Mới đây, UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM có quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định số 6200/QĐ-KPHQ ngày 23-8-2023 của chủ tịch UBND quận Bình Thạnh đối với căn nhà số 11 (số cũ 9/1) đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM, tức nhà cụ Vương Hồng Sển.
Không chấp nhận cơi nới trong di tích
Theo đó, hành vi vi phạm hành chính cần khắc phục là phần công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị do xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.
Cụ thể những hành vi vi phạm được nêu trong quyết định số 5279/QĐ-CCXP ngày 12-9-2024 của chủ tịch UBND quận Bình Thạnh.
Thời gian khắc phục hậu quả là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này.
Bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM - cho Tuổi Trẻ Online biết bà đồng tình với quyết định cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trong nhà cụ Vương Hồng Sển vì ngôi nhà này đã được xếp hạng di tích.
Nhà cụ Vương Hồng Sển được UBND TP.HCM ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố vào tháng 8-2003, là di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống.
Đồng thời quyết định này quy định nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ.
Hành vi cơi nới, xây cất thêm để ở và khai thác buôn bán, dịch vụ trong khu vực bảo vệ của ngôi nhà di tích là không thể chấp nhận được.
Bà Thế Thanh mong rằng quyết định cưỡng chế này sẽ đi vào thực tế, xử lý nghiêm các vi phạm, để giữ gìn và phát huy di tích quý này cho thế hệ mai sau.
Các hoa văn trên mái ngói, vách nhà, thanh kèo - Ảnh: HỮU THUẬN
Không đồng tình "bứng" ngôi nhà cổ đi
Trước khi mất, cụ Vương Hồng Sển mong muốn thành lập bảo tàng tư gia lấy tên "Nhà Vương Hồng Sển" gồm nhiều sách hiếm có Pháp văn, Quốc văn, Hán văn, chỉ được nghiên cứu tại chỗ và không lấy ra khỏi nhà.
Đây là một trong bốn nội dung trong di chúc được cụ Vương Hồng Sển lập ngày 27-6-1995.
Bà Nguyễn Thế Thanh kể cụ Vương Hồng Sển từng mời các cơ quan chức năng đến và nói muốn trao lại ngôi nhà cổ và những cổ vật bên trong ngôi nhà cho Nhà nước, thành lập bảo tàng cho người dân được thưởng lãm.
Cụ đưa ra nguyện vọng khi trao lại ngôi nhà là: Phải mở cửa cho người dân tham quan. Nếu việc mở cửa cho khách tham quan thu được phí thì trích một phần nguồn phí đó để bảo dưỡng nghĩa trang họ Vương ở Sóc Trăng.
Cụ Vương Hồng Sển mong muốn Nhà nước nuôi những đứa cháu nội của cụ được học hành, có nghề nghiệp, đồng thời bố trí cho các cháu cụ một chỗ có thể ở được, sống được.
Cụ cũng từng chia sẻ rằng ngôi nhà cổ và cổ vật là di sản người xưa để lại, cụ may mắn sở hữu nên muốn giữ lại cho đời sau.
Sau khi tiếp nhận nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển theo di chúc, cơ quan chức năng được phân công thực hiện chính sách, trợ cấp hằng tháng cho cháu nội của cụ đi học.
Năm 2009, thành phố bố trí một căn nhà (số 91 Vạn Kiếp, diện tích 145,1m2) để ba người cháu cụ Vương Hồng Sển đến ở, nhưng cả ba đều không đồng ý.
Đến năm 2005, cháu cụ Vương đứng tên khởi kiện UBND TP.HCM để đòi quyền lợi thừa kế đối với nhà, đất, cổ vật và sách quý (Tòa án nhân dân TP.HCM và Tòa án phúc thẩm tối cao tại TP.HCM đã đình chỉ các vụ án dân sự này).
Năm 2013, ba người cháu của cụ Vương Hồng Sển gửi "Đơn xin cứu xét khẩn thiết", đề nghị UBND TP.HCM di dời ngôi nhà cổ đến một vị trí khác để làm bảo tàng hoặc định giá lại giá trị nhà đất để bồi hoàn cho họ tìm mua nhà đất khác ở và sinh sống.
Bà Nguyễn Thế Thanh nói quan điểm của bà là không đồng ý di dời ngôi nhà cổ vì khi đó ngôi nhà không còn giá trị lịch sử mà cụ Vương Hồng Sển đã mang về, trở thành nhà Vương Hồng Sển.
Do chưa thỏa mãn yêu cầu của các cháu cụ Vương Hồng Sển nên họ vẫn ở trong nhà của ông nội. Trong khi đó, theo quy định không gian di tích không được có người ở hoặc buôn bán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận