13/09/2015 10:20 GMT+7

Ra báo Diễn Đàn An Nam tại Pháp

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Sau Thế chiến thứ nhất (1914 - 1918), trước dư luận tiến bộ Pháp ngày càng phản ứng với chính sách thuộc địa, cũng như số người Việt sống tại Pháp ngày càng đông, Alfred-Ernest Babut cho rằng tiếng nói đấu tranh cho người Việt được gióng lên tại ngay nước Pháp sẽ có hiệu quả hơn.

Báo Người Tiên Phong Đông Dương ngày 29-12-1907 đăng lại bài “Hiện trạng vấn đề” (tiếng Pháp) của Phan Châu Trinh. Bài này trước đó đã đăng trên Đại Việt Tân Báo. Tư liệu được bà Lê Thị Kinh sưu tầm từ Pháp
Báo Người Tiên Phong Đông Dương ngày 29-12-1907 đăng lại bài “Hiện trạng vấn đề” (tiếng Pháp) của Phan Châu Trinh. Bài này trước đó đã đăng trên Đại Việt Tân Báo. Tư liệu được bà Lê Thị Kinh sưu tầm từ Pháp

Thế rồi, Babut rời Hà Nội quay về Pháp, nối tiếp hoạt động báo chí của mình. Diễn Đàn An Nam (DĐAN) - tờ báo được Babut vận động thành lập - đã ra đời trong bối cảnh đó...

Liên kết với người Việt

Biết mình sẽ không thể thật sự làm chủ tờ báo khi dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ nhà nước, Babut chủ trương “tiếng nói về An Nam của mình phải do tự mình và những người cộng tác lo liệu tài chính”.

Dày công tìm kiếm sau ngày trở lại Pháp - đầu năm 1920, cuối cùng Babut đã tìm được người cộng tác để thành lập báo DĐAN - Tribune Annamite - bằng tiếng Pháp tại Paris. Đó chính là Nguyễn Phú Khai, một trí thức VN đến từ Sài Gòn.

Với mối quan hệ sâu rộng của mình với các giới chính khách, tướng lĩnh, trí thức Pháp cùng một số người Việt yêu nước, có tinh thần tranh đấu tại Paris, nhà báo Babut đã vận động những người này đặt mua báo trước để hỗ trợ cho việc ra báo.

Cùng với tài khoản có được của mình và sự đóng góp đáng kể của ông Nguyễn Phú Khai, tháng 3-1920, tuần báo DĐAN đã ra số đầu tiên.

Thấy được lòng nhiệt thành đáng quý của Babut, thật đáng nói, ngay từ đầu, nghị sĩ Galnot đã cho Babut mượn một phòng nhỏ của mình ở số 55 đại lộ Champs Elysées để làm văn phòng DĐAN (về sau đặt tại 19 Montaigne).

Là nhà báo tài năng, khi gánh vác vai trò tổng quản DĐAN, Babut gần như đảm nhiệm phần lớn việc viết bài và phát hành - hai việc trọng yếu của một tờ báo.

Điều chắc chắn là Babut đã vận động được nhiều người Pháp có tiếng tăm và có thiện cảm với người Việt viết bài cho DĐAN.

Còn những người Việt ở Pháp, việc họ viết bài cho tờ báo vốn là tiếng nói, là khí giới đấu tranh cho phong trào yêu nước của mình cũng là điều tất yếu.

Báo cáo của khâm sứ Pierre Guesde thuộc Sở tổng kiểm soát người Đông Dương tại Pháp (30-6-1921) gửi toàn quyền Đông Dương đã cho thấy rằng một số người Việt ở Pháp thời đó từng cộng tác với DĐAN: “Babut đã gửi thư cho Phan Châu Trinh nhờ tin cho Nguyễn Ái Quốc là cần báo tin cho bạn bè của anh ta ở Marseille đừng tiếp tục gửi bài cho Tribune Annamite mà không ghi tên tác giả vì báo không thể đăng những bài không biết do ai gửi đến”.

DĐAN cũng như người Việt tại Pháp “có thành tích” đối kháng nền cai trị thực dân rõ ràng là những đối tượng được các cơ quan an ninh tại Pháp theo dõi sát sao.

Những báo cáo trình thượng cấp của điệp viên Deleze và đặc biệt là của khâm sứ Guesde được lưu lại đã cho thấy điều này. Guesde viết, cũng trong báo cáo trên: “Tôi xin gửi theo đây các số 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của báo Tribune Annamite cùng với số 15 ra tháng 5-1921 của Tạp Chí Cộng Sản có đăng một bài của Nguyễn Ái Quốc”.

Có lẽ các số báo DĐAN đều được cơ quan an ninh Pháp gửi đến Phủ toàn quyền Đông Dương để tham khảo.

Lo phần nội dung cho DĐAN là điều không quá khó với Babut. Nhưng khó khăn nhất với ông là kinh phí để ra báo. Trong một thư gửi Phan Châu Trinh - người bạn thân thiết và cũng là người đặt tiền mua DĐAN, Babut trần tình: “...

Đã sáu tháng sau khi ông Nguyễn Phú Khai về Sài Gòn, chúng tôi không nhận được từ Đông Dương một tí gì, không thư, không báo chí, không tiền bạc. Tôi phải một mình lo liệu mọi khoản cho tờ báo, từ bài vở đến tiền bạc, nhưng tôi đã đến giới hạn của sự hi sinh rồi. Những gì tôi đã làm là quá lớn, quá mức lắm rồi...

Chúng tôi đã cử một người đủ tin cậy về Đông Dương để biết tình hình bên đó và báo rõ tình trạng chúng tôi bên này.

Chúng tôi hi vọng được tin của người đó trong nửa cuối tháng 9. Tất cả những người mua báo đều là bạn của chúng tôi nên chúng tôi thấy có nghĩa vụ phải gửi thông báo này, nhưng mọi người chú ý kín tiếng cho” (15-9-1921).

Rất may, qua thời gian khó khăn - phải cho báo ra 15 ngày/số, Babut đã nhận được số tiền 25.000 franc do Nguyễn Phú Khai từ Sài Gòn chuyển qua.

Nhà số 6 Villa des Gobelins (tầng 3, có hoa ở bancông) là chỗ ở của nhóm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Khánh Ký..., cũng là nơi mà Babut khi làm báo Diễn Đàn An Nam hay lui tới - Ảnh: Lê Thị Kinh
Nhà số 6 Villa des Gobelins (tầng 3, có hoa ở bancông) là chỗ ở của nhóm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Khánh Ký..., cũng là nơi mà Babut khi làm báo Diễn Đàn An Nam hay lui tới - Ảnh: Lê Thị Kinh

Lại hết lòng với Phan Châu Trinh

Quay về Pháp để ra báo, ở Paris, ngay từ đầu Babut và Phan Châu Trinh đã tìm đến nhau sau nhiều năm xa cách.

Bà Lê Thị Kinh cho rằng tình bạn giữa Phan Châu Trinh và Babut có lẽ là một tình bạn quốc tế ít có.

“Babut lúc nào cũng hết lòng giúp ông ngoại tôi. Cụ Phan hàm ơn ông nhiều nhưng chắc là cụ không áy náy nhiều vì cụ biết Babut là con người nghĩa khí, việc ông làm là vì cả một dân tộc bị áp bức được ông coi là bè bạn...” - bà Kinh nói khi kể lại những gì Babut giúp Phan Châu Trinh ở Pháp.

Để thư xin trở về nước của Phan Châu Trinh gửi toàn quyền Đông Dương (6-1921) dễ đạt kết quả, Babut đã gia công sửa chữa kỹ càng.

Để tạo thiện cảm, Babut cũng gửi một bức thư tới Châtel mong cầu vị toàn quyền này giúp Phan Châu Trinh được toại nguyện. Để có sự tác động từ khâm sứ Guesde, Babut đã xin vị khâm sứ này cho Phan Châu Trinh được gặp mặt để tỏ bày ý nguyện.

Và họ đã thành công. Từ cương vị tổng cai quản người Đông Dương tại Pháp, Guesde đã có văn thư gửi toàn quyền Châtel với đề nghị: “Không nên cản trở Phan Châu Trinh về nước và về mặt luật pháp cũng khó cản trở, cho Phan Châu Trinh về nước sẽ có lợi về chính trị”.

Rồi Babut lại tiếp tục vận động với khâm sứ Guesde cho Phan Châu Trinh về làm thợ chấm sửa ảnh tại Hội chợ triển lãm thuộc địa ở Marseille để có thu nhập trong khi chờ đợi bộ trưởng Bộ Thuộc địa chuẩn thuận việc về nước của bạn mình.

Được Guesde chấp nhận, nhưng sau được biết vua Khải Định sẽ sang tham dự hội chợ này, Phan Châu Trinh đã khẳng khái từ khước việc làm. Babut lại phải viết thư giãi bày với Guesde sự từ chối của Phan Châu Trinh - “con người mà mặc dù tính tình có kỳ quái, tôi vẫn giữ nhiều thiện cảm và lòng kính trọng với ông ta” - Babut viết cho Guesde nơi cuối thư (28-3-1922).

Tình bạn giữa Babut và Phan Châu Trinh vẫn luôn bền chặt, nồng ấm cho đến khi Phan Châu Trinh về nước, rồi tạ thế không lâu sau đó (3-1926). Khi ấy Babut chưa “về” lại Hà Nội, vẫn còn ở lại Paris cho sự nghiệp báo chí dấn thân của mình.

Qua Phan Châu Trinh, Babut đã gặp và giao du với một số người VN tham gia các hội đoàn tại Pháp, trong đó có Nguyễn Ái Quốc là chủ tịch Hội “Những người yêu nước An Nam” và cũng là thành viên của Liên minh nhân quyền Pháp.

Theo các báo cáo của mật vụ Pháp, Babut đã hẹn gặp Nguyễn Ái Quốc (lần đầu) và Phan Châu Trinh để trao đổi về việc tìm chỗ làm cho Nguyễn Ái Quốc (15-12-1920). Babut cũng đã thẩm định giá cho một quyển sách của Nguyễn Ái Quốc.

_________

Kỳ tới: “Nhân vật nguy hiểm” ở Đông Dương

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên