30/12/2014 12:54 GMT+7

​Ra đi vì Phú Ninh

ÐOÀN CƯỜNG
ÐOÀN CƯỜNG

TT - Ðể “dọn đường” cho đại thủy nông Phú Ninh, một cuộc di dời khổng lồ hơn 11.000 dân thuộc bốn xã trong lòng hồ được thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Bá kể về cuộc di dời hơn 11.000 dân để nhường đất cho Phú Ninh - Ảnh: Đ.Cường

Ðó là một cuộc giải tỏa hoàn toàn tự nguyện và không tốn một đồng tiền đền bù giải tỏa...

Ra đi nào có gì

Ngôi làng mang tên Lòng Hồ (xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) dường như buồn hơn sau trận mưa chiều. Ngôi làng gắn liền với cuộc di dân 35 năm về trước để nhường đất cho lòng hồ Phú Ninh.

Giờ đây 130 hộ dân ra đi vì Phú Ninh vẫn chưa có cuộc sống khá giả. Vậy nhưng nhắc đến cuộc di dân năm xưa, nhiều người vẫn rất đỗi tự hào về một thời hi sinh vì nghĩa lớn.

73 tuổi, ông Thái Viết Siêu, nguyên trưởng Ban di dời dân của xã Tam Dân cũ, chia sẻ rằng: “Ðó có lẽ là một cuộc giải tỏa, di dời vô tiền khoáng hậu mà chắc chắn không nơi nào có được và cũng không có lần thứ hai”.

Ngước ánh mắt mờ đục về phía xa xăm, ông Siêu hồi tưởng: “Hòa bình xong, dân chúng tôi về lại nhà ở Tam Dân dựng nhà, phát cỏ dại ruộng vườn yên ổn làm ăn. Những vườn chuối, vườn tiêu đâm chồi xanh biếc, những cánh đồng lúa ngút ngàn...

Khi nghe công trình Phú Ninh sẽ làm, tất cả người dân đều được báo động. Ban đầu nghĩ cũng hoang mang lắm, mới hết chiến tranh giờ lại ra đi. Nhưng nghĩ việc ra đi của mình mà giúp được cả triệu đồng bào thì cũng sẵn sàng”.

Ðầu năm 1980, những chuyến xe tải chở giường, chõng tre, cột tre... nối đuôi nhau đưa 79 hộ dân với gần 400 nhân khẩu rời bỏ vùng đất trù phú Tam Dân để lên Eo Gió.

“Mỗi nhà được hỗ trợ một chiếc xe tải chở tài sản di dời. Mà tài sản là gì đâu, chỉ cái giường, cái chõng...cả làng được 1-2 con bò. Ngoài ra không nhận đền bù bất cứ thứ gì. Trong lòng vừa lo nhưng cũng xen vào đó sự tự hào, ra đi để giúp một công trình vĩ đại của tỉnh nhà” - ông Siêu nhớ lại.

Lên vùng đất mới, ông Siêu làm trưởng thôn Lòng Hồ 10 năm liền. Ðó là quãng thời gian cùng cực của 400 con người nơi đây.

“Ở quê cũ đồng ruộng phì nhiêu mà lên đây chúng tôi phải cuốc đất dỡ núi, khai hoang đồng ruộng. Ba năm đầu chỉ ăn khoai là chủ lực” - ông Siêu chia sẻ.

Cũng 35 năm trước, bà Trương Thị Xuân (70 tuổi, làng Lòng Hồ) cùng hai con gái đã từ bỏ quê hương, nhà cửa gồng gánh nhau lên với đèo Eo Gió.

“Người ta nói di dời để làm hồ thủy lợi Phú Ninh chống hạn, cắt lũ cho cả tỉnh. Nghe vậy thì mình cũng gật đầu” - bà Xuân nhớ lại. Ba mẹ con bà Xuân đến nơi ở mới, trước mắt là những chòi tranh tre. Sau đó cả làng bốc thăm để chọn chòi ở.

“Có chỗ ở, mọi người chia nhau đi phát hoang, phát rẫy để có đất làm ruộng. Tay ai cũng chai sần, vai áo rách sờn tứa máu vì đất quá cằn cỗi. Ba mẹ con tôi phát được 8 thước ruộng cũng là một kỳ tích” - bà Xuân tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Bá - nguyên phó Ban chỉ huy công trình Phú Ninh - cho biết lúc đó 11.000 dân trong lòng hồ gồm các xã Tam Sơn, Tam Lãnh, Tam Thái, Tam Dân... phải di chuyển để nhường đất cho công trình.

Giọng ông Bá lạc đi: “Khi đó chiến tranh vừa kết thúc, dân vừa từ rừng núi, vùng tự do, vùng lập ấp... về lại cố hương an cư lạc nghiệp. Có ngôi nhà ở ngay chân núi Như Quê, họ làm nhà, dây tiêu mới lên còn xanh mơn mởn nhưng khi nghe di dời để cho công trình Phú Ninh họ sẵn sàng bỏ hết. Mồ mả tổ tiên, ông bà nằm hết trong lòng hồ”.

Nhớ những ngày xuống “dân vận”, ông Bá nói: “Hòa bình rồi, độc lập rồi, vấn đề là cuộc sống. Quảng Nam nông nghiệp chỉ dựa vào nước trời thì làm sao mà sống được, phải có thủy lợi”.

“Lúc đó lãnh đạo tỉnh cũng rất đau đớn, thương dân đến đứt ruột khi phải vận động họ rời bỏ quê nhà, giếng nước, bờ tre. Trong chiến tranh người dân đã hi sinh và thiệt thòi quá nhiều, giờ không thể đòi hỏi gì hơn ở dân. Dân chỉ có hai bàn tay trắng” - ông Bá nghẹn lời.

Theo ông Bá, lúc đó kinh tế nghèo nàn, kinh phí di dời 11.000 dân chủ yếu là hỗ trợ xe vận chuyển tài sản và trợ cấp 3-6 tháng lương thực, không có đền bù gì. Trong 11.000 dân ra đi ấy phần lớn lên vùng dân tộc thiểu số Tam Trà, vùng đồi núi Tam Lộc...

Lực lượng thanh niên Đà Nẵng tham gia xây dựng đại thủy nông Phú Ninh - Ảnh tư liệu

“Trường học B2”

Ðể chuẩn bị cho đại công trường, tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng huy động mỗi huyện, thị, TP một đội quân chủ lực gồm lao động nam, nữ. Huy động dân công thường xuyên có mặt trên công trường là 10.000 người, lập trung đoàn thanh niên xung kích Lê Ðình Chinh...

“Tất cả những ai có sức khỏe là lên đường, cũng như thời chiến, với khẩu hiệu tất cả để xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh” - ông Nguyễn Văn Bá nhớ lại.

Hàng ngàn thanh niên nô nức lên công trường Phú Ninh và bắt tay vào công cuộc thi công. Quân được rải khắp từ đầu kênh Nam trở vào, kênh Bắc trở ra.

“Khí thế hừng hực, hào hứng như thời đánh giặc, ngày đêm hăng say lao động trên công trường không biết mệt mỏi là gì” - ông Bá còn nhớ.

Trong số hàng vạn lao động ở Phú Ninh có một lực lượng “đặc biệt” - đó là 800 lao động gồm những người lúc đó được coi là “thành phần bất hảo”, tập hợp trong B2 Ðà Nẵng.

Ông Nguyễn Hưng, trưởng ban B2 Ðà Nẵng, chia sẻ: năm 1982, các đối tượng bộ đội đào ngũ, vượt biên trái phép, gái mại dâm, xì ke, phá rối trật tự... nhiều lần không tiến bộ được đưa lên cải tạo tại công trường Phú Ninh và lập nên ban B2.

Ðể quản lý lực lượng này, B2 có “bộ khung” gồm đại diện Ban lao động TP, thành đội, công an, tỉnh đoàn và cán bộ ban chỉ huy công trường. Quân số của B2 lúc cao nhất là 800 người. “Nói chung đó là thanh niên chậm tiến” - ông Hưng cho biết.

Trước khi lên công trường sẽ có hội đồng xét duyệt, sau đó tỉnh ra quyết định cưỡng chế lao động đưa đi với thời hạn ít nhất từ 6 - 36 tháng.

“Họ có đủ quyền công dân, vẫn được đi bầu cử, lao động có lương, được đối xử như người bình thường. Họ chỉ mất đi quyền duy nhất là không được chọn nơi lao động” - ông Hưng nhớ lại.

Chỉ huy B2 Nguyễn Hưng vẫn nhớ mãi: “Lúc đầu mới lao động, họ mệt khỏi nói luôn, toàn dân chơi nên cầm cuốc, cầm xẻng, gánh gồng không quen. Họ đều có tư tưởng chung là trốn trại.

Người xì ke ma túy lúc đầu lên không thể lao động được mà còn phải nuôi họ, lập lán trại riêng để cai nghiện, chống những cơn vả thuốc.

Giờ người khác đi lao động thì họ vào trại cai nghiện để làm những công việc nhẹ hơn, sau đó được tắm nắng, tập thể dục... khi khỏe mạnh thì đi làm như những người khác”.

Vậy nhưng những ngày sống với B2, ông Hưng vẫn tự hào: “Họ là những người rất đa tài. Qua lao động họ trưởng thành hẳn. Sau ngày xảy ra chiến tranh biên giới, 56 bộ đội đào ngũ của B2 đã trở lại quân ngũ. Nhiều người sau này vẫn tiếp tục cống hiến trong quân đội”.

Dân mong nước Phú Ninh lắm đấy

Trong hồi ức của mình, ông Nguyễn Hà - nguyên trưởng ban tổng B Phú Ninh -  viết rằng:

“Để nhường chỗ cho bộ đội tỉnh bố trí mìn nổ tại lễ khởi công ngày 29-3-1977, tại chân đèo Tư Yên có bảy gia đình đang sinh sống, sản xuất chỉ trong vòng ba ngày đã tự nguyện di dời, bàn giao mặt bằng.

Đấy là việc làm rất cảm động ở lòng tin của nhân dân đối với công trình Phú Ninh. Các cụ 70-80 tuổi, mỗi cụ gánh tới công trình hai tấm tranh, vài cây tre nứa phục vụ cho lán trại thi công, các cụ nói: “Các chú làm cho giỏi, nhân dân mong nước Phú Ninh lắm đấy”.

_________

Kỳ tới: Thời gian khó và kiện tướng tuổi 20

ÐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên