Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành dầu khí - Ảnh: PVN
Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng một số lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội với lãnh đạo Tập đoàn Việt Nam (PVN).
PVN kiến nghị cần hoàn chỉnh Luật dầu khí
Theo PVN, năm 2018, tập đoàn tiếp tục phải thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thị trường dầu khí có nhiều biến động, kinh tế thế giới tiềm ẩn không ít rủi ro.
Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời.
Mặc dù vậy, các chỉ tiêu của PVN đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt 675.000 tấn so với kế hoạch; doanh thu toàn tập đoàn đạt 626.800 tỉ đồng, vượt 96.000 tỉ đồng, tăng 26% so với năm 2017.
Đặc biệt, nộp Nhà nước toàn PVN năm 2018 đạt 121.300 tỉ đồng, vượt 47.500 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2017; tổng lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 47.100 tỉ đồng, vượt gấp 2,5 lần kế hoạch năm, tăng 23% so với năm 2017...
Hoạt động tái cấu trúc cũng đạt hiệu quả. Cụ thể đã cổ phần hóa 3 đơn vị thành viên PVOIL, BSR và PV Power, thu về thặng dư 7.500 tỉ đồng cho nhà nước. Bộ máy cơ quan Tập đoàn được tinh gọn từ 28 ban/văn phòng xuống còn 16 ban/văn phòng.
PVN cũng đã xử lý bước đầu 5 dự án yếu kém, khi đưa 6 dây chuyền của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vào hoạt động trở lại...
Tuy nhiên, theo lãnh đạo PVN, có những khó khăn, vướng mắc đặt ra như khó khăn trong việc thực hiện Luật dầu khí và các văn bản hướng dẫn; công tác đầu tư ra nước ngoài; khó khăn trong việc tích hợp, áp dụng giữa các luật; việc thực hiện các mục tiêu chiến lược theo Nghị quyết 41; việc bù thuế sản phẩm Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, xử lý các dự án chưa hiệu quả…
Do đó, PVN kiến nghị cần hoàn chỉnh Luật dầu khí, xem xét tổng thể các luật liên quan để có quy định thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của dầu khí.
Đồng thời, Quốc hội có ý kiến các bộ, ngành liên quan để thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam…
Lãnh đạo PVN báo cáo kết quả hoạt động năm 2018 - Ảnh: PVN
Kế hoạch hàng năm hay 5 năm đều phải tính tới dầu khí
Đại diện lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội cho biết theo thẩm quyền, sẽ xem xét, cho ý kiến những vấn đề thuộc về thẩm quyền. Đồng thời sẽ có ý kiến, đôn đốc các cơ quan có liên quan vào cuộc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho PVN.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trên cơ sở kết quả làm việc, các cơ quan của Quốc hội sẽ tham gia một số ý kiến. Những vấn đề thuộc thẩm quyền, Quốc hội sẽ nghiên cứu để xem xét trong quá trình hoàn thiện pháp luật.
Những vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ điều hành quản lý, cần thiết Quốc hội sẽ có văn bản yêu cầu Chính phủ thực hiện và báo cáo với Quốc hội để thực hiện đúng Luật dầu khí và hệ thống pháp luật có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng dầu khí là ngành kinh tế rất quan trọng, trong đó PVN đã có đóng góp lớn.
"Việc hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng của PVN đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 60.000 lao động với thu nhập ổn định", chủ tịch Quốc hội nói.
Với vị trí quan trọng như vậy, chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kể cả 5 năm, Quốc hội đều xác định rõ mục tiêu tổng quát, những chỉ tiêu chủ yếu, trong đó khi Quốc hội quyết định về ngân sách đều nhìn tới dầu khí.
"Hàng năm hay 5 năm đều phải tính tới các nguồn lực quốc gia và nguồn lực từ dầu khí bởi ngành dầu khí rất quan trọng", bà nói.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị "Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần cố gắng phát huy những kết quả đạt được, lưu ý cái khó khăn thuận lợi của kinh tế trong nước và sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế thế giới để thực hiện các nhiệm vụ được giao".
Đồng thời tin tưởng PVN sẽ "tiếp tục vượt qua những khó khăn này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận