10/12/2012 08:30 GMT+7

Quyết bắt tôm, đừng ép tép

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Nhiều sự kiện diễn ra gần đây cho thấy có nhiều lỗ hổng làm ngân sách nhà nước bị thất thu hoặc có dấu hiệu bị thất thu.

Đó là vụ buôn lậu xăng dầu qua tạm nhập tái xuất để trốn thuế. Vụ hàng hiệu bán nơi sang trọng bị nghi khai nhập từ Trung Quốc với tiền thuế nhập khẩu rẻ bèo. Đình đám là sự bất thường ở Công ty Coca - Cola VN với chục năm làm ăn nhưng luôn lỗ nên không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp...

Các lỗ hổng này được dư luận quan tâm khi Chính phủ và chính quyền các địa phương đang đau đầu với bài toán thu ngân sách. Làm sao thu được nhiều tiền hơn trong khi phải cắt giảm, giãn thu nhiều khoản thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, khoan sức dân.

Nhà nước đang cần tiền cho chi thường xuyên, chi phát triển nhưng Nhà nước lại đang bị mất tiền do thất thu thuế. Những khoản tiền khổng lồ thất thoát là do sự cố ý của cá nhân, đơn vị kinh doanh nhưng có chung nguyên nhân là cơ chế chưa hoàn thiện, còn kẽ hở để bị lợi dụng. Muốn bịt các kẽ hở này phải hoàn thiện chính sách, đó là cuộc đấu trí, đấu pháp lý, đòi hỏi cả tầm nhìn xa, chính sách phải đi trước...

Ngược lại những vụ trốn, né thuế, với người nộp thuế thu nhập cá nhân thì lại bị quản chặt bởi các quy định của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế dẫn đến việc thu thuế trái với nguyên tắc của thuế thu nhập là “có lãi mới nộp thuế”. Dù tới đây cá nhân sẽ dễ thở hơn khi khởi điểm chịu thuế được nâng lên, nhưng theo các chuyên gia, còn bất hợp lý mà việc sửa Luật thuế thu nhập cá nhân vừa qua chưa khắc phục được, bởi nó liên quan đến kỹ thuật thu thuế do Bộ Tài chính quy định.

Như người đầu tư chứng khoán, họ phải chịu cảnh “lỗ vẫn phải nộp thuế”, không như những công ty nước ngoài đang né thuế qua chuyển giá dẫn đến “lỗ khỏi nộp thuế”. Hoặc người mua bán bất động sản, dù lỗ cũng phải nộp thuế 2% bởi có mấy người được ngành thuế cho nộp thuế trên chênh lệch, tức có lãi mới nộp thuế... Những quy định này do Bộ Tài chính đưa ra dễ cho quản lý nhưng theo các chuyên gia, tới đây cần phải sửa để trả lại sự sòng phẳng cho cá nhân nộp thuế.

Nhưng xét cho cùng, người đầu tư chứng khoán, bất động sản... chỉ là những “con tép” đóng góp vào nguồn thu thuế. Vì vậy, thay vì chăm chăm vào “con tép”, hãy tập trung nhiều hơn vào những “con tôm”. Cuộc chiến chống thất thu thuế chỉ thành công khi Nhà nước thu đúng, đủ thuế từ những “con tôm”. Muốn vậy, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng phải đầu tư nhiều hơn để chấm dứt nạn khai giảm giá trị, không đúng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhập khẩu nhằm trốn thuế; đặc biệt để nhà đầu tư nước ngoài chuyển giá để né thuế phải tâm phục khẩu phục...

Nhiều năm trước, ngành thuế đã “đột phá” khi chuyển hướng nguồn thu từ những “con tép” sang “con tôm”. Thay vì tăng thuế khoán ở chợ đã tập trung khai thác nguồn thu từ các doanh nghiệp. Kết quả là các vụ bãi thị do tăng thuế giảm hẳn, nguồn thu ngân sách nhà nước vẫn tăng nhờ chống thất thu từ khu vực doanh nghiệp. Lúc này cũng không thể chăm chăm vào “con tép” với những quy định đi quá xa nguyên tắc của thuế thu nhập, mà nên tập trung chấm dứt nạn thất thu thuế ở những “con tôm”.

Một công đôi việc, đó sẽ là nguồn thu lớn cho quốc gia để không chỉ chăm lo tốt cho người nghèo, chi cho đầu tư phát triển, mà còn trả lại sự sòng phẳng cho người kinh doanh chân chính đã làm đủ nghĩa vụ với Nhà nước.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên