​Ra chợ tìm chút... nhà quê

23/01/2015 21:01 GMT+7

Chợ nằm ở vùng xa trung tâm thành phố, người kín buổi sáng và thưa thớt buổi chiều. Lối đi chính vào chợ tướp nướp những đôi quang gánh bán rau xanh.

Hai con bò đi qua phố

Toản (Huế)

Một tuần khoảng 2-3 lần, có hai con bò đi ngang qua con đường trong khu phố của tôi. Con lớn có màu mun, con nhỏ có màu vàng. Mỗi lần có bò đi ngang qua đây, lũ trẻ trong khu phố reo lên thích thú. Lúc đầu mới nhìn thấy, đám trẻ con cãi nhau chí chóe. Đứa bảo con bò, đứa nói con ngựa, đứa thì khẳng định con trâu. Tôi phải trở thành trọng tài bất đắc dĩ để hòa giải và đưa ra đáp án cho chúng...

Thấy hai con bò đi qua, đứa cháu nhỏ trong nhà hỏi tôi rất nhiều: “Chú ơi con bò ăn gì? Nó ngủ ở đâu? Nó có biết gáy như con gà không?”... Tôi lại trở thành nhà sinh vật học bất đắc dĩ cho nó.

Mỗi lần hai con bò đi qua, con đường trước mặt khu phố tôi bẩn hơn bởi phân rơi phân vãi. Không ít người lớn khó chịu, bực mình. Có chị cắm tấm giấy bên lề đường ghi chữ: “Cấm bò đi qua đây”.

Một tuần trôi qua, không thấy bóng dáng hai con bò. Lũ trẻ kéo nhau ra miếng đất cỏ mọc sát đường đợi bò đến rồi lại thất vọng vào nhà. Tôi thì thầm cảm ơn hai con bò đã giúp đứa cháu tiểu học của tôi có được đôi ba lần trực quan sinh động để làm một bài văn miêu tả con vật yêu thích được cô giáo khen trước lớp...

Bà già quẩy rau ra đến chợ, rồi đòn gánh đặt bệt xuống nền đất, ngồi lên cái đòn gánh đã sờn vai trơn bóng. Miệng nhai trầu bỏm bẻm, ai đến hỏi mua rau thì bà thành thật: “Rau sạch đấy!”.

Những mớ rau không mướt mượt, đôi bó còn lốm đốm thủng lá, chắc bị sâu ăn. Đầu chít khăn mỏ quạ, răng đen, đôi lúc bà cười ra nét nhà quê hồn hậu. Gánh rau của bà hiếm khi ế hàng dù trời có mưa dông gió giật.

Hàng bán tôm, cua, cá thì không khỏi mùi tanh. Những người đi chợ buổi mai thong thả ngửi để kiểm nghiệm mùi tanh tươi hay là mùi tanh hôi.

Cái mũi đã bí mật dẫn đường cho cách chọn thực phẩm an toàn. Một chị vận áo quần xộc xệch, thường xuyên nhận được các cuộc gọi của khách quen về con tôm sông Hồng hôm nay có hay là không?

Cá bống mùa này đã mắc lưới chưa? Thoảng nghe cách chị trả lời khách, chắc mẩm chị và chồng là dân chài. Chồng giăng câu thả lưới, vợ lên chợ bán buôn. Nguồn lợi từ sông nuôi đủ một gia đình, tất nhiên không thể biếng nhác lội sông.

Nhiều người mẹ trẻ hay ghé vào một hàng rau xanh để tìm mua cây ngải cứu, hương nhu, bạc hà, địa liền, tía tô, mã đề...

Hóa ra đó là các cây dùng làm thuốc nam để chữa cơn ho hoặc chút ấm đầu cho trẻ nít. Bà lão đeo cặp kính lão bán thúng hàng đặc biệt này cứ như một vị bác sĩ đông y, khi cần thì chỉ dẫn thêm cách làm thang thuốc.

Có lần tôi mua vài ba món thuốc tươi xanh của bà, nghe bà dặn thêm: “Mấy thứ này mà bỏ vào chiếc ấm đất kiểu như cá kho làng Vũ Đại thì tốt hơn”. Sắc một thang thuốc, theo cách nói của bà, sao mà thấy thơm cả mùi củi lửa.

Chợ nhỏ còn vương nếp sống nhà quê. Hầu như những người bán hàng không cân điêu, nói thách, nói dối. Người mua tìm đến với mớ rau không thuốc trừ sâu, con cá sông khỏe khoắn đang lượn lờ trong chậu nước hay mấy thứ cỏ cây có công dụng làm thuốc.

Đi chợ mà ngẫm nghĩ về niềm tin còn lại dành cho điều bình dị quê kiểng.     

Trần Anh (Hà Nội)

 

Giấc ngủ

Nhiếp Phong

 

Em Trần Tiến Đạt (6 tuổi) nằm ngủ ngon lành trên đường Hàm Nghi, Q.1, TP.HCM sau giờ tan học. Cha mẹ Tiến Đạt đi làm ăn xa, em ở với ông bà ngoại. Cả hai ông bà đều mưu sinh trên hè phố Hàm Nghi. Bà bán nước còn ông chạy xe ôm. Sau giờ học Tiến Đạt được ông đón ra chỗ ông bà làm và đợi đến tối mịt ông bà dọn hàng thì cả ba mới trở về nhà.

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận