Phóng to |
Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh - Ảnh: M.Quang |
- Trong sáu tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra trên 22.000 vụ phạm tội về hình sự. Qua phân tích, chúng tôi thấy tính chất bạo lực của tội phạm gia tăng, các vụ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án diễn ra ở nhiều địa phương. Hoạt động của các băng nhóm tội phạm liên quan đến đâm thuê chém mướn, xiết nợ, đòi nợ thuê diễn ra phức tạp. Nhiều vụ đâm chém, thanh toán, trả thù lẫn nhau, thậm chí có vụ truy sát nạn nhân đến cùng, gây tâm lý lo lắng trong dư luận.
Nguyên nhân chính là do mặt trái của cơ chế thị trường tác động ngày càng sâu sắc đến mọi mặt đời sống, làm đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng thiếu vốn trong sản xuất kinh doanh cũng là cơ hội cho “tín dụng đen” phát triển và là mầm mống phát sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự như đòi nợ, xiết nợ, thanh toán lẫn nhau. Ngoài ra, tác động của văn hóa không lành mạnh làm một bộ phận thanh thiếu niên hư hỏng, bỏ nhà lang thang, tụ tập thành băng nhóm, gây án manh động, trắng trợn. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự còn một số sơ hở và hạn chế, không theo kịp tình hình, tạo kẽ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động.
Để giải quyết tình trạng này, tổng cục tập trung thực hiện quyết liệt hàng loạt biện pháp cụ thể. Trong đó chúng tôi đặc biệt quan tâm tăng cường chỉ đạo công an địa phương điều tra xử lý tội phạm; chấn chỉnh việc thực hiện các quy trình công tác, xử lý nghiêm các trường hợp có sai phạm, tiêu cực. Kiên quyết đấu tranh với tội phạm hình sự, có tổ chức, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm sử dụng vũ khí, tội phạm có nguyên nhân xã hội. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức, ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia đã và đang xâm nhập nước ta.
Thời gian qua, tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, phá hủy nhiều tài sản, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Điều này thể hiện hiện tượng đáng báo động về kỷ cương xã hội và sự coi thường pháp luật.
Để giữ vững kỷ cương pháp luật, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm chống người thi hành công vụ, lực lượng cảnh sát sẽ đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền mạnh mẽ, tạo sự đồng thuận xã hội cao trong việc tự giác chấp hành pháp luật; tạo khí thế để người dân tích cực lên án, tố giác, đấu tranh với các hành vi côn đồ, hung hãn, chống lại người thi hành công vụ, bảo vệ người làm chứng và người phát hiện tội phạm. Tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi chống người thi hành công vụ.
Chúng tôi cũng đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan đến việc phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Tăng cường trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, các phương tiện, thiết bị cần thiết để đảm bảo hiệu quả công tác của cán bộ chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ. Mặt khác, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ, giữ nghiêm kỷ luật, chấp hành điều lệnh, có tác phong, thái độ làm việc đúng mực, tôn trọng, tận tụy phục vụ nhân dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận