Đại diện Công ty may thêu MDK đối thoại về quyết toán thuế cùng đại diện Cục Thuế TP.HCM (trái) - Ảnh: TỰ TRUNG
Tại buổi đối thoại do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM phối hợp với Cục Thuế TP.HCM tổ chức ngày 27-3, phần lớn câu hỏi được người nộp thuế nêu ra là xoay quanh vấn đề quyết toán thuế.
Quyết toán thuế TNCN vẫn gặp khó
Đại diện Công ty cổ phần Động Lực VN (Q.7, TP.HCM) cho hay có trường hợp làm tại công ty nhưng sau đó nghỉ việc nên thuộc diện phải tự đi quyết toán thuế (TNCN) năm 2018. Công ty đã cấp đủ chứng từ nhưng cán bộ Chi cục Thuế Q.Tân Bình trả hồ sơ vì không có thư xác nhận.
Trả lời, ông Nguyễn Văn Thiện, trưởng phòng tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế TP.HCM, khẳng định cơ quan thuế chỉ yêu cầu thư xác nhận với cá nhân là người nước ngoài, làm việc trong các lãnh sự quán, đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ. Ngay sau đó, lãnh đạo Chi cục Thuế Q.Tân Bình xuống tận nơi ghi nhận thông tin và hứa sẽ chấn chỉnh.
Doanh nghiệp cũng "đau đầu" khi mã số thuế của người lao động đã bị khóa. Như trường hợp người lao động có mã số thuế trước đây dùng để đăng ký hộ kinh doanh cá thể và bị khóa do nợ thuế, nay đã nộp thuế khắc phục nhưng chi cục thuế nói ngày 1-4 mới có thể mở mã số thuế, không kịp để quyết toán. Lãnh đạo Chi cục Thuế Q.Tân Bình đã hứa sẽ xem xét giải quyết sớm.
Chia nhỏ thu nhập có là lách thuế?
Khá nhiều doanh nghiệp nêu thắc mắc quanh quy định phải khấu trừ thuế TNCN 10% với các khoản thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng/lần trở lên dù quy định này đã được áp dụng từ lâu.
Đại diện Thư viện Pháp luật thắc mắc: Theo quy định, khoản thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng/lần trở lên phải khấu trừ thuế TNCN 10%. Nhưng hiện các văn bản hướng dẫn chưa thống nhất. Chẳng hạn với thu nhập 30 triệu đồng/tháng doanh nghiệp có thể chi mỗi ngày 1 lần, trong 30 ngày, mỗi lần 1 triệu doanh nghiệp có bị cho là lách luật không?
Trả lời, ông Nguyễn Văn Thiện cho biết nếu vậy doanh nghiệp phải ký hàng loạt hợp đồng trong một tháng và phải chứng minh kết quả cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệpsẽ gặp rủi ro, dẫn đến tranh chấp với người lao động, chưa kể doanh nghiệp có khả năng bị truy thu thuế do làm không đúng.
Cơ quan thuế cũng khó xử
Một tình huống phát sinh là tranh chấp người phụ thuộc. Doanh nghiệp nêu ra trường hợp người lao động ly hôn, tòa xử cho nuôi con nhưng người chồng nhất quyết không trả lại quyền tính người phụ thuộc.
Câu hỏi này chính cơ quan thuế cũng khó xử vì theo nguyên tắc, việc giảm trừ người phụ thuộc nếu có thay đổi thì chính người chồng phải làm thủ tục giảm người phụ thuộc, sau đó người vợ kê khai thêm. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được với nhau dù tòa đã có bản án, cơ quan thuế cũng không biết làm thế nào.
Một trường hợp khác cũng khiến doanh nghiệp "đau đầu" là khấu trừ thuế với người chưa đủ 18 tuổi, chưa có mã số thuế nhưng cha mẹ quyết không chịu khai khoản thu nhập này vào thu nhập của mình. Sau tìm hiểu, đại diện Cục Thuế TP cho biết sẽ tháo gỡ bằng cách cấp mã số thuế phụ thuộc rồi sau đó cấp mã số chính.
Người lao động khai sai, doanh nghiệp không phải chịu
Thực tế thời gian qua nhiều lao động vãng lai xin làm cam kết thu nhập chưa đến mức phải chịu thuế để không bị khấu trừ khoản thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng/lần. Doanh nghiệp lo người lao động có thu nhập cao hơn mức này. Cục Thuế TP khẳng định người lao động sẽ tự khai tự chịu trách nhiệm khi khai sai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận