08/10/2014 08:03 GMT+7

Vụ cảnh cáo rau quả VN nhiễm khuẩn: Quýt làm cam chịu

TRẦN MẠNH - C.V.KÌNH
TRẦN MẠNH - C.V.KÌNH

TT - Châu Âu cảnh cáo rau quả VN nhiễm khuẩn. Chỉ thêm 2 lô hàng bị phát hiện vi phạm vệ sinh ATTP, rau quả VN sẽ bị cấm nhập khẩu vào châu Âu...

Công nhân sơ chế rau trước khi xuất khẩu sang EU bằng đường không tại TP.HCM - Ảnh: Trần Mạnh
Công nhân sơ chế rau trước khi xuất khẩu sang EU bằng đường không tại TP.HCM - Ảnh: Trần Mạnh
Khi mở hộp rau quả của Việt Nam, có cả côn trùng bay ra
Ông ĐẶNG HOÀNG HẢI
(vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công thương kể về một lần dự kiểm tra một lô hàng rau quả nhập khẩu từ VN bị nhiễm khuẩn)

Như Tuổi Trẻ thông tin, Tổng vụ sức khỏe và người tiêu dùng châu Âu (DGSANCO) vừa cho biết từ đầu năm đến nay đã phát hiện ba lô hàng húng quế và khổ qua của VN nhiễm khuẩn gây hại cho người tiêu dùng, đồng thời cảnh báo sẽ cấm nhập rau quả VN nếu phát hiện thêm hai lô hàng vi phạm từ nay đến cuối năm.

Con sâu làm rầu nồi canh

Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, ngay sau khi DGSANCO phát ra cảnh báo về khả năng cấm nhập khẩu rau quả VN nếu tiếp tục phát hiện thêm hai lô hàng vi phạm, Cục Bảo vệ thực vật đã có quyết định tạm ngưng làm thủ tục xuất khẩu vào EU đối với năm loại rau, gồm húng quế, ớt, cần tây, khổ qua và ngò gai từ nay đến hết ngày 31-1-2015.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, biện pháp tạm ngừng này nhằm bảo vệ thị trường xuất khẩu rau quả VN nói chung, bởi 50 loại rau quả khác của VN được xếp vào nhóm có nguy cơ thấp về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn xuất khẩu vào thị trường này.

Bình luận về biện pháp tạm ngừng xuất khẩu năm mặt hàng này của Cục Bảo vệ thực vật, ông Đặng Văn Hoàng, chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II, cho rằng đây là động thái cần thiết bởi nếu bị cấm xuất khẩu, không chỉ doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà sản phẩm rau quả của VN sẽ nằm trong danh sách “đen” của DGSANCO.

Hơn nữa, nếu bị cấm nhập khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả VN sẽ đối diện với nguy cơ mất thị trường vào tay các doanh nghiệp nước ngoài đang cạnh tranh gay gắt với rau quả VN, như Thái Lan chẳng hạn. “Đây là hậu quả của việc một vài doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng đã ảnh hưởng đến cả ngành xuất khẩu rau quả VN” - ông Hoàng nói.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cho rằng “lẽ ra cơ quan chức năng chỉ nên ngưng xuất khẩu của những đơn vị nào vi phạm” để không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác, chưa kể việc xử nghiêm sẽ làm giảm khả năng tái phạm của doanh nghiệp này.

“Dù chưa bao giờ sản phẩm của chúng tôi bị phát hiện có vi phạm nhưng mỗi khi có khuyến cáo, chúng tôi đều bị buộc phải tạm ngừng xuất khẩu vào EU. Lần này cũng vậy, chúng tôi lại phải ngừng xuất khẩu, hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng dù không vi phạm” - một doanh nghiệp nói.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu rau quả tại TP.HCM cũng cho biết đang phải liên hệ với khách hàng tại châu Mỹ và châu Á để giải quyết lượng rau húng quế, ngò gai và khổ qua dư thừa trong thời gian áp dụng lệnh tạm ngừng xuất khẩu vào châu Âu.

Theo vị này, thời gian qua doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỉ đồng vào thuê đất, xây dựng nhà lưới công nghệ cao và canh tác theo tiêu chuẩn của Cục Bảo vệ thực vật đưa ra nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của châu Âu.

“Hằng tháng chúng tôi đều có hàng đưa sang châu Âu bằng đường hàng không và chưa có bất cứ lô hàng nào bị phát hiện vi phạm, nhưng nay lại bị vạ lây và các kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ” - vị này bức xúc.

Do vài lô hàng rau, khổ qua của một vài doanh nghiệp làm ăn cẩu thả bị phát hiện nhiễm khuẩn khiến rau quả Việt Nam vạ lây ở thị trường châu Âu. Trong ảnh: chuẩn bị cho thanh long xuất khẩu - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Do vài lô hàng rau, khổ qua của một vài doanh nghiệp làm ăn cẩu thả bị phát hiện nhiễm khuẩn khiến rau quả Việt Nam vạ lây ở thị trường châu Âu. Trong ảnh: chuẩn bị cho thanh long xuất khẩu - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Sẽ kiến nghị nâng tỉ lệ vi phạm?

Theo quy định của EU, trong thời gian một năm, nếu phát hiện năm lô rau quả VN vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch hại sẽ ngưng không nhập hàng từ VN. Thời hạn áp dụng cho giai đoạn kiểm tra đang được áp dụng tính từ ngày 1-2-2014 đến 31-1-2015. Như vậy với ba lô hàng bị phát hiện vi phạm, trong vòng bốn tháng tới chỉ cần phát hiện thêm hai lô hàng rau quả của VN vi phạm, châu Âu sẽ chính thức ngưng nhập khẩu rau quả từ VN.

Ông Đặng Văn Hoàng cho biết việc tạm ngưng xuất khẩu năm loại rau có nguy cơ vi phạm cao không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu rau quả VN vào thị trường châu Âu.

Trong tháng vừa qua, xuất khẩu rau quả các loại vào EU đã tăng từ 30.000 kg/tuần lên đến 50.000 kg/tuần.

Tuy nhiên trong thời gian tới, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II sẽ làm việc với các đơn vị chuyên xuất khẩu năm loại rau kể trên, đảm bảo các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về quản lý chất lượng trước khi xuất khẩu trở lại sau ngày 31-1-2015.

Ngoài ra, một số loại rau mới có nguy cơ cao về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch hại cũng sẽ được đưa vào chương trình kiểm soát đặc biệt từ trồng trọt đến xuất khẩu để nâng cao chất lượng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh khuyến cáo của DGSANCO, ông Đặng Hoàng Hải - vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công thương - cho biết đây không phải sự việc mới xảy ra mà ngay từ năm 2012, bản thân ông đã được trực tiếp mời đến kiểm tra một lô hàng rau quả nhập khẩu từ VN bị nhiễm khuẩn.

“Khi mở hộp rau quả của VN, có cả côn trùng bay ra” - ông Hải cho biết. Theo ông Hải, việc rau quả VN nhiễm vi khuẩn có thể chỉ là sơ sót, hoặc do công nghệ chưa được đầu tư đúng mức. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau thơm có thể đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, không có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, nhưng lại không quan tâm đầy đủ đến khâu khử trùng.

“Qua quá trình vận chuyển đến châu Âu, thời gian lâu ngày, có thể trứng, vi trùng trong nhánh rau phát triển” - ông Hải nhận định. Do đó, theo ông Hải, các doanh nghiệp cần nghiên cứu bởi khâu loại bỏ vi trùng không quá khó, có thể tham khảo kinh nghiệm khử trùng bằng tia cực tím của thanh long, thậm chí chỉ cần nhúng qua thuốc tím trước khi xuất khẩu, trong đó cần tham khảo ý kiến chuyên gia chuyên ngành...

“Mặt hàng bị cấm có thể chỉ là rau thơm, hoặc loại rau quả khác bị phát hiện vi khuẩn nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu rau quả của VN. Do đó, việc đảm bảo sản phẩm xuất khẩu đạt chất lượng yêu cầu không chỉ vì quyền lợi của từng doanh nghiệp mà còn bảo vệ hình ảnh cho sản phẩm rau quả VN nói chung khi xuất sang các nước” - ông Hải khuyến cáo.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Hoàng cho biết cơ quan chức năng của VN cũng đang đàm phán lại với EU về số lượng giới hạn năm lô rau bị vi phạm. Bởi so với tổng số các lô hàng rau quả VN xuất khẩu sang EU lên tới 15.000 lô/năm thì quy định vi phạm về chất lượng không quá năm lô (tức 0,03%) là quá khắt khe. “Chúng tôi sẽ kiến nghị với EU nâng mức quy định này lên mức hợp lý hơn” - ông Hoàng cho biết.

Kiểm soát chặt vẫn vi phạm

Đầu tháng 9-2014, tại cuộc họp với đoàn kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ châu Âu tại TP.HCM, Cục Bảo vệ thực vật cho hay hiện chỉ có 4-5 doanh nghiệp xuất khẩu năm loại rau thơm thuộc nhóm có nguy cơ cao kể trên vào thị trường châu Âu.

Trước khi xuất khẩu, rau phải được Cục Bảo vệ thực vật kiểm soát về chất lượng. Thế nhưng một số lô hàng kém chất lượng vẫn qua mặt được cơ quan chức năng và bị phát hiện vi phạm tại nước nhập khẩu.

Trước đó, vào đầu năm 2012, EU phát hiện ba lô hàng thuộc nhóm năm loại rau có nguy cơ cao từ VN gồm húng quế, ớt, cần tây, khổ qua (mướp đắng) và ngò gai (mùi tàu) không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch và an toàn thực phẩm và cảnh báo tới cơ quan chức năng của VN.

Ngay sau đó, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi thông báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của VN cho biết sẽ tạm ngưng làm thủ tục kiểm dịch xuất khẩu năm loại rau kể trên sang thị trường EU trong thời hạn từ ngày 15-5-2012 đến 1-2-2013.

Tới giữa tháng 6-2013, lô rau húng quế đầu tiên của VN được doanh nghiệp Thịnh Cát (TP.HCM) xuất khẩu thành công trở lại châu Âu sau khi vượt qua mọi kiểm tra về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch hại của cả cơ quan quản lý VN và nước nhập khẩu tại châu Âu.

Các doanh nghiệp đã thành công trong việc xuất khẩu ớt, khổ qua vào EU trong hơn một năm qua mà không gặp vấn đề gì về vệ sinh an toàn thực phẩm, trước khi DGSANCO đưa ra khuyến cáo mới đây.

Tr.M.

 

TRẦN MẠNH - C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên