Các trường nghề và trung cấp, cả nước sẽ cắt giảm ra sao?
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vừa được Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu đến năm 2025 mạng lưới cơ sở GDNN sẽ đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước có công nghiệp theo hướng hiện đại.
Sẽ giảm 50% trường trung cấp công lập
Định hướng chung trong thời gian tới là sẽ tái cấu trúc mạng lưới cơ sở GDNN trên cả nước theo hướng tinh gọn. Cụ thể đến năm 2025, cả nước sẽ giảm ít nhất 20% cơ sở GDNN công lập so với năm 2020. Các trường trung cấp công lập sẽ giảm đến khoảng 40% số lượng.
Đồng thời, cả nước sẽ nâng tỉ lệ cơ sở GDNN tư thục và các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Năm 2025 cũng sẽ là thời điểm cả nước hoàn thành sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề trên địa bàn cấp huyện để tinh gọn lại thành một cơ sở GDNN.
Đến năm 2030, cả nước sẽ giảm ít nhất 30% cơ sở GDNN công lập so với năm 2020. Số trường trung cấp công lập sẽ giảm phân nửa (50%) so với hiện nay. Đồng thời, tỉ lệ cơ sở GDNN tư thục và cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài được nâng lên khoảng 50%.
Mạng lưới cơ sở GDNN cũng được tái cơ cấu theo vùng cho đến năm 2030. Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ chiếm 26% cơ sở GDNN cả nước, vùng Đông Nam Bộ chiếm 17%, vùng Tây Nguyên chiếm 6%. Điểm nổi bật là cả nước có những trường với chức năng như trung tâm quốc gia hoặc trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN - cho rằng các trung tâm này có thể cung cấp dịch vụ đào tạo và thực hành các kỹ năng mới trong các chương trình GDNN đồng thời là nơi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, công nghệ mới cho đội ngũ nhà giáo của các GDNN nghiệp trong vùng. Các trung tâm có thể được hình thành từ việc sắp xếp lại các cơ sở GDNN công lập hiện có tại các vùng kinh tế - xã hội.
Tránh "sáp nhập cơ học" trường nghề
Theo TS Trần Thanh Hải (hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông), quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN là chủ trương đúng đắn và cần được triển khai thật nhanh và quyết liệt. Trước nay mạng lưới cơ sở GDNN được hình thành và duy trì tương đối "cứng nhắc" theo không gian địa lý và đơn vị hành chính.
Chẳng hạn, nhiều nơi mặc định huyện nào cũng sẽ có một cơ sở GDNN nhưng không tính đến đặc điểm dân số và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, ở nhiều huyện vốn tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất cần rất nhiều lao động thì địa phương lại không tăng thêm số lượng cơ sở GDNN.
Tái cấu trúc mạng lưới GDNN sẽ góp phần giải quyết được nút thắt này, tuy nhiên TS Trần Thanh Hải cho rằng cần lưu ý việc "sáp nhập cơ học".
Đó là cách sáp nhập hình thức, gom 3-4 trường cao đẳng, trung cấp công lập vào thành một nhưng bộ máy, đội ngũ và cách vận hành vẫn như những trường độc lập. Chưa kể, cách này còn có thể gây ra sự "đấu đá" quyền lực ở một số vị trí.
Cũng đồng tình với xu hướng sáp nhập những cơ sở GDNN yếu kém, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - cho rằng cần triển khai những khảo sát, nghiên cứu cụ thể để xác định chính xác cho từng vùng, địa phương lộ trình để tinh gọn các cơ sở GDNN thế nào.
Khảo sát, nghiên cứu cũng sẽ phải thực hiện với các ngành nghề để biết được bài bản và khoa học đâu là những ngành cần lao động, những ngành triển vọng gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Theo ông Vinh, trong quá trình triển khai, Tổng cục GDNN cũng cần phối hợp với Bộ GD-ĐT để có sự đồng bộ và thống nhất. Bởi hệ thống GDNN không thể đi độc lập, mà sẽ là một phần gắn kết chặt chẽ với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
Năm 2025, GDNN tuyển được trên 2,5 triệu người
Một điểm đáng chú ý khác trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là quy mô tuyển sinh, đào tạo.
Theo đó, đến năm 2025, mục tiêu đặt ra cho GDNN cả nước là đào tạo từ 2,5 - 2,7 triệu lượt người/năm. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 25%. Đến năm 2030, số lượt người theo học GDNN đạt 3,8 - 4 triệu lượt người/năm, bao gồm 25 - 30% ở trình độ cao đẳng, trung cấp.
Bài toán xã hội hóa GDNN
Xu hướng trong phát triển GDNN tại Việt Nam trong thời gian tới là gia tăng tỉ lệ các trường tư thục, dẫu vậy việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho GDNN vẫn còn nhiều thách thức.
TS Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng một trong những nguyên nhân nằm ở vốn đầu tư thành lập cơ sở GDNN - không bao gồm giá trị về đất đai - rất lớn, đặc biệt là một số ngành nghề kỹ thuật như cắt gọt kim loại, cơ khí, chế tạo máy...
Đầu tư lĩnh vực này có tỉ suất lợi nhuận thấp do việc tăng thu từ người học để bù đắp chi phí đào tạo cho các đối tượng của GDNN gặp khó khăn bởi đối tượng người học chủ yếu là nhóm đối tượng yếu thế.
Theo TS Trần Thanh Hải, xã hội hóa trong GDNN có thể không đến từ các đơn vị chủ trương đầu tư cho giáo dục mà đến từ những doanh nghiệp sản xuất. Đó là những doanh nghiệp cần nguồn lao động có tay nghề nên sẵn sàng thành lập trường hoặc kết hợp với các trường đã có để đào tạo nhân lực cho chính đơn vị mình.
Một doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn tại Việt Nam đã thành lập một trường cao đẳng chuyên đào tạo nhân sự cho dây chuyền sản xuất của họ. "Nên có những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ những đơn vị này tham gia hoạt động GDNN, bởi đây là hình thức xã hội hóa khá phù hợp với tình hình hiện nay" - ông Hải nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận