ đánh chén no say, sau bữa tiệc ba tôi mới nói rõ sự tình với cả nhà rằng mẹ tôi đã có một đời chồng và hai đứa con riêng. Cả nhà nội kiên quyết phản đối. Bà không chấp nhận việc mẹ tôi từng có một đời chồng và hai đứa con riêng trong khi ba tôi thì vẫn còn trai tân.
Bà lo lắng khuyên bảo, nhưng ba tôi vẫn quyết bảo vệ tình yêu của mình. Ba chở che cho mẹ khỏi những lời gièm pha từ bên họ nhà nội. Ai lời ra tiếng vào chuyện mẹ đã có hai con riêng, ba vẫn không lay chuyển.
Vậy là không có cái đám cưới nào diễn ra cả, ba dắt tay mẹ bước lên chuyến xe cuối cùng trong ngày quay trở lại miền Nam. Sợ mẹ buồn, ba lén tặng mẹ một chai dầu thơm, coi như món quà cưới. Ba nói: "Mình không có tiền, nhưng có nhau là đủ, anh sẽ cố gắng làm để lo cho em".
Không váy cưới, không nhẫn vàng, ba mẹ tôi nghèo tới mức ngay cả một cái nhà để ở cũng không có, phải ở nhờ cái chòi của một người hàng xóm tốt bụng. Một ký thịt heo có khi kho muối mặn ăn dè sẻn cả tháng trời. Ánh mắt của mọi người nhìn ba mẹ tôi đầy rẫy sự lo lắng, nhưng trong mắt ba mẹ lại vẫn ngập tràn niềm tin và hy vọng.
Ba mẹ phát cỏ, trồng cây, tỉa lúa nương, tự tay dựng một căn nhà nhỏ, mái lợp cỏ tranh và vách đan bằng tre nứa. Đó là tổ ấm đầu tiên của họ. Đêm đêm ba mẹ nằm sát bên nhau, nghe mưa rơi rả rích, cùng mơ về tương lai tốt đẹp với những đứa con thơ.
![Ra giêng anh cưới em - Kỳ 4: Đám cưới ba mẹ tôi không nhẫn cũng không hoa - Ảnh 2. Ra giêng anh cưới em - Kỳ 4: Đám cưới ba mẹ tôi không nhẫn cũng không hoa - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/dam-cuoi-1-1739241837306685017316.jpg)
Mẹ vẫn luôn thấy may mắn và hạnh phúc khi lấy ba làm chồng - Ảnh: NGỌC SANG
Hôn lễ trong trái tim yêu thương
Ngày ấy, khi lần lượt sanh hai chị em tôi, ba mẹ "thừa thãi gian nan, dư dả nhọc nhằn". Cuộc sống khởi đầu từ con số không, ba mẹ làm đủ mọi nghề để duy trì cuộc sống từ đi vào rừng lấy măng, cho tới làm mướn, cứ có ai kêu là ba mẹ tôi không ngại kiếm thêm đồng trang trải.
Ba từng hút thuốc lá rất nhiều, nhưng sau này do cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nhà xa chợ, cộng thêm một lý do vô cùng hợp lý đó là mẹ mang bầu chị gái tôi, sợ con bị ảnh hưởng, ba bắt đầu bỏ thuốc. Ngày tháng êm đềm cứ trôi qua như vậy. Mỗi lần mệt mỏi, mẹ thường động viên ba: "Chỉ cần có anh, có con, em không sợ gì cả".
Nhưng rồi cuộc sống không màu hồng như họ mong ước. Năm 2002, khi sinh tôi ra mẹ tôi mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Một mình ba xoay xở vừa chăm mẹ ở bệnh viện, và lo cho chị hai tôi mới bập bẹ tập nói và tôi, đứa con đỏ hỏn còn nằm trong lồng kiếng.
Nếu như là người khác có thể đã vì áp lực, suy nghĩ tiêu cực bỏ xứ mà đi. Nhưng ba vẫn lạc quan, cố gắng từng ngày. Ba gửi chị gái tôi về Hải Phòng nhờ bác dâu nuôi giúp, và tôi mới ba tháng tuổi cũng được đem đi gửi, để ba còn có thời gian chăm mẹ và làm vườn.
Ba luôn ở bên chăm sóc, thuốc thang cho mẹ, động viên từng ngày, dần dần mẹ tôi cũng đỡ bệnh. Mãi tới năm 2006 khi cây trồng đã có trái, thu nhập ổn định hơn, ba mẹ tôi mới về đón chị vào miền Nam nuôi dạy. Lúc này cả nhà mới đoàn tụ.
Ba cưng mẹ là điều mà tất cả phụ nữ trong làng đều thấy và ghen tị. Đến bây giờ khi cả hai cùng quá tuổi nghỉ hưu, ba vẫn không để mẹ lên rẫy. Có miếng ngon vẫn dành cho mẹ. Mẹ mệt, ba đi rẫy về nấu cơm, rửa chén, giặt đồ, và tất nhiên là vẫn luôn chiều chuộng và yêu thương mẹ như thuở ban đầu. Lúc nào ba cũng nói với tôi là: "Thương chứ, một nửa của mình mà, không thương thì thương ai".
Không ai hoàn hảo. Ba cũng vậy. Ba không đẹp trai, cao ráo như người cũ của mẹ. Nhưng so về độ yêu thương vợ, có trách nhiệm với con cái, ba tôi xứng đáng 10 điểm. Mẹ may mắn và đong đầy hạnh phúc bên ba.
Giờ đây, dù đã trải qua nhiều thăng trầm, ba mẹ vẫn bên nhau, tay trong tay. Những ước mơ năm xưa, như một tấm hình cưới hay một đám cưới trọn vẹn, không còn quan trọng nữa. Ba mẹ đã có nhau, có gia đình nhỏ, hai đứa con ngoan ngoãn học giỏi và có một tình yêu bền chặt vượt qua mọi sóng gió.
Nhà nội cũng dần chấp nhận mẹ và có cái nhìn khác về gia đình tôi. Mẹ bảo: "Cuộc đời này không cần hoàn hảo, chỉ cần chân thành. Ba con đã chứng minh điều đó qua tất cả những gì ba làm cho mẹ cho tới ngày hôm nay".
Câu chuyện về ba mẹ tôi đến với nhau không có những hình ảnh lộng lẫy hay khoảnh khắc đèn hoa cưới lung linh để lưu giữ, nhưng lại đầy ắp những bài học về tình yêu, sự hy sinh và lòng quyết tâm. Đám cưới của họ không cần lễ cưới, vì chính tình yêu đã là lễ cưới đẹp nhất.
Mẹ không hô hào nữ quyền, không biết phân tích diễn giải thâm sâu, nhưng mẹ dạy con gái luôn phải đi trên đôi chân của mình và phải nói không với bạo lực. "Giàu nghèo với mẹ không quan trọng. Chỉ cần người con chọn có chí tiến thủ, siêng năng và nhất là thật lòng yêu thương con, trân trọng con thì mẹ luôn rộng cửa chào đón" - mẹ ôn tồn nhắn nhủ. Những lời mẹ dặn, tôi mang theo làm hành trang để bước vào đời.
************
Chàng học sinh vừa tròn 18 tuổi đang học cuối lớp 12 thì được mẹ gọi "về cưới vợ". Chàng cũng chỉ loáng thoáng biết cô dâu là hàng xóm đồng trên, chưa một lần nói chuyện, chứ đừng nói nắm tay. Thế mà tình yêu ấy đã bền chặt trọn đời.
>> Kỳ tới: Vẫn có túp lều tranh hai trái tim vàng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận